Hình thành công dân số

22:41, 31/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện mục tiêu “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, cả hệ thống chính trị đã và đang triển khai nhiều giải pháp giúp người dân tiếp cận các ứng dụng số, thành thạo kỹ năng số và thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số (CĐS).

TIẾP CẬN KỸ NĂNG SỐ 

Thay vì đến trụ sở UBND thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) như trước, chị Đinh Thị Hương (29 tuổi) ngồi ở nhà vẫn có thể thực hiện TTHC. Chị Hương cho biết, sau khi cán bộ, công chức của UBND thị trấn Sông Vệ hướng dẫn, chị đăng ký tài khoản, tải ứng dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia về điện thoại. Khi cần đăng ký xác nhận tạm trú cho người thân, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế... chị thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. "Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, theo dõi được hồ sơ của mình giải quyết đến đâu chỉ qua điện thoại thông minh. Thấy được những thuận lợi này, tôi đã hướng dẫn cho cha mẹ, người nhà cách thực hiện TTHC qua ứng dụng này”, chị Hương cho hay.

Năm 2023, Quảng Ngãi là 1 trong 21 tỉnh, thành phố hoàn thành công tác cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản cao nhất cả nước. Dấu ấn nổi bật nữa là, theo kết quả đánh giá về chỉ tiêu thanh toán trực tuyến theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến của Quảng Ngãi trong các tháng cuối năm 2023 tăng tốc và bứt phá mạnh mẽ, nằm trong nhóm đầu của cả nước. Trong đó, tháng 10/2023, Quảng Ngãi đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; tháng 11/2023, Quảng Ngãi đứng đầu cả nước về thanh toán trực tuyến phí, lệ phí  TTHC. Đến ngày 18/12/2023, tổng số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt hơn 90 tỷ đồng.

Là công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND thị trấn Sông Vệ, mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bích Thương tiếp nhận, giải quyết nhiều hồ sơ của công dân liên quan đến chứng thực, đăng ký khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn... “Việc thực hiện TTHC trực tuyến mang lại rất nhiều tiện ích cho công dân. Điển hình như các bạn trẻ làm ăn ở xa vẫn có thể đăng ký xác nhận tình trạng hôn nhân qua dịch vụ công trực tuyến, rồi nhận kết quả tại nhà qua bưu điện, mà không phải xin nghỉ việc để về quê nộp hồ sơ”, chị Bích Thương cho biết.

Hơn một năm qua, mỗi khi đi chợ Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Thương (65 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) không cần mang theo tiền mặt. “Hầu hết các quầy hàng tại chợ đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Tôi chỉ cần mang theo điện thoại thông minh có cài ứng dụng của ngân hàng, thanh toán bằng cách quét mã QR. Nhiều chủ quầy thịt, cá ở chợ còn chủ động kết bạn Facebook, Zalo của tôi, giới thiệu các mặt hàng tươi ngon mỗi ngày. Tôi có thể ngồi nhà và đi chợ trên môi trường mạng", bà Thương bày tỏ.

Tại chợ Quảng Ngãi, Viettel Quảng Ngãi đã đồng hành cùng các tiểu thương mở hơn 400 điểm thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho  người dân tiếp cận phương thức thanh toán mới. Trong năm 2023, bình quân mỗi tháng, chợ Quảng Ngãi tiếp nhận hơn 35 nghìn giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Mô hình “Chợ 4.0” lan tỏa đến chợ La Hà (Tư Nghĩa) và chợ ở huyện Lý Sơn, tạo hiệu ứng tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt đến đông đảo người dân.

HUY ĐỘNG SỰ THAM GIA CỦA TOÀN DÂN 

Trong thực hiện CĐS, việc phát triển công dân số là nền tảng quan trọng giúp 3 trụ cột của CĐS gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ngày càng phát triển bền vững. Nghị quyết số 13 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 6/9/2023 về CĐS tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ quan điểm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công trong CĐS. Nghị quyết 13 đề ra mục tiêu đến năm 2025, trên 60% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cơ bản.

hướng dẫn kỹ năng số trên điện thoại thông minh cho người dân.             Ảnh: Ý THU
hướng dẫn kỹ năng số trên điện thoại thông minh cho người dân. Ảnh: Ý THU

Lãnh đạo Sở TT&TT cho biết, năm 2023 có hơn 600 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, phổ cập kỹ năng số, đạt tỷ lệ trên 83% trên tổng số người dân trong độ tuổi lao động. Qua đó góp phần hình thành công dân số và cán bộ tinh thông về nền hành chính số để hỗ trợ người dân thực hiện kỹ năng số.

Tính đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 85%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 71% trên tổng dân số của tỉnh. Trong CĐS, Quảng Ngãi xác định, "lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp cần thì tập trung CĐS trước". Vì vậy, năm 2023, tỉnh đã triển khai, phát triển và hoàn thành nhiều cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Nhất là hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia, giúp người dân thuận lợi hơn trong tra cứu, thực hiện các TTHC liên quan đến đất đai. Thực hiện số hóa sổ hộ tịch cho 5 huyện, thành phố, số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”, đáp ứng nhu cầu sử dụng của 30% dân số của tỉnh và số hóa hồ sơ sức khỏe cho 80% người dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, CĐS là một hành trình đa dạng, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Để đẩy mạnh CĐS, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức; triển khai đồng bộ các nền tảng số đến cơ sở; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Ý THU - BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:41, 31/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.