Dệt những mùa xuân hữu nghị Việt - Lào

10:53, 05/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 4 về, không khí hân hoan, rộn ràng tràn ngập trên đất nước Việt Nam và Lào. Nhân dân Việt Nam chào đón một sự kiện trọng đại là kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). Còn với người dân nước bạn Lào thì vui đón Tết cổ truyền Bun Pi May, hay còn gọi là Lễ hội năm mới...

Trong những ngày đầu tháng 4/2023, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền làm Trưởng đoàn đã đến chúc mừng Tết cổ truyền Bun Pi May lãnh đạo và nhân dân 3 tỉnh Attapeu, Champasak và Sekong. Tại các nơi đến thăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, tuy 2 dân tộc có tiếng nói, chữ viết khác nhau, nhưng văn hóa thì có nhiều nét tương đồng; tình cảm thân thiết, gần gũi như anh em một nhà.

Vun đắp tình hữu nghị

Trong 3 tỉnh Champasak, Attapeu, Sekong, thì mối quan hệ hữu nghị giữa Quảng Ngãi và Champasak được tổ chức kết nối sớm nhất. Đó là vào ngày 8/3/1990 (sau gần 1 năm tái lập tỉnh), Quảng Ngãi đã có văn bản ký kết quan hệ kinh tế và xã hội với tỉnh Champasak trong khuôn khổ chuyến thăm tỉnh Quảng Ngãi của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Champasak do Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak làm trưởng đoàn, theo lời mời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó đến nay, Quảng Ngãi luôn duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tỉnh Champasak và đã nâng lên một tầm cao mới là "địa phương kết nghĩa".

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền thăm, tặng quà, chúc Tết cổ truyền dân tộc Lào Bun Pi May tại tỉnh Attapeu.
Ảnh: PV
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền thăm, tặng quà, chúc Tết cổ truyền dân tộc Lào Bun Pi May tại tỉnh Attapeu. Ảnh: PV

Kể từ ngày thiết lập mối quan hệ, đặc biệt là từ ngày ký Bản ghi nhớ giai đoạn 2021 - 2025 giữa Quảng Ngãi và tỉnh Champasak, 2 bên tiếp tục duy trì việc trao đổi thường niên, luân phiên các đoàn đại biểu cấp cao và các đoàn đại biểu cấp sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của 2 tỉnh, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và công nghệ thông tin... Hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tổng kinh phí các hoạt động hỗ trợ của Quảng Ngãi đối với tỉnh Champasak và các địa phương của Lào trong giai đoạn 2016 - 2022 là gần 63 tỷ đồng, trong đó tập trung phần lớn cho tỉnh Champasak.

“Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cùng các địa phương của Lào thực hiện tốt các nội dung hợp tác, góp phần giữ gìn và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào không ngừng đơm hoa, kết trái".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN PHƯỚC HIỀN

Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ngãi đã hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện chương trình nhân đạo, từ thiện tại Champasak như khám bệnh, cấp thuốc, hỗ trợ xây dựng nhà nhân ái cho người dân nghèo. Đồng thời, trao bò giống cùng kinh phí mua thức ăn hỗn hợp và thuốc thú y; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Champasak. Về đào tạo nguồn nhân lực - lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong hợp tác quốc tế giữa 2 tỉnh, từ năm 2016 - 2023, Quảng Ngãi đã tiếp nhận, đào tạo theo diện học bổng cho 76 lưu học sinh học đại học và cao đẳng của tỉnh Champasak. Ngoài ra, Quảng Ngãi đã tạo điều kiện tiếp nhận 22 lưu học sinh Champasak (tự túc kinh phí) học đại học và cao đẳng y tế.

Đối với tỉnh Attapeu, từ năm 2017 đến nay, Quảng Ngãi đã đào tạo, cấp học bổng cho 16 du học sinh chuyên ngành và hiện đang học tập tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng; tiếp nhận đào tạo 100 du học sinh (tự túc kinh phí) đến từ tỉnh Attapeu. Về công tác hỗ trợ nhân đạo, Quảng Ngãi đã hỗ trợ 3,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Đào tạo tỉnh Attapeu; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Attapeu và hỗ trợ khắc phục thiệt hại do vỡ đập thủy điện vào năm 2018.

Riêng tỉnh Sekong, từ năm 2017 đến nay, Quảng Ngãi đã tiếp nhận và cấp học bổng đào tạo chuyên ngành cho 16 lưu học sinh. Ngoài ra, tỉnh còn tiếp nhận và đào tạo 15 lưu học sinh tỉnh Sekong (tự túc kinh phí) theo học bậc đại học và cao đẳng y tế tại Quảng Ngãi.

Theo kế hoạch, từ năm 2023- 2025, Quảng Ngãi tiếp tục hỗ trợ đào tạo đại học, cao đẳng cho tỉnh Champasak từ 5 - 10 chỉ tiêu/năm; tỉnh Attapeu và Sekong 3 chỉ tiêu/năm. Tiếp tục khuyến khích, thu hút lưu học sinh diện tự túc ở các địa phương của Lào đến học tập tại các trường đại học, cao đẳng của Quảng Ngãi. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tập huấn cho cán bộ nông nghiệp của các tỉnh Champasak, Attapeu và Sekong về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tập huấn, bồi dưỡng về quản lý giáo dục và công nghệ thông tin...

Tăng cường hợp tác thương mại

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN) của Quảng Ngãi đã khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản và dịch vụ nông nghiệp vào các địa phương của Lào. Điển hình như sản xuất mía, chế biến đường của Công ty CP Đường Quảng Ngãi; chế biến tinh bột mì và các sản phẩm từ tinh bột mì, chế biến cồn và sản xuất thức ăn gia súc từ mì khô, đầu tư các vùng nguyên liệu trồng mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi.

Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức cho du học sinh Lào đón tết Bun Pi May.                                                                                                                       Ảnh: PV
Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức cho du học sinh Lào đón tết Bun Pi May.               Ảnh: PV

Trong chuyến thăm, chúc Tết cổ truyền Bun Pi May tại tỉnh Attapeu vào đầu tháng 4/2023, Đoàn công tác của Quảng Ngãi do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền làm Trưởng đoàn đã đến tham quan dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất tinh bột mì do Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đầu tư tại đây. Dự án có công suất 300 tấn/ngày, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, diện tích xây dựng 33ha. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành, hoạt động trong tháng 9/2023. Với tiềm năng lớn về đất đai, việc phát triển vùng nguyên liệu mì cho nhà máy khá thuận lợi. Vì vậy, khi nhà máy đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tiêu thụ lượng mì ổn định, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Ngoài ra, các DN Quảng Ngãi cũng đang nghiên cứu đầu tư các tuyến tour du lịch giữa Quảng Ngãi với các địa phương của Lào. Các tuyến giao thông từ Quảng Ngãi đến Attapeu, Champasak, Viêng Chăn hiện đã mở, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi tour du lịch này triển khai. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch dù được các địa phương của 2 nước Việt Nam - Lào triển khai, nhưng chưa thu hút nhiều sự quan tâm của DN. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh của DN địa phương còn thấp; nhu cầu đi lại, du lịch, tham quan và kinh doanh đầu tư của người dân, DN chưa cao.

Trong chuyến thăm tỉnh Champasak, Attapeu và Sekong vào đầu tháng 4/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền mong muốn, chính quyền 3 tỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa và hỗ trợ các DN của Quảng Ngãi trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào. Đặc biệt là, thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và chế biến nông sản, mở các tuyến tour du lịch Việt Nam - Lào (Quảng Ngãi - Attapeu - Champasak - Viêng Chăn). Ngoài ra, tạo cơ hội cho các DN tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá, thiết lập các kênh phân phối; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng của Quảng Ngãi khảo sát, nghiên cứu tuyển sinh, kết nối hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các địa phương của Lào đảm bảo hiệu quả.

THANH NHỊ


TIN, BÀI LIIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.