Ngày xuân đi đánh bài chòi

06:02, 05/02/2011
.

(QNg)- Gọi là "Bài chòi" vì muốn chơi loại bài này người ta phải dựng chòi, dựng trại và chỉ được tổ chức trong dịp tết Nguyên đán. Sân chơi bài chòi thường là sân đình, sân chùa hoặc nơi họp chợ.
 
Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, mái lợp tranh hay lá dừa để che mưa nắng, có trang trí thêm lá ngâu, lá đủng đỉnh cho thêm đẹp, nền sàn cao quá đầu người, có thang lên xuống. Mặt trước các chòi hướng ra sân chơi, mặt sau và hai bên che kín. Mỗi chòi chứa được 4 đến 6 người.
 
Trong chòi người ta để sẵn một cái mõ và một khúc thân cây chuối, hay bó rơm bện chặt, để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi Trung ương lớn hơn các chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho quan khách, các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi. Trong chòi này còn có thêm chum rượu nhỏ, bộ ấm chén trà để các vị khách mời nhau.

 
 
Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, chia làm 3 pho (Văn, Vạn, Sách). Ngoài ra còn có 3 cặp Yêu, màu đỏ, có tên là Lão (Ông Ầm), Thang (Thái Tử), Chi (Bạch Huê). Như vậy số lượng bài sẽ là 30 cặp, 60 con. Nếu chơi 9 chòi, người ta phải rút ra 3 cặp bất kỳ trong 3 pho Văn, Vạn, Sách (mỗi pho 1 cặp) để còn lại 27 cặp).

Từ 27 cặp bài (mỗi cặp 2 con bài giống nhau) người ta đem 27 con bài bỏ vào ống. 27 con bài còn lại đem dán vào 9 thẻ lớn, mỗi thẻ 3 con bài để phát cho 9 chòi (mỗi chòi một thẻ), nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi.

Người hô với chức năng quản trò, được gọi là "Hiệu". Người này phải rành các điệu hát, điệu hò quen thuộc, nhớ nhiều thơ và ca dao, biết pha trò, có khả năng sáng tác và cải biến nhanh lời hát tại chỗ. "Hiệu" là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của bài chòi.

Trống chầu một hồi ba tiếng  gióng lên, giàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người chơi leo ngồi trên chòi theo sắp xếp của Ban trị sự. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, rồi găm vào khúc chuối hay bó rơm để sẵn. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào Ban trị sự rồi hô lớn: "Phát bài đã đủ, cho Hiệu tính tiền". Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu.

Hiệu hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu với tay rút một con bài. Tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Hiệu múa chân tay, vái chào mọi người rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát tùy thích. Có điều câu cuối bao giờ cũng có chữ chỉ định tên con bài vừa mới rút được. Ví dụ gặp con Nhì Nghèo thì hô:

Dẫu mà hai ngỏ phân ly/Mình ơi hãy nhớ hồi khi còn nghèo …Là con Nhị Nghèo!

Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ. Nếu là chòi Trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống tum. Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài, chòi Trung ương thì báo một hồi trống tum.

Từ  rạp Ban trị sự cho nổi lên một hồi trống chầu báo hiệu có người thắng cuộc và xong một ván bài. Lúc này Hiệu chạy đi các chòi thu hồi thẻ bài, sau đó bưng đến chòi trúng thưởng chiếc khay đựng tiền và lá cờ đuôi nheo màu xanh xanh, đỏ đỏ. Để chơi ván khác, chú hiệu tiếp tục phát thẻ cho các chòi. Khi bài tới ván thứ 8 thì xong một hội. 9 chòi đóng tiền, nhưng chỉ chơi 8 ván vì phải dành tiền ván thứ 9 để Ban trị sự chi phí cho cuộc chơi, tiền thưởng. Xong một hội, trống chầu vang lên một hồi rất dài. Ban nhạc cũng tạm nghỉ, chuẩn bị cho hội khác. Người đánh bài nếu muốn chơi tiếp thì ngồi lại trên chòi của mình, bằng không thì xuống, để người khác lên thay.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trò chơi bài chòi có nguồn gốc từ việc làm chòi giữ nương rẫy của người Việt ở vùng Nam Trung Bộ ngày xưa. Bấy giờ, người di cư, chủ yếu từ  vùng Sơn Nam hạ, Thanh Nghệ Tĩnh vào khai khẩn còn thưa thớt. Nơi đây rừng núi rậm rạp đan xen với chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, nhiều ao chằm, việc trồng tỉa thường bị thú hoang tàn phá.

Để bảo vệ hoa màu, người ta phải dựng nhiều chòi để canh giữ. Người giữ chòi phải thức thâu đêm, một mình. Để giải khuây, người ta gọi với sang chòi bên để chuyện trò, tâm sự. Những đêm trăng thanh gió mát, bầy thú hoang còn ở nơi xa,  đối cảnh sinh tình, giữa các chòi người ta dùng loa hò hát đối đáp nhau cho giải buồn. Một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian ra đời từ đây, mang dấu ấn rất riêng của vùng đất mới. Rồi cũng từ những chòi giữ hoa màu và những câu hò hát ấy hình thành một trò chơi bình dân độc đáo, diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, lôi cuốn biết bao người:

Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc nó lòi rún ra!    
                                                                                             
 Lê Hồng Khánh

.