Chợ quê những ngày giáp Tết

08:01, 25/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Khác với những khu chợ Trung tâm ở thành phố hay các thị trấn, chợ quê ở các vùng nông thôn không bày bán nhiều mặt hàng đa dạng phong phú. Nhưng đi chợ quê những ngày Giáp Tết, chúng ta mới thấy rõ nét văn hóa rất riêng của người Việt.
Đây là thời điểm nhà nhà, người người đi mua sắm Tết. Từ bánh kẹo đến quần áo đều vô cùng đắt khách. Nếu như các chợ ở chốn thành thị ồn ào, người chen lấn để đi mua sắm cuối năm, thì chợ quê ở vùng nông thôn Quảng Ngãi cũng có sự ồn ào riêng của mình. Nhưng hòa vào đó là sự dung dị của những người nông dân hồn hậu.
 
Phiên chợ quê ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) bắt đầu tụ họp từ lúc tờ mờ sáng. Những hàng quán liêu xiêu co ro trong rét mướt của những ngày cuối năm gợi lên cảm giác chạnh lòng. Nhưng cảm giác ấy cũng nhanh chóng tan biến, nhường chỗ lại cho cảnh mua bán nhộn nhịp của phiên chợ quê. Chỉ là vài nhánh chuối, mấy con vịt hay những ổ bánh in, bánh nổ tự nhà làm… đã khiến cho cả chợ trở nên nhộn nhịp.
 
 
Những hàng bánh nổ, bánh in làm bằng thủ công luôn đắt khách trong những phiên chợ quê ngày gần Tết
Những hàng bánh nổ, bánh in làm thủ công luôn đắt khách trong những phiên chợ quê ngày gần Tết
 
Chợ quê hôm nay cũng đầy đủ các loại bánh kẹo, mứt Tết và quần áo chẳng khác gì chợ trên phố. Nhưng ngược lại, chợ quê cũng hiện hữu những thứ mà chợ phố chẳng thể có được. Đó là sản phẩm của những người nông dân tự tay làm nên.
 
Chị Phạm Thị Tuyết ngụ ở thôn 3, xã Bình Hòa cũng tranh thủ làm vài mẻ bánh đậu xanh, bánh nổ để bày bán ở khu chợ quê. Với chị, đó là nguồn thu nhập thêm trong những ngày gần Tết. Chị Tuyết chia sẻ: Năm nào cũng vậy, từ ngày 20 âm lịch trở đi, chợ lúc nào cũng đông vui hơn bởi rất nhiều người nông dân mang những sản phẩm mà mình làm được đi bán. Nhiều người đến mua vì họ tin tưởng độ an toàn của những chiếc bánh quê làm thủ công.
 
Khu chợ nhỏ với hơn 100 tiểu thương tham gia buôn bán tạo âm thanh náo động cả một vùng quê. Cảnh kẻ bán, người mua chen chúc trong khu chợ nhỏ, khiến cho lòng người bỗng trở nên ấm lại. Những ngày này, lượng mua bán được đẩy lên gấp 3 lần so với ngày thường.
 
Nhiều tiểu thương cũng nhanh nhạy lấy mối quần áo về bán cho những gia đình không có điều kiện lên thành thị mua sắm. Do đó, những gian hàng quần áo lúc nào cũng tấp nập người mua. Chị Nguyễn Thị Phát vừa lựa quần áo cho con vừa nói: Đến Tết, ngoài việc sắm thêm kẹo bánh thì phải mua quần áo mới cho con trẻ, nhưng tôi lại không có thời gian đi lên thị trấn hay vào TP. Quảng Ngãi mua sắm nên đi chợ quê là tiện nhất. Chẳng thiếu thứ gì.

 

Chợ quê bây giờ, cũng bày bán quấn áo để những gia đình không có điều kiện đi xa có thể mua sắm Tết
Chợ quê bây giờ, cũng bày bán quần áo để những gia đình không có điều kiện đi xa có thể mua sắm Tết.
 
Ngày nay, mỗi xã đều có riêng khu chợ quê để mua sắm thuận tiện. Có chợ quê họp buổi sáng, cũng có chợ họp vào đầu giờ chiều. Nhưng chợ quê lúc nào cũng đông trong những ngày Giáp Tết. Có nhiều người ở xa trở về cũng tranh thủ dậy sớm ra chợ để tìm về những ngày đã xa.
 
Anh Trần Cao Hùng- ngụ xã Bình Hải dẫn đứa con nhỏ hơn 3 tuổi đi dạo chợ quê, không phải để mua sắm gì nhiều, mà chỉ là để ôn lại tuổi thơ. Anh Hùng tâm sự: Tôi đã xa quê gần 10 năm nay, nhưng vẫn không quên cái không khí chợ quê những ngày gần Tết, mẹ dẫn đi mua quần áo mới mà mừng hớn hở. Rồi nhìn thấy những hàng bánh in, bánh nổ thơm phức, tôi lại đòi mẹ mua cho bằng được.
 
Nhiều người con xa quê như anh Hùng, trở về đi chợ quê chỉ để tìm lại những ký ức và được hít thở hương vị Tết lẫn trong mùi mứt gừng, mùi nhang thơm phảng phất ở khu chợ. Chợ quê chẳng bày bán gì nhiều. Nhưng vẫn rất đông người mua. Ở đó, chôn giấu nhiều kỷ niệm tuổi thơ và nét đẹp xưa cũ thể hiện đời sống của người nông dân.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.