Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, điện tử, vi mạch

09:54, 19/03/2024
.

Hiện nay, khoa học và công nghệ, nhất là lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch phát triển mạnh mẽ đòi hỏi nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này rất lớn. Vì vậy, các trường đại học đang tích cực triển khai hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Sinh viên Khoa Điện tử (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) trong giờ học.
Sinh viên Khoa Điện tử (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) trong giờ học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các lĩnh vực công nghệ cao, đang là một điểm nghẽn trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt này nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung-cầu giữa hệ thống giáo dục, đào tạo và thị trường lao động.

Dự báo của một số chuyên gia kinh tế (thuộc Đại học Fulbright) cho thấy ở nước ta, tổng nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghiệp chíp bán dẫn 5 năm tới là khoảng 20 nghìn người và 10 năm tới là khoảng 50 nghìn người trình độ từ đại học trở lên. Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản cho kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Những năm qua, Việt Nam khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cách mạng công nghiệp 4.0-AI, Bigdata…

Hơn bốn năm qua, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm (cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%); trong đó, lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hằng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%). Các trường đại học kỹ thuật công nghệ đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực lĩnh vực bán dẫn - vi mạch: Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn (có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu); nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch (các ngành đào tạo kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông)…

PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, mục tiêu của trường đến năm 2030 là có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu ở lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội có hai chuyên ngành đào tạo trực tiếp và bảy ngành đào tạo gần về hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Bên cạnh đào tạo nhân lực trình độ chuyên môn sâu, Đại học Bách khoa Hà Nội còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ở một số ngành gần; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy mô các ngành liên quan đào tạo thiết kế vi mạch của đơn vị chiếm 22% và các ngành gần chiếm 8% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Vì vậy, điểm xét tuyển đầu vào các ngành kỹ thuật và công nghệ thường xuyên nằm trong tốp đầu. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên và nghiên cứu của đơn vị khá đầy đủ, chất lượng cao, có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế vi mạch…

Hiện nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tuyển dụng và bồi dưỡng thêm cho các giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu đầu tư thêm hai phòng thí nghiệm và xây dựng cơ chế cho các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng sử dụng. Các trường thành viên cũng chủ động hợp tác với các nước nhằm đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực nêu trên.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ, nhất là lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm; thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào (bao gồm cả tuyển sinh học theo các chương trình đào tạo chuyên sâu, chương trình đào tạo chuyển đổi).

Các cơ sở giáo dục đại học có giải pháp để thu hút sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa học sinh phổ thông đăng ký vào học các ngành, chuyên ngành nêu trên. Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học cần hợp tác với nhau, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, nhu cầu 50 nghìn người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ. Đào tạo nhân lực lĩnh vực này cần chú trọng theo hướng rộng, sâu, cao; nhân lực được đào tạo phải đạt được trình độ cao và chuyên môn sâu. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp. Các trường cần đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học; xây dựng phòng thí nghiệm phù hợp…

Theo MẠNH XUÂN/Nhandan.vn

  
 

Xuất bản lúc: 09:54, 19/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.