Những “lãng tử” bất đắc dĩ

10:02, 13/02/2011
.

(QNĐT)- Không chịu nổi cảnh đợi chờ, chen lấn để mua vé, sợ bị nhà xe "chặt chém", nhồi nhét… nên trước và sau tết cổ truyền, hàng trăm người dân Quảng Ngãi đang lao động tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, đã chấp nhận vượt hàng ngàn cây số bằng xe gắn máy để về quê và trở lại nơi làm việc. 
 
Từ  sợ đến… nợ
 
Mặc dù đã 4 năm trôi qua, thế nhưng khi nhắc lại chuyện cũ, anh Nguyễn Văn An (32 tuổi), quê ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, hiện đang làm công nhân cơ khí tại một doanh nghiệp ở quận Bình Thạnh, T.p Hồ Chí Minh, vẫn còn “hãi”. 
 
Vào cuối năm đó, sau gần 4 ngày trời “ăn vật, nằm vờ” và chen lấn đứt cả mấy bộ cúc áo tại Bến xe miền Đông, T.p Hồ Chí Minh, cuối cùng thì anh An cũng mua được tấm vé để về quê ăn tết với gia đình. Đầu giờ chiều ngày 28 âm lịch, xe bắt đầu nổ máy, trực chỉ về hướng Quảng Ngãi. Theo lịch trình thì đến rạng sáng ngày 29, xe sẽ về đến quê, thế nhưng khi chạy vào địa phận tỉnh Khánh Hoà, đến một cánh đồng trống thì bất ngờ bị hỏng máy. 
 
Ngồi đợi nhà xe sửa hàng chục giờ vẫn chưa xong, trong khi đó hàng quán lại không có, vì thế gần 50 hành khách đành phải lấy bánh trái mua về nhà để đón tết ra “chống đói”. Mãi cho đến gần trưa ngày 30 thì xe mới về đến nhà. 
 
Nhóm bạn của anh Lê Xuân Viên (36 tuổi), quê ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, với cuộc hành trình bằng xe máy rời quê vào T.p Hồ Chí Minh
Nhóm bạn của anh Lê Xuân Viên (36 tuổi), quê ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, với cuộc hành trình bằng xe máy rời quê vào T.p Hồ Chí Minh
 
Từ sau lần đó, cứ mỗi khi về quê ăn tết, anh An và 3 người bạn cùng xóm quyết định về và trở vô lại bằng xe gắn máy. Và cũng chính vì điều này mà anh An “được” vợ. Chẳng là chị Thanh, ở cùng xã, đang làm công nhân tại thành phố lại mang chứng bệnh “sợ đi xe ô tô, tàu hoả” đến nỗi mới nghĩ đến đã “say”. Vì thế tiêu chí đầu tiên để chọn chồng là phải chở vợ đi về quê bằng xe máy. Những bạn thân của anh An, đùa: Ngày trước đi về, vô bằng xe máy là vì sợ, nhưng giờ thì còn là “nợ”. 
 
Tài xế gắn máy đường dài, họ là ai ?
 
Ngoại trừ một số ít đi xe máy là vì “bắt buộc”, như vợ chồng anh An, hay theo kiểu “kiêm” du lịch: Vừa đi vừa ngắm cảnh, mệt đâu nghỉ đó… thì phần lớn số còn lại là vì không chịu nổi cảnh đợi chờ, chen lấn để mua vé tàu xe. 
 
Anh Võ Thanh Hân (38 tuổi), ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, cho biết: Vì đang làm việc tại doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài nên làm sao có thể xin nghỉ vài ngày để ngồi chờ đợi mua vé. Quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối nơi “đất khách” đến tết mới có dịp về nhà với gia đình, chẳng lẻ ở lại. Còn đón xe “chợ” thì ngoài bị nhồi nhét, giá vé lại đắt hơn nhiều lần. Thôi thì đi xe máy cho chủ động vậy. 
 
 
 
Một cặp vợ chồng lao động Quảng Ngãi trên đường vào nam bằng xe gắn máy
Những cặp vợ chồng lao động Quảng Ngãi trên đường vào Nam bằng xe gắn máy
 
Còn anh Trần Quốc Dũng ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bán mỳ gõ tận TP. Tân An, tỉnh Long An. Với anh, Tết là phải có chiếc xe máy để đi lại thăm anh em bạn bè. Vì lo buôn bán nên đến chiều 26 Tết anh mới lặn lội lên bến xe Miền Đông – TP. Hồ Chí Minh để bắt xe về quê. Tuy nhiên, khi nghe hét giá hơn 1 triệu đồng cả người lẫn chiếc Wave Trung Quốc, anh liền làm một “cuốc” xe máy về tận quê. 
 
Khi được hỏi do giá vé quá cao hay máu phiêu lưu đã thôi thúc anh chọn phương án đi xe máy? Anh cười như mếu: Mỗi tháng dành dụm lắm cũng chỉ hơn 3 triệu đồng để gửi về lo cho các con ăn học và phụng dưỡng bố mẹ già ở quê. Nếu ra vô bằng xe khách thì mất toi hơn 2 triệu đồng, coi như cả gia đình không có Tết!

 
“Theo anh Hân, thời gian đi từ Quảng Ngãi vào T.P Hồ Chí Minh và ngược lại thông thường mất khoảng gần 1 ngày đêm, nhiều hơn ô tô khoảng 6-7 giờ. Bởi lẻ chỉ dám chạy với tốc độ khoảng 60km/giờ. Trong quá trình đi, cứ khoảng 300km thì dừng lại nghỉ ở một quán cóc ven đường khoảng 1 giờ rồi đi tiếp. Riêng với những cặp vợ chồng, thì số lần nghỉ nhiều hơn, kvì “tài xế” chỉ có duy nhất là người chồng.”
Chính vì thế chọn đi, về bằng xe máy đông nhất là những người lao động chân tay, làm thuê, vì để tiết kiệm chi phí. Nhóm bạn 6 người của anh Trần Văn Ngân (36 tuổi), ở xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, làm thợ hồ ở T.P Hồ Chí Minh, tính: Ngày tết giá vé ô tô cho người và xe máy đều bằng nhau, như năm nay là 500.000 đồng/vé. Với 3 xe gắn máy và 6 người đi thì “bét” lắm cũng mất 4,5 triệu đồng, chưa tính tiền ăn uống. 
 
Trong khi đó nếu đi xe máy từ Quảng Ngãi vào T.p Hồ Chí Minh, với quãng đường khoảng 1.000km, mỗi chiếc đi 2 người, thì trừ chi phí mua xăng khoảng 260.000 đồng, ăn uống khoảng 240.000 đồng, thì còn dư khoảng 1 triệu đồng, bằng số tiền tiết kiệm cả tháng đi làm. 
 
Nhiều rủi ro, lắm bất trắc
 
Chỉ  mới bám theo vài chục cây số thử tìm cảm giác của những người “hành phương nam” bằng xe máy, nhưng chúng tôi phải chấp nhận bỏ cuộc vì nhiều lần thót tim mỗi khi lạng lách để tránh ổ gà, ổ voi trên đường. Một anh bạn cùng quê, tên Nguyễn Xuân Diệu, cười nói: Mấy anh chỉ giỏi “đua trên giấy” chứ đường sá thế này không theo tụi tui được đâu! Không khéo lại “đo đường” thì khổ thân đấy! 
 
Phía trước là đường xa vạn dặm, nhiều rủi ro, lắm bất trắc
Phía trước là đường xa vạn dặm, nhiều rủi ro, lắm bất trắc
  
Quả thật để có thể ngồi, nhất là điều khiển xe máy vượt chặng đường hàng ngàn cây số liên tục không phải là chuyện dễ. Bởi lẻ ngoài chuyện sức khỏe tốt, thông thuộc đường xá, tay lái “cứng”, đòi hỏi người đi phải có chút ít tay nghề, dụng cụ và phụ tùng mang theo: Bơm tay, ruột…để có thể sửa chữa, thay thế nếu phương tiện gặp sự cố, như: Xẹp vỏ và những hỏng hóc nhỏ, vặt khác. 
 
Anh Trần Thanh Vân (36 tuổi), ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, người đã hơn 10 lần đi về bằng xe máy, kể: Hiếm có người, nhóm nào đi xe máy đường xa mà không có “thợ” theo cùng. Bởi lẻ bất cứ ai muốn chinh chiến đường dài cũng thừa hiểu rằng phương tiện hỏng hóc dọc đường là chuyện thường. Nếu hư hỏng ở gần khu vực dân cư thì không nói gì, nhưng lỡ đồng trống, đèo dốc…chỉ có…khóc. Cho nên dù là đi xe xịn cũng không ai dám liều mạng. 
 
Anh Trần Quốc Dũng thì thổ lộ: Đi trên đường tui luôn lo sợ bị cướp giật mỗi khi đến đoạn đường vắng, nhất là vào ban đêm. Nghỉ ngơi cứ lo ôm giỏ đồ, gác chân lên xe chứ không thì mất như chơi. 
 
Tuy nhiên điều mà những xế nổ đường dài ngại và sợ nhất chính là chuyện tai nạn giao thông. Bởi lẻ trong những ngày trước và sau tết các loại phương tiện, nhất là ô tô chạy rất đông, nhanh và ẩu. Hầu như năm nào cũng nghe, thấy có người người đi xe máy ở Quảng Ngãi bị thương vong vì chuyện này. 
 
 
Biết cực, nhiều rủi ro và nguy hiểm, thế nhưng nhiều lao động “ly hương” xứ Quảng vẫn chấp nhận làm tài xế gắn máy đường dài để tiết kiệm chi phí.       
 
                                                Công Hoàng - Thanh Kỳ
 

.