Những ông đồ trẻ

02:02, 08/02/2011
.

(QNĐT)- Dạo quanh khu vực Quảng trường tỉnh vào những ngày giáp tết vừa qua, trong không khí ngập tràn sắc xuân bởi trăm hoa đua sắc, chúng tôi khá ấn tượng trước các gian hàng viết thư pháp mà chủ nhân là những ông đồ tuổi còn rất trẻ. Họ chẳng phải là người viết thư pháp chuyên nghiệp, mà vốn là bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, học sinh thuộc thế hệ 8X, 9X…

Anh Ngô Đức Thọ (29 tuổi, quê ở Tp.Quảng Ngãi) là bác sĩ công tác ở Bệnh viện Dung Quất. Để thỏa thú đam mê thư pháp, nhất là viết thư pháp trong không khí vui tươi, rộn rã ngày xuân, anh Thọ xin cơ quan nghỉ phép 1 tuần trước ngày tết để phục vụ nhu cầu thưởng thức thú vui tao nhã của người dân.
 
Nhiều người đến xem anh Ngô Đức Thọ viết thư pháp.
Nhiều người đến xem anh Ngô Đức Thọ viết thư pháp.

Anh Thọ bộc bạch: “Chẳng phải mình đi bán chữ, mà là muốn góp phần mang sắc xuân đến cho mọi người, qua đó giữ gìn nét tinh hoa, độc đáo của thư pháp Việt”.

Anh Thọ tìm tòi, học hỏi kiến thức về thư pháp ngay từ thời học cấp II. Anh cho biết: Lúc nhỏ thấy ông nội thường ngồi viết thư pháp. Tay ông cầm bút viết từng nét chữ uốn lượn như phượng múa rồng bay, nhìn thấy rất thích mắt. Niềm đam mê trong anh được nuôi dưỡng từ đó.

Sau những giờ làm việc mệt nhọc, anh Thọ giải trí bằng cách viết thư pháp. Cứ đến mùa xuân, trong anh lại rạo rực bởi nghệ thuật thư pháp như thể được tô thêm sắc thắm vì mang đến niềm vui cho mọi người qua những câu đối, câu chúc chí tình-chí nghĩa.

Anh Thọ cho biết: “Mọi người thường có câu: Chữ xấu như thư pháp. Nhưng không phải vậy, mỗi nét chữ đều có hồn, có nghĩa”. 
 
Bốn ông đồ trẻ thuộc nhóm thư pháp Thiên Bút mày mò viết thư pháp trong ngày giáp tết.
Bốn ông đồ trẻ thuộc nhóm thư pháp Thiên Bút mày mò viết thư pháp trong ngày giáp tết.

Cậu sinh viên Trần Tấn Thảo-trưởng nhóm thư pháp Thiên Bút, thì cho rằng thư pháp Việt mềm mại, uyển chuyển, thể hiện cá tính, tâm tư, tình cảm của người viết. Phải yêu, phải đam mê thật sự thì mới cho ra đời chữ thư pháp theo đúng nghĩa, vừa hay, vừa đẹp”.

Nhóm thư pháp Thiên Bút được sáng lập bởi 4 cậu sinh viên quê ở xã Bình Phú (Bình Sơn), đó là Huỳnh Hữu Quyền-ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; Trần Hữu Đức-ĐH Phạm Văn Đồng; Trần Tấn Việt-ĐH Sư Phạm Đà Nẵng; Trần Tấn Thảo-ĐH KHXH&NV Tp.HCM). Cả bốn ông đồ trẻ này quê ở xã Bình Phú, huyện Bình Sơn.

Bốn sinh viên này biết viết thư pháp từ lúc còn nhỏ. Cái thuở còn chăn trâu, chăn bò, các cậu đã tập tành viết thư pháp dẫu khả năng am hiểu còn hạn hẹp. Qua thời gian dài tự học, trình độ viết thư pháp của các thành viên trong nhóm Thiên Bút được nâng tầm và tự tin mang chữ đi “trình làng”.

Dịp Tết vừa qua cả bốn ông đồ trẻ suốt ngày cặm cụi viết thư pháp phục vụ người dân ở các địa phương gần, xa trong tỉnh.
 
Viết thư pháp để thỏa thú đam mê.
Viết thư pháp để thỏa thú đam mê.

Em Huỳnh Hữu Quyền cười nói: “Lúc thì bán, lúc hứng lên thì viết thư pháp để tặng. Mặc dù chẳng quen biết nhưng cũng tặng. Mà ngộ, lúc viết thư pháp để tặng thì cảm thấy vui trong lòng. Lấy tiền âu cũng chút đỉnh thôi, để trả tiền mua khung, mua vật liệu. Chứ còn bán chữ để lấy tiền thì chẳng phải là đam mê, chẳng phải yêu cái đẹp của nghệ thuật chân chính”.

Ngày xuân, người người cầu mong đều tốt đẹp, hướng đến chân-thiện-mỹ của cuộc sống. Theo đó, các ông đồ trẻ thổi hồn vào những câu chữ, ví như: “Tâm”, “Nhẫn”, “Đức”, “Cổ thụ là bóng mẹ cha/Cây non là cả vườn hoa tuổi hồng/Cha là núi, mẹ là sông/Các con hiếu thảo nhớ công sinh thành”… Nghệ thuật thư pháp đã góp phần tô điểm cho ngày xuân trên đất Quảng thêm rực rỡ, yên vui.

Phương Lý 

.