Giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam 

14:58, 31/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tháng 5/2023, Bộ GTVT và tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các đoàn kiểm tra hiện trường thi công dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định); đồng thời tổ chức làm việc để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án.

Tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng

Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng chiều dài 88km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi 60,3km, trải dài trên địa phận 3 huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ. Đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 51,29/60,3km, đạt 85,1%. Chiều dài các đoạn tuyến liên tục đã bàn giao thực địa là 42,96km, trong đó có 38,89km đủ điều kiện tiếp cận, tổ chức thi công. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6/2023 Quảng Ngãi phải hoàn thành, bàn giao 14,9% mặt bằng còn lại của dự án cho Ban Quản lý dự án 2 để triển khai thi công cao tốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra, làm việc với huyện Tư Nghĩa và Tập đoàn Đèo Cả để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra, làm việc với huyện Tư Nghĩa và Tập đoàn Đèo Cả để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).

Tuy nhiên, sau khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đi kiểm tra hiện trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi thì nhận thấy rằng, việc hoàn thành 100% công tác GPMB cao tốc vào ngày 30/6/2023 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là điều không thể. Nguyên nhân là đến ngày 30/6 Quảng Ngãi mới cơ bản hoàn thành hạ tầng 23 khu tái định cư (TĐC) để phục vụ di dời 1.705 hộ dân trong vùng dự án, sau đó mới tiến hành thu hồi đất. Vì thế, phần diện tích mặt bằng còn lại là 14,9% phải sau ngày 30/6/2023 mới có thể bàn giao cho Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng, GPMB là công việc khó, nhiều vướng mắc phát sinh không lường trước được, thiếu cơ chế để giải quyết nhanh chóng. Vì thế, từ nay đến ngày 30/6/2023, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 2 phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi rà soát, xác định vị trí quan trọng ảnh hưởng lớn đến tiếp cận hiện trường thi công, tập trung nhân lực tháo gỡ, GPMB trước. Theo đó, có 31 vị trí thuộc gói XL1 và XL2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất cần ưu tiên GPMB trong tháng 6/2023. Những phần diện tích còn lại sẽ GPMB theo tiến độ bố trí TĐC, thu hồi đất, đảm bảo nhanh nhất có thể trong việc bàn giao 100% mặt bằng cho dự án trọng điểm quốc gia này.

Khẩn trương cấp mỏ vật liệu, bãi đổ thải

Tại cuộc làm việc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vào ngày 26/5, hàng loạt kiến nghị của liên danh nhà thầu thi công cao tốc Bắc  - Nam, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả về cấp mỏ vật liệu, xác định vị trí bãi thải được bàn bạc, tháo gỡ. Ngoài 27 mỏ vật liệu theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất thêm 16 mỏ mới để bổ sung nguồn vật liệu bảo đảm cung cấp đủ đất đắp cho dự án.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện tập đoàn đã trình cấp có thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi cấp một số mỏ đất thuộc địa bàn các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Mộ Đức. Tuy nhiên, việc bồi thường GPMB tại khu vực mỏ theo phương thức thỏa thuận, người dân yêu cầu bồi thường giá cao hơn giá Nhà nước quy định. Cụ thể, tại mỏ thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), đơn giá Nhà nước quy định là 300 triệu đồng/ha, nhưng người dân yêu cầu bồi thường khoảng 400 triệu đồng/ha. Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết sẽ chỉ đạo huyện Nghĩa Hành phối hợp, xây dựng giá bồi thường hợp lý. Đồng thời, mong muốn Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, có biện pháp hỗ trợ người dân trong mức chấp nhận được để việc GPMB được nhanh chóng, sớm đưa mỏ vào khai thác, phục vụ thi công công trình.

 Đối với vấn đề giải quyết các thủ tục cấp phép các mỏ đất đắp, hiện Tập đoàn Đèo Cả đang trình hồ sơ, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cam kết sẽ cấp phép mỏ đất trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo đó, Sở TN&MT rút ngắn thời gian thẩm định còn 3 ngày làm việc, sau đó trình UBND tỉnh xem xét cấp giấy phép trong vòng 2 ngày. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng thừa nhận việc chậm cấp phép các mỏ khoáng sản trong thời gian qua ảnh hưởng đến tiến độ thi công tuyến chính. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, tỉnh đồng ý khi trình hồ sơ xin cấp mỏ đất, Tập đoàn Đèo Cả cần tiến hành song song GPMB, đo vẽ bình đồ để khi được cấp phép sẽ đưa vào khai thác ngay, đảm bảo nguồn đất đắp phục vụ công trình. 

Thi công cầu vượt cao tốc Bắc - Nam tại xã Đức Hòa (Mộ Đức).
Thi công cầu vượt cao tốc Bắc - Nam tại xã Đức Hòa (Mộ Đức).

Về vấn đề xác định bãi đổ thải, thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch 43 vị trí bãi đổ thải. Nhà thầu đã khảo sát thực tế sử dụng được 31 bãi đổ thải có đường tiếp cận; đã làm việc với UBND xã thống nhất 6 vị trí bãi đổ thải. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, đại diện Liên danh nhà thầu kiến nghị Bộ GTVT và tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề này. 

Tỉnh Quảng Ngãi đã cam kết sẽ cấp đủ vị trí, đảm bảo thuận lợi cho quá trình thi công. Theo đó, địa phương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, nhà thầu chọn vị trí với các phương án ưu tiên chọn vị trí đất công làm bãi đổ thải để hạn chế đền bù thỏa thuận với người dân. Đồng thời, rà soát lại vùng đất trũng, nếu người dân có nhu cầu thì cải tạo đất, tạo tính bền vững. Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng kiến nghị, nên xem xét cơ chế thu hồi vĩnh viễn vị trí đất làm bãi đổ thải, vì nếu thuê đất thì khi hết thời hạn thuê lại phải dời bãi đổ thải đi nơi khác sẽ phát sinh nhiều phức tạp.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ

Đến nay, Quảng Ngãi vẫn đang là tỉnh có tiến độ GPMB cao nhất trong 12 địa phương có dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025. Tuy mặt bằng tuyến chính đã đạt 85,1%, nhưng nhiều đoạn không liên tục đã gây ảnh hưởng đến kết nối đường công vụ nội tuyến phục vụ thi công, kéo dài cự ly vận chuyển nguyên vật liệu hơn dự toán. Một số điểm thi công gặp nhiều khó khăn như cầu Sông Vệ (Tư Nghĩa), cầu Xuân Ba (Nghĩa Hành), nam Hầm 1, bắc Hầm 3 (TX.Đức Phổ)... Do đó, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. 

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng, so với kế hoạch từng quý, từng tháng thì tiến độ thi công cao tốc hiện đang bị chậm, chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, thiếu đất đắp và mặt bằng chưa thuận lợi. Hiện nay, Ban Quản lý dự án 2 và liên danh nhà thầu đã phối hợp cùng địa phương để tháo gỡ; đồng thời yêu cầu nhà thầu điều chỉnh kế hoạch, giải pháp thi công để bứt phá khối lượng thi công trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Đối với tỉnh Quảng Ngãi, ngoài tiếp tục GPMB diện tích tuyến chính còn lại là 14,9%, còn phải thu hồi thêm 10ha đất cho chỉnh tuyến theo đề xuất của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2. Tỉnh đã giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh lập hồ sơ, để sớm trình phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất đối với diện tích phát sinh này. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, tỉnh sẽ làm hết mình vì mục tiêu chung của công trình trọng điểm quốc gia. Các vấn đề vướng mắc về mặt bằng, tỉnh đang vào cuộc tháo gỡ, bảo đảm thuận lợi để nhà thầu thi công.

Đến nay, nhà thầu thi công cao tốc đã triển khai 33/39 mũi thi công trên hiện trường, với gần 1.000 công nhân, kỹ sư và khoảng 380 máy móc, thiết bị. Liên danh nhà thầu đang lập kế hoạch tổ chức thi công tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, hiện có một bất cập là tại các cầu vượt qua khu dân cư, người dân chỉ cho thi công đến 22 giờ nên không thể tăng ca đồng bộ toàn tuyến.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.