Làng của thi nhân

08:02, 05/02/2014
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Mỗi nhà thơ đều có một nơi chôn nhau cắt rốn và họ yêu cái nơi mình bật tiếng khóc chào đời ấy theo cách của riêng họ. Hai nhà thơ lừng danh của miền quê núi Ấn sông Trà là Tế Hanh và Bích Khê cũng vậy. Khái niệm “làng” cứ đầy lên trong thơ hai ông như một món ngon giữa ngày giỗ Tết.

Làng- đơn vị hành chính đã bị xóa tên từ hơn nửa thế kỷ nay nhưng trong thơ của các thi sĩ thì làng vẫn róc rách chảy cùng thời gian. Không phải chỉ Bích Khê hay Tế Hanh, khái niệm về làng quê Việt mới được nhắc đến một cách đậm đặc qua các thi phẩm của họ mà ngay như Hàn Mặc Tử, một nhà thơ vẫn thường biểu đạt cảm xúc nội tại chứ ít khi “tả” mà khái niệm làng vẫn hiện lên thật ngộ nghĩnh, dù chỉ là một vài nét chấm phá nhân lúc “mùa xuân chín” trong ký ức của chàng thi sĩ xa quê: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng Trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa xuân chín).

 

Bến sông Vực Hồng-Thu Xà, quê của nhà thơ Bích Khê. Ảnh: PHẠM ĐƯƠNG
Bến sông Vực Hồng-Thu Xà, quê của nhà thơ Bích Khê. Ảnh: PHẠM ĐƯƠNG


Xin được mở ngoặc chỗ này: Tôi chép mấy câu thơ trên theo trí nhớ của mình khi tiếp cận bản thảo Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử được nhà thơ Chế Lan Viên tuyển chọn và Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1987. Trong bản thảo ấy, chữ “Trí” được viết hoa, mà theo cách giải thích của Chế Lan Viên thì “lòng của Trí- Nguyễn Trọng Trí, tên “cúng cơm” của Hàn Mặc Tử, “chợt nhớ làng” chứ không phải “lòng” và “trí” của nhà thơ chợt nhớ về làng mình như cách hiểu trong sách giáo khoa bây giờ. Chỉ cần viết không chuẩn (không viết hoa tên Trí) là câu thơ đã mang một sắc thái biểu đạt khác.

Nếu như “làng” của Hàn Mặc Tử có người chị gánh thóc dọc bờ sông với tất cả sự thanh bình của một làng quê Việt thuần nông thì “làng” của Tế Hanh lại mang một dáng vẻ khác hẳn dù đó vẫn là một ngôi làng đậm đặc chân quê.

Có lẽ chưa có một ngôi làng nào dọc miền Trung giống quê Tế Hanh: “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng/ Dân trai tráng giong thuyền đi đánh cá”.

Nó khác lạ ở chỗ: “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Nước bao vây thì nhiều làng chài gặp phải nhưng “cách biển nửa ngày sông” thì chỉ  ở làng chài Đông Yên thuộc xã Bình Dương huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay mới có. Thông thường thì những làng chài nằm sát biển nhưng ngôi làng Đông Yên của Tế Hanh lại xa biển đến một buổi chèo thuyền. Nghĩa là, các ngư phủ muốn ra khơi đánh cá, họ phải chèo thuyền dọc sông Châu Ổ đến “nửa ngày” mới ra khỏi cửa Sa Cần.

Kể lại công việc đánh cá của làng mình chỉ gói gọn trong 5 chữ ấy thôi mà thấy cả một sự cực nhọc mỗi khi ra khơi. “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang/ Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.

Nhà thơ thuật lại công việc của trai tráng làng mình bằng những câu thơ rất mộc mạc như vậy. Tế Hanh bao giờ cũng thế, luôn mộc mạc trong câu chữ khi diễn đạt nhưng hàm chứa trong đó là cả sự từng trải yêu thương đến tận ngọn nguồn nơi mình sinh ra.

Sau này, khi ở trên đất Bắc, vạn Đông Yên vẫn xuất hiện nhiều lần trong thơ Tế Hanh như trong bài “Nhớ con sông quê hương”, nhưng có lẽ, chưa có bài thơ nào mà hình ảnh của làng lại được đặc tả như bài “Quê hương” đã dẫn trên đây.

Đọc “Quê hương” của Tế Hanh là gặp những “mùa vàng” từ biển vào mỗi buổi mai hồng. Nhưng “làng” của Bích Khê thì lại buồn đến hắt hiu dù quê ông là nơi từng một thời sầm uất với ngựa xe dập dìu, thuyền buôn tấp nập ra vào. “Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh/ Anh có khi nào trở lại chưa/ Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/ Cùng sáng trong trời sợi sợi mưa”. (Làng em).

Có lẽ Bích Khê viết bài thơ này trong những ngày bệnh tật giày vò ông nên dù dòng sông quê hương có “biếc” đến đâu đi chăng nữa thì cái cảm giác mỏi mệt của thời gian “đi chậm lắm” vẫn cứ thấp thoáng trong từng câu chữ.

Phố cổ Thu Xà, mảnh đất tận cùng phía đông huyện Tư Nghĩa, cách TP. Quảng Ngãi chừng 10 cây số, từng là nơi giao thương sầm uất của người Minh Hương từ thế kỷ 17-18, nơi ấy chính là quê của Bích Khê. “Nơi đây thành phố đời ngưng mạch”, cái cảm giác tê tái cứ ẩn hiện không giấu đi đâu được. Nhưng mà đẹp: “Đường lên hội quán sương khuya xuống/ Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ”.

Bích Khê viết bài thơ này để tặng cho một người “anh” nào đó, ông nhắc về ngôi làng của mình bằng một vẻ đẹp đau đớn, thoáng chút liêu trai: “Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy/ Khóm lan thơm nặng khí ưu phiền” nhưng đó là ngôi làng mang vẻ đẹp thiên lương.

Cả ngôi làng tươi vui dập dìu tôm cá của Tế Hanh lẫn ngôi làng “buồn thu quạnh” của Bích Khê giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng ngôi làng trong thơ của hai thi sĩ thì vẫn tươi nguyên như trong ký ức của họ. Thơ luôn tươi mới dù làng có thể đã cũ đi cùng năm tháng là vậy./.
 


.