Hỗ trợ điều trị một số bệnh thường gặp trong dịp tết

08:01, 23/01/2017
.

Tết cũng là dịp mà nhiều người có vấn đề về sức khỏe khá lo lắng, nhất là các bệnh mạn tính như: cao huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gút... Do thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. điều đáng lo lắng hơn: thời gian này nhiều dịch vụ y tế đang trong thời gian nghỉ lễ.

Dưới đây là những bệnh trong dịp tết thướng gặp và cách xử trí.


Tăng huyết áp:

Vào dịp tết, huyết áp thường dao động do thay đổi thời tiết (từ đông sang xuân), sử dụng chất kích thích (rượu, bia, trà, cà phê…) trong bữa ăn hay tiếp khách, do cảm xúc (vui buồn khi gặp lại người thân, hồi tưởng chuyện xưa…) mặc dù bệnh nhân vẫn dùng thuốc đều.

Một cách đơn giản để ổn định huyết áp như sau: phương pháp xoa bóp vùng tai: bệnh nhân nằm hoặc ngồi, tư thế thoải mái, ở nơi yên tĩnh thoáng mát, mặc quần áo rộng. Người bệnh có thể tự làm hoặc nhờ người khác làm giúp. Rãnh hạ áp sau tai: nằm ở mặt sau của tai, từ trên đỉnh của rãnh xiên xuống có một hõm sâu ở phía dưới. Dùng ngón cái và ngón trỏ, cầm hai vành tai và vuốt từ trên xuống dưới tại vị trí rãnh hạ áp. Thời gian miết khoảng 5 - 6 phút sao cho tai ửng đỏ là được, hoặc lâu hơn nếu bệnh nặng. Sau đó, cho bệnh nhân nghỉ ngơi huyết áp hạ 10 - 20mmHg trong thời gian 30 phút, tiếp tục theo dõi huyết áp. Nếu thấy huyết áp khó hạ, nên đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng đường huyết:

Thường do thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều hơn ngày thường, ăn nhiều đồ ngọt. Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính cần sử dụng thuốc liên tục theo chỉ định. Cần chuẩn bị thuốc men chu đáo từ trước tết để sử dụng trong tết, cần sử dụng thuốc đúng liều, không nên quên thuốc, bỏ thuốc. Đối với vấn đề về đường huyết, nên kiểm soát và phòng ngừa từ trước thì tốt hơn là để đường huyết tăng rồi tìm cách hạ.

Trước khi vào bữa ăn, nên ăn một lượng nhỏ thức ăn không làm tăng đường huyết nhiều để tạo cảm giác no như rau xanh. Điều này giúp người bệnh khi vào bữa chính với các món không có lợi cho người đái tháo đường như: bánh chưng, canh măng… sẽ không ăn quá nhiều. Cần duy trì chế độ ăn đúng bữa, các bữa ăn nên chia nhỏ với các bữa chính và bữa phụ, tránh ham vui mà dẫn đến tình trạng ăn uống mất kiểm soát.

Tập luyện cơ thể: người bệnh đái tháo đường việc ít vận động cơ thể sẽ khiến cho chỉ số đường huyết tăng lên. Vì vậy, cần duy trì luyện tập ngay cả vào dịp lễ tết. Có thể lựa chọn những môn thể thao cần hoạt động tay chân nhiều và đều đặn như: chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp hay bơi lội… đều đặn mỗi tuần ít nhất 3 - 4 lần, mỗi lần chừng nửa giờ. Ngoài ra, người bệnh có thể thay tập luyện ngoài trời bằng luyện tập trong nhà như đi lại và tập những bài tập cơ bản.

Điều quan trọng nữa là thường xuyên kiểm tra đường huyết trong dịp tết để biết được sự ổn định của đường huyết.

Các bệnh về khớp:

Do thay đổi thời tiết giữa hai mùa đông - xuân. Chính những biến đổi về nhiệt độ, độ ẩm là những ảnh hưởng không tốt đến dịch bao khớp và các thành phần quanh khớp. Ngoài ra, việc du xuân, lễ chùa đầu năm, đi trẩy hội… di chuyển nhiều, leo núi, leo bậc thang nhiều làm gia tăng áp lực lên các khớp và làm nặng hơn tình trạng viêm ở khớp. Các bệnh về khớp vào mùa xuân thường dễ tái phát và tăng nặng như: thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, gút…

Giảm đau bằng chườm ấm: đơn giản nhất là dùng túi chườm nước nóng, loại cho nước sôi vào túi, bọc khăn rồi chườm lên khớp đau. Các loại túi chườm khá đa dạng có bán sẵn trên thị trường. Nếu có thời gian hơn thì rang muối hột cho nóng, bọc khăn lại cho vừa đủ ấm rồi chườm lên vùng đau. Nếu trong nhà có sẵn ngải cứu hoặc lá lốt thì rang muối hột cho nóng xong, cho lá vào xào nóng, bọc lại chườm lên càng tốt. Hoặc cho muối hột vào tô, phủ lên lớp dược liệu là lá lốt hoặc ngải cứu đưa vào lò vi sóng 4 phút sẽ đủ nóng cho vào túi vải hoặc bọc trong khăn chườm nơi khớp bị đau, sẽ giảm đau giãn cơ hiệu quả.

Một số nguyên tắc cần nhớ: giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, không nên ra ngoài vào lúc trời mưa và độ ẩm không khí cao. Đi bộ vừa phải, không nên leo bậc thang nhiều, đặc biệt với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.

Cảm mạo:

Thường gặp do nguyên nhân thay đổi thời tiết. Triệu chứng thường gặp: mệt mỏi toàn thân, đau nhức ở các khớp, cơ và vùng quanh mắt, da nóng và ửng đỏ, chảy nước mắt, đau đầu, ho khan, đau họng và sổ mũi, ớn gió sợ lạnh.

Nên cho người bị cảm lạnh ăn cháo giải cảm: cháo nấu nhuyễn, cho thêm lá tía tô, hành răm, gừng (nếu cần cho thêm 1 lòng đỏ trứng gà càng tốt). Khi ăn, nên cúi đầu xuống để mũi hít hơi nóng và mùi tinh dầu của tía tô, hành, gừng. Ăn xong trùm chăn kín từ 10 - 15 phút cho cơ thể thoát mồ hôi là được. Cháo này còn chống sung huyết vùng mũi.

Xông lá: nếu cảm lạnh nặng, có thể dùng nồi xông. Lá xông nấu từ các loại lá thơm chứa tinh dầu, có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng… gồm: lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu. Các thứ lá trên rửa sạch cho vào nồi đổ vừa nước. Dùng lá chuối bịt miệng, đậy nắp nấu sôi. Bệnh nhân được bố trí trong phòng kín, tránh gió lùa. Bệnh nhân trùm kín chăn, ngồi xông từ 15 - 20 phút.

Súc miệng nước muối: súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp điều trị viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh. Sử dụng nước ấm và có thể thêm một chút tinh chất từ củ nghệ để thêm tác dụng chống viêm.

Bổ sung vitamin C: những khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Mặc dù các loại quả có múi như: cam, chanh chứa nhiều vitamin loại này nhưng khi bị ốm có thể sẽ không muốn ăn thức gì. Vì thế viên uống bổ sung luôn là sự lựa chọn tốt nhất.


Rối loạn tiêu hóa:

Thường do ăn uống không điều độ. Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ sự thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa ví dụ như: nôn, buồn nôn; đau bụng có khi âm ỉ, có khi từng cơn, có khi đau quặn; đi lỏng, phân lúc nhão, lúc rắn; bí trung tiện, bí đại tiện… Chỉ cần sử dụng một số nguyên liệu sẵn có trong bếp cũng giúp được khá nhiều các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa.

Buồn nôn: gừng là một trong các loại thảo dược tốt nhất để trị chứng buồn nôn. Có thể dùng trà gừng, kẹo gừng hoặc dùng gừng tươi để giảm buồn nôn, giảm sốt ở trẻ em, phòng chống cảm lạnh, cúm...

Bạc hà: trà, kẹo bạc hà cũng giúp chống buồn nôn.

Gừng và vỏ quýt đun sôi, sau đó uống hỗn hợp này khi nóng để có công dụng tốt nhất. Gừng làm ấm bụng, hương thơm từ tinh dầu quýt sẽ làm bạn dễ chịu hơn và từ đó cơn buồn nôn sẽ chấm dứt.

Tiêu chảy: khi bị tiêu chảy, nôn ói (do ngộ độc thức ăn), lấy một củ gừng khoảng một lóng tay, rửa sạch, nướng lên. Sau đó, cạo vỏ gừng, rửa lại một lần nữa cho sạch vết cháy. Cắt gừng thành từng miếng bỏ vào ly hãm uống như trà. gừng sẽ có tác dụng ôn ấm lại tỳ vị giúp cầm tiêu chảy rất tốt. Có thể dùng phương pháp xoa bóp: đặt 2 bàn tay lên bụng xoa bóp theo ngược chiều kim đồng hồ (theo chiều kim đồng hồ sẽ kích thích tiêu chảy nhiều hơn). Hoặc chườm ấm vùng bụng cũng làm giảm tiêu chảy và các cơn đau bụng.

Đầy hơi: dùng vỏ quýt tươi, cho vào nước rồi đun sôi, cho thêm đường trắng nấu thành hỗn hợp canh, uống nóng là tốt nhất. Bài thuốc này có tác dụng trị đầy hơi, thông khí huyết, khô rát họng.

Táo bón: cần chú ý ăn nhiều trái cây chuối, đu đủ, rau, uống nhiều nước…

Xoa bóp vùng bụng: theo chiều kim đồng hồ, kích thích nhu động ruột.

Hoặc: củ cải trắng 100g, mật ong lượng vừa đủ. Củ cải rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt rồi hòa với mật ong uống trong ngày (nếu có máy ép thì càng tốt). Dầu vừng đen dùng để chữa táo bón rất hiệu quả: uống 1 muỗng canh dầu vừng hoặc mỗi buổi sáng ăn một nắm hạt vừng, hoặc có thể nấu cháo vừng ăn cho dễ (gạo tẻ, vừng đen liều lượng đều nhau, cùng đem nấu cháo, thêm đường hoặc muối; ăn nóng hoặc nguội vào các bữa điểm tâm, bữa phụ).
 

 

Theo BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ/SKĐS
 


.