Bình Sơn quá tải trong công tác giải phóng mặt bằng

18:06, 23/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Bình Sơn hiện là địa phương có các dự án công nghiệp, đô thị đang triển khai nhiều nhất tỉnh, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, nhân lực làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công các dự án còn thiếu, chưa đáp ứng được công việc, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Không đủ người làm việc

Trước năm 2021, công tác GPMB trên địa bàn huyện Bình Sơn có 2 đơn vị thực hiện là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn và Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất. Từ năm 2021, thực hiện Đề án sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất vào Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn thì công tác GPMB ở huyện Bình Sơn chỉ còn 1 đơn vị thực hiện là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn. Khối lượng công việc tăng lên nhiều, nhưng nhân lực của trung tâm còn mỏng, nên chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ công việc. Trong khi đó, các tồn tại, vướng mắc trong GPMB của các dự án trong KKT Dung Quất thời kỳ chưa sáp nhập 2 trung tâm phát triển quỹ đất khá lớn, kéo dài chưa được giải quyết. Sau khi sáp nhập, những vấn đề này chuyển về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn nên phải tổ chức xác minh, giải quyết các khiếu nại của người dân, doanh nghiệp (DN) mất nhiều thời gian, nhân lực.

Dự án Đường Trì Bình - Dung Quất (KKT Dung Quất) thuộc địa bàn huyện Bình Sơn vướng mắc trong  giải phóng mặt bằng nên sau 9 năm triển khai mới thông đường, đấu nối với Quốc lộ 1.
Dự án Đường Trì Bình - Dung Quất (KKT Dung Quất) thuộc địa bàn huyện Bình Sơn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên sau 9 năm triển khai mới thông đường, đấu nối với Quốc lộ 1.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Tưởng Duy, sự quá tải không chỉ xảy ra ở Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn mà còn tại các UBND xã, thị trấn và các phòng, ban khác của huyện. Bởi vì, khi nhiều dự án cùng triển khai tất yếu sẽ dẫn đến đơn thư khiếu nại, thắc mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong GPMB. Để giải quyết các đơn thư này thì cả hệ thống chính trị của huyện phải vào cuộc, đặc biệt là chính quyền cấp xã và phòng TN&MT. Tại các xã Bình Đông, Bình Thuận, cán bộ địa chính làm không xuể, vì khối lượng công việc quá lớn. Vì thế, GPMB thực hiện các dự án công nghiệp, đô thị luôn bị chậm tiến độ...

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Sơn có hàng trăm dự án đang triển khai công tác GPMB, với rất nhiều dự án quy mô lớn, thời gian ngắn, tiến độ cấp bách. Trong đó, có cả dự án trọng điểm quốc gia như: Cụm dự án điện khí Dung Quất (của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và doanh nghiệp FDI thực hiện); các dự án trọng điểm của tỉnh như đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, VSIP II Quảng Ngãi. Đồng thời, còn có các dự án phát triển đô thị của huyện Bình Sơn để từng bước hoàn thiện tiêu chí đô thị đưa Bình Sơn trở thành thị xã vào năm 2025.

Nhiều dự án chờ mặt bằng

Việc GPMB được xác định là khâu trực tiếp quyết định đến tiến độ thi công xây dựng, hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Tại huyện Bình Sơn, công tác này thời gian qua bị chậm trễ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư.

Dự án  Khu tái định cư Cà Ninh sau 10 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành vì vướng giải phóng mặt bằng.
Dự án Khu tái định cư Cà Ninh sau 10 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành vì vướng giải phóng mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (thuộc Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh), năm 2024, đơn vị được bố trí 155 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án. Do không có mặt bằng để triển khai thi công nên đến ngày 15/4/2024, mới chỉ giải ngân gần 8 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch vốn giao. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung, không đạt yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo và kế hoạch của đơn vị đề ra.

Số vốn mà Ban quản lý dự án được giao trong năm 2024 để tập trung triển khai 7 dự án chuyển tiếp, gồm: Xây dựng đường giao thông trục chính nối trung tâm phía bắc và phía nam đô thị Vạn Tường; Khu tái định cư Cà Ninh, Mẫu Trạch phục vụ KKT Dung Quất; Tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1; Tuyến đường trục vào KCN nặng Dung Quất phía đông; Làn đường giảm tốc tại nút giao thông Quốc lộ 1 KCN Tịnh Phong; Nâng cấp, cải tạo và đầu tư hoàn thiện các khu dân cư trên địa bàn KKT Dung Quất. Đồng thời, khởi công mới dự án Đường nối Quốc lộ 1 đến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (giai đoạn 1). Tuy nhiên, đến nay tất cả các dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã qua 4 tháng nhưng không triển khai được, vì chưa có mặt bằng.

Khu tái định cư Hải Ninh (KKT Dung Quất) sau hơn 10 năm thi công vẫn còn một số hạng mục dở dang vì vướng mặt bằng.
Khu tái định cư Hải Ninh (KKT Dung Quất) sau hơn 10 năm thi công vẫn còn một số hạng mục dở dang vì vướng mặt bằng.

Cũng vì quá tải, không đảm bảo lực lượng để thực hiện tốt các yêu cầu về GPMB nên các dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh đều chậm tiến độ, có dự án phải dừng thi công vì không có mặt bằng. Đơn cử như dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, tổng chiều dài đi qua huyện Bình Sơn là 17,6km/26,8km. Dự án khởi công đã được hơn 4 tháng nhưng huyện Bình Sơn mới chỉ phê duyệt phương án bồi thường được 5,1ha, đạt 4,9% tổng diện tích phải thu hồi. Đối với dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đoạn đi qua xã Bình Châu, vì vướng GPMB nên nhiều tháng qua dự án đã phải tạm dừng thi công.

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về các dự án năng lượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung Lê Hoàng Anh Dũng cũng đã phản ánh dự án đường dây 110kV Bình Nguyên - Quảng Ngãi, khi làm việc để thực hiện GPMB thì Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn từ chối ký hợp đồng, vì không làm nổi. Đối với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, hiện nay nhà đầu tư liên tục có văn bản yêu cầu tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB để thi công xây dựng nhà xưởng, nhưng huyện Bình Sơn cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:06, 23/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.