Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

11:28, 14/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo thuận lợi trong việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), huyện Tư Nghĩa đã triển khai thí điểm mô hình chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng trên địa bàn xã Nghĩa Điền và Nghĩa Thuận, với khoảng 1.000 người. 

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tư Nghĩa Trần Nam Giang cho biết, thực hiện chủ trương chi trả trợ cấp cho các đối tượng BTXH, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng BTXH tại cộng đồng trên địa bàn huyện. Tháng 5/2023, phòng phối hợp với Viettel tổ chức hội nghị triển khai thí điểm việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng BTXH trên địa bàn xã Nghĩa Thuận và Nghĩa Điền. Tại hội nghị các địa phương tuyên truyền cho các đối tượng hiểu rõ những tiện ích của việc không dùng tiền mặt để họ tích cực tham gia. Với các đối tượng chưa làm căn cước công dân, chưa có sim điện thoại chính chủ, chưa thực hiện đăng ký định danh điện tử mức độ 2, phòng phối hợp với UBND các xã rà soát, hướng dẫn thực hiện.

Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) hỗ trợ người dân sử dụng tài khoản Viettel Money.                                                      Ảnh: PV
Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) hỗ trợ người dân sử dụng tài khoản Viettel Money. Ảnh: PV

 

Bước đầu triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, đối tượng BTXH chủ yếu là trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi... với số tiền hưởng hằng tháng chỉ vài trăm nghìn đồng nên nhiều người băn khoăn, lo lắng về phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Hơn nữa, đa phần người dân muốn nhận tiền mặt để tiện chi tiêu sinh hoạt. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách rút tiền, nơi rút tiền nên người dân đồng tình. Từ chỗ chỉ thí điểm ở 2 xã Nghĩa Điền và Nghĩa Thuận, với mục tiêu thực hiện chi trả cho 1.000 đối tượng, đến nay đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 9.016/9.862 đối tượng BTXH trong toàn huyện, với tổng số tiền hơn 4,57 tỷ đồng.

“Từ thành công bước đầu trong chi trả trợ cấp cho các đối tượng BTXH, huyện đã nhân rộng mô hình này sang thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công, hiện đang thực hiện ở xã Nghĩa Điền. Năm 2024 huyện sẽ mở rộng việc chi trả không dùng tiền mặt cho người có công ở các địa phương trong huyện”, ông Giang cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền Lê Thị Mỹ Nương cho biết, ban đầu người dân băn khoăn khi nghe nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, vì nhiều trường hợp không biết sử dụng điện thoại thông minh, không biết cách rút tiền tại trụ ATM. Nhưng sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, người dân thấy được những tiện ích như khi tiền vào tài khoản thì có tin báo, nếu không đi rút tiền được thì có thể nhờ con cháu cầm thẻ đi rút hộ, rất tiện lợi, không mất phí, nên người dân đồng tình. 

“Hiện trên địa bàn xã có 7 điểm rút tiền tại các quầy tạp hóa và đại lý được Viettel ủy quyền phân đều ở 4 thôn. Nếu người dân không đi rút tiền thì có thể nhờ trưởng thôn, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng rút giúp. Từ thành công của việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng BTXH, xã đã nhân rộng sang thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho 23 đối tượng người có công trên địa bàn xã”, bà Nương cho biết thêm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận Trương Thị Kiều, đến nay xã đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 336 đối tượng người cao tuổi. Việc chi trả không dùng tiền mặt thực hiện dưới 3 hình thức, đó là làm thẻ ATM; cấp miễn phí tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để đối tượng ra đại lý ủy quyền để nhận tiền và quét mã QR Code tại điểm giao dịch để nhận tiền. Khi nhận tiền bằng các hình thức trên, người dân không đóng bất kỳ khoản phí nào.

 BÁ SƠN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:28, 14/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.