Vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024: Tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp

10:39, 04/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, do nhiều tuyến kênh mương bị hư hỏng; chuột, ốc bươu vàng và các đối tượng gây hại khác có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó để đảm bảo vụ sản xuất  thực hiện đúng kế hoạch, đạt hiệu quả.

Nỗi lo cỏ dại, chuột cắn phá

Từ cuối tháng 11 đến nay, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung dọn vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương, ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng (OBV) để chuẩn bị vào vụ mới. Tuy nhiên, sau thời gian dài không sản xuất, lại không có lụt nên đồng ruộng bị cỏ phủ kín, OBV dày đặc. Bà Nguyễn Thị Tỵ, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) cho biết, mọi năm tôi dùng thuốc diệt cỏ, nhưng phải phun từ 3 - 4 lần, vừa tốn kém lại độc hại nên giờ tôi chỉ dọn thủ công. Cỏ phủ kín từ bờ vào trong ruộng, vợ chồng tôi dọn dẹp cả tuần vẫn chưa sạch.

Ông Lê Phước Hảo, ở tổ 1, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng lo lắng khi nhìn 2 sào ruộng đầy cỏ và OBV. Ông Hảo cho biết, mọi năm có lụt nên cỏ dại bị thối mục; người dân nuôi vịt thả đồng cũng giúp tiêu diệt được trứng và OBV nên đỡ tốn công dọn cỏ, rác và nhặt ốc.  

Nông dân xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ)  làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân 2023 - 2024.
Nông dân xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ)  làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân 2023 - 2024.

Cùng với nông dân, chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng phát động và tổ chức ra quân diệt chuột, nạo vét kênh mương để chuẩn bị vào vụ sản xuất mới. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) Đỗ Đình Anh cho biết, năm nay không có lũ lớn nên vụ sản xuất lúa đông xuân 2023 - 2024 dễ bùng phát chuột và OBV gây hại. Vì vậy, từ giữa tháng 11, các hội, đoàn thể và người dân địa phương đã ra quân dọn vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi rậm để diệt chuột. Đồng thời, nạo vét lòng kênh, gia cố và sửa chữa nhiều điểm sạt lở, hư hỏng của kênh mương nội đồng. 

Công tác diệt chuột bảo vệ mùa màng cũng được UBND tỉnh chỉ đạo trong Kế hoạch số 198/KH-UBND, nhưng thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện. Nông dân cũng chưa chú trọng việc đắp đất giữ bờ, cày dầm để diệt cỏ, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá cho biết, trước tình hình dịch bệnh và các đối tượng gây hại có nguy cơ bùng phát, chi cục đang tập trung cấp hơn 10 nghìn kí lô gam thuốc diệt chuột sinh học cho các địa phương; đồng thời tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đúng, đảm bảo an toàn.

Thách thức với hạn, mặn
Trà chính vụ gieo sạ từ ngày 15 - 31/12/2023 và sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 105 - 115 ngày. Đối với trà lúa muộn gieo sạ từ ngày 1 - 10/1/2024 và dùng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Thế Vinh cho biết, nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn cục bộ xuất hiện vào cuối vụ đông xuân, nhất là các vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các đập dâng có quy mô nhỏ. Bởi đến thời điểm này, dung tích chứa của nhiều hồ chứa nước đạt thấp. Trong số 19 hồ chứa do công ty quản lý và vận hành thì chỉ có 3 hồ có dung tích đạt từ 90% trở lên, còn lại 16 hồ đạt dưới 60%. Đáng ngại nhất là các hồ chứa trên địa bàn TX.Đức Phổ như Liệt Sơn, An Thọ, Diên Trường, Huân Phong và Núi Ngang (Ba Tơ) hiện chỉ đạt từ 50 - 55%, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc tưới cho trên 3.000ha đất lúa và hoa màu. Trong khi đó, hàng loạt công trình, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng do thiên tai nhưng chỉ được khắc phục tạm, nên không đảm bảo năng lực tưới tiêu.

Hệ thống kênh chính bắc Thạch Nham bị sạt lở mái kè, kênh B42 (Sơn Tịnh) bị hư hỏng, hơn 3km kênh chính hồ chứa nước Hóc Xoài (Tư Nghĩa) cũng nứt, nước chảy ra ngoài. Hàng nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân các xã Nghĩa Hà, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) có nguy cơ bị hạn và xâm nhập mặn, do đập Hiền Lương (Tư Nghĩa) và Khê Hòa (TP.Quảng Ngãi) xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt.

Sẵn sàng các giải pháp

Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng khung lịch thời vụ phù hợp cho từng vùng, đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ thời gian gieo sạ. Cụ thể, trà chính vụ gieo sạ từ ngày 15 - 31/12/2023 và sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 105 - 115 ngày. Đối với trà lúa muộn gieo sạ từ ngày 1 - 10/1/2024 và dùng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang tập trung phương tiện nhân lực khẩn trương tổ chức kiểm tra, chủ động triển khai xử lý tạm thời các điểm sạt lở, gia cố mái bờ kênh, nạo vét lòng kênh bị bồi lấp nhẹ... đảm bảo từ ngày 5/12 sẽ mở nước phục vụ sản xuất đông xuân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT đang chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, như “Cánh đồng lớn”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” hay “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”. Đối với những diện tích sản xuất ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động chuyển canh tác sang các loại cây trồng ngắn ngày, gắn với áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Vận động người dân phối hợp các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả. Qua đó, góp phần đảm bảo vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024 đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:39, 04/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.