Tập trung phát triển du lịch nông nghiệp

08:33, 28/11/2023
.
 

(Baoquangngai.vn)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, các địa phương ở Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp. Các mô hình vườn hoa, vườn rau, cây ăn trái kết hợp du lịch cộng đồng đã nâng cao giá trị sản phẩm giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn.

Hiện TP.Quảng Ngãi đang phát triển 6 mô hình phát triển du lịch nông thôn, gồm: Mô hình du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê; mô hình phát triển du lịch làng hoa xã Nghĩa Hà; mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn rau an toàn xã Nghĩa Hà; mô hình du lịch cộng đồng xã Nghĩa Phú; mô hình du lịch cộng đồng bãi biển xã Nghĩa An và mô hình du lịch cộng đồng gắn với tham quan các khu di tích lịch sử.

 

Trong đó, rừng dừa nước Tịnh Khê nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc đang là địa điểm du lịch sông nước hữu tình. Đến đây, du khách được trải nghiệm chèo thuyền băng qua các con lạch, thưởng thức đặc sản quả dừa nước và cùng người dân làm nghề thủ công. 

Chị Nguyễn Thị Thủy đến từ TP.Hà Nội chia sẻ, đến với rừng dừa nước Tịnh Khê, tôi như lạc vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Cảm giác thật yên bình.

Toàn xã Tịnh Khê có khoảng 12ha diện tích dừa nước, tập trung ở thôn Trường Định và thôn Cổ Lũy, dọc dòng sông Kinh. Hiện HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê với khoảng 20 thành viên, đang tích cực khai thác, phát triển du lịch cộng đồng từ rừng dừa nước.

Dịp cuối tuần, rừng dừa nước Tịnh Khê đón khoảng 200 khách/ngày. Những ngày nghỉ lễ, lượng khách đến đây tăng cao hơn rất nhiều. Người dân địa phương làm nghề chèo thuyền, làm hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử và cuộc sống của vùng đất quê hương. Vừa giữ gìn được nguyên vẹn rừng dừa nước, vừa có thu nhập ổn định, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. 

Rừng dừa nước Tịnh Khê ở TP.Quảng Ngãi.
Rừng dừa nước Tịnh Khê ở TP.Quảng Ngãi.

Ông Phạm Văn Hiền (63 tuổi), ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê chia sẻ, rừng dừa nước rất có ý nghĩa với người dân địa phương. Thời chiến, rừng che chở cho bộ đội và người dân trước đạn bom ác liệt. Thời bình, rừng dừa đã nuôi sống hàng trăm hộ dân từ việc đánh bắt cá, tôm dưới tán rừng và thu hoạch lá dừa. Nay rừng dừa phát huy giá trị du lịch, được nhiều người biết đến, khiến chúng tôi càng cảm thấy thêm tự hào và quyết tâm gìn giữ rừng dừa.

Du lịch nông nghiệp trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, con người, cuộc sống tại vùng nông thôn. Mỗi địa phương ở Quảng Ngãi có những nét đẹp, sự thu hút riêng biệt để du khách tìm đến, hòa mình với thiên nhiên. 

Tại xã Bình Thuận (Bình Sơn), rừng ngập mặn bàu Cá Cái với vẻ đẹp thơ mộng như tranh vẽ đã khiến nhiều du khách ngỡ ngàng. Với diện tích khoảng 110ha, rừng ngập mặn bàu Cá Cái không chỉ là “lá phổi xanh” điều hòa không khí mà còn là tuyệt tác của thiên nhiên.

 

Ông Nguyễn Hải là một trong 45 hộ dân thuộc Tổ cộng đồng bảo vệ rừng ngập mặn bàu Cá Cái chia sẻ, rừng có tác dụng che chắn gió bão, cải thiện hệ sinh thái ven biển nên chúng tôi lên kế hoạch trồng mới và bảo vệ hằng năm. Vào mùa thu, rừng ngập mặn mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng. Mùa hè thì rừng có màu xanh nên thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tỉnh quan tâm phát triển. Các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Du lịch cộng đồng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).
Du lịch cộng đồng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).

Hiện mỗi địa phương trong tỉnh đều đã có hướng phát triển loại hình du lịch mới này. Cụ thể là, huyện Mộ Đức đã thành lập HTX Du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo, xã Đức Tân. Địa phương này sẽ phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, không gian sinh sống ở làng quê xóm Cây Gạo, trong đó Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng là trung tâm.

Huyện Lý Sơn triển khai mô hình “Một ngày làm nông dân đất đảo - Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”, phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay. Thị xã Đức Phổ có mô hình du lịch cộng đồng gắn đồng muối Sa Huỳnh, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Huyện Nghĩa Hành tiếp tục phát triển mô hình du lịch miệt vườn trái cây tại thôn Bình Thành, xã Hành Nhân. Huyện Ba Tơ có mô hình trải nghiệm văn hóa của đồng bào Hrê.

 

Sở VH-TT&DL đang phối hợp với UBND TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi triển khai xây dựng sản phẩm mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh và đầm An Khê; Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Năm 2024, Quảng Ngãi tiếp tục ưu tiên phát triển ngành du lịch; tổ chức nhiều sự kiện phát động mùa cao điểm du lịch Quảng Ngãi. Trong đó, sẽ tập trung định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với việc tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư và sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: H.NHIÊN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:33, 28/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.