Nhớ Tết trồng tre

10:01, 27/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi khi cánh én chao nghiêng báo hiệu xuân về, cũng là lúc người làng ở những vùng “rốn lũ” Nghĩa Hành lại nhớ về  “Tết trồng tre” của những ngày xưa.
 
Nhờ những cái Tết chung sức, chung lòng trồng tre, giữ đất ấy, mà bao nóc nhà dọc theo sông Phước Giang đã được tre cưu mang, chở che suốt qua bao mùa nắng mưa.
 
Mùa xuân là Tết trồng tre
 
Mấy mươi năm về trước, cứ đến tết Nguyên đán là người làng An Sơn, xã Hành Dũng và Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành)... lại có một phong trào rất ý nghĩa mà người làng gọi nôm na là “Tết trồng tre”. Đó là những ngày mà người người, nhà nhà trong làng rủ nhau trồng tre dọc sông để bảo vệ đất đai, chống xói mòn, sạt lở. 
Từ phong trào Tết trồng tre năm xưa, giờ làng An Sơn, Hành Dũng (Nghĩa Hành) tre đã mọc thành lũy giữ đất, che bóng mát cho đường ven sông.        Ảnh: Ý THU
Từ phong trào Tết trồng tre năm xưa, giờ làng An Sơn, Hành Dũng (Nghĩa Hành) tre đã mọc thành lũy giữ đất, che bóng mát cho đường ven sông. Ảnh: Ý THU
Nhớ về phong trào trồng tre vào dịp tết Nguyên đán từ cách đây gần bốn thập kỷ, bà Nguyễn Thị Khoa, ở làng An Sơn, sôi nổi kể lại: “Ngày đó, dọc theo sông Phước Giang, sông Vệ... làng nào cũng phát động việc trồng tre. Để chuẩn bị cho Tết trồng tre, ngay từ tháng Chạp, các ấp trưởng và liên gia ngày ấy (tương tự như thôn trưởng bây giờ) lại đứng ra khảo sát, kiểm tra những đoạn sông nào còn đất trống là hô hào cả làng trồng tre. Theo lời kêu gọi, cứ đến tháng Giêng là mọi người trong làng lại hào hứng tham gia trồng tre”.
 
Ngày ấy, phong trào trồng tre dịp Tết được người làng xem như ngày hội. Vậy nên, ngay khi vừa bước sang tháng Chạp, nhà nào nhà nấy đều đã tìm kiếm, “nhắm” sẵn những cây tre non dưới một năm tuổi để mai này cắt khúc rồi mang đi giâm hom. Lá chuối khô, mo cau – những thứ dùng để đắp lên trên ống tre để giữ ẩm cho cây thì được các bà, các mẹ tỉ mỉ chuẩn bị từ tháng 10, 11 âm lịch... Rồi đến mùng sáu, mùng bảy Tết cho đến hết tháng Giêng, các nhà lại rủ nhau đào hố, ủ bùn, trồng tre dọc theo triền sông. Cây tre vì vậy dần dà phủ kín hết bờ sông chảy qua làng.
“Để chuẩn bị cho Tết trồng tre, ngay từ tháng Chạp, các ấp trưởng và liên gia ngày ấy (tương tự như thôn trưởng bây giờ) lại đứng ra khảo sát, kiểm tra những đoạn sông nào còn đất trống là hô hào cả làng trồng tre. Theo lời kêu gọi, cứ đến tháng Giêng là mọi người trong làng lại hào hứng tham gia trồng tre”.
 
NGUYỄN THỊ KHOA
ở làng An Sơn, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành)
Tre mãi xanh màu
 
Người có lòng trồng tre. Tre cũng không phụ lại ân tình. Từ phong trào trồng tre ngày Tết của những ngày xưa, bây giờ tre phát triển như thành, như lũy men theo lòng sông và trở thành vành đai xanh vững chãi bảo vệ đất làng, người làng vào mỗi mùa mưa bão. Từ những vùng ven sông có nguy cơ sạt lở nặng, mất đất sản xuất; làng Phước Lâm (Hành Nhân) và An Sơn (Hành Dũng) nhờ tre giữ đất mà hình thành nên được hàng loạt bãi bồi ven sông cho người dân tăng gia sản xuất.
 
 “Những năm 1980, năm nào làng tôi cũng bị nước sông lấn vào cả mét, nhưng kể từ khi trồng tre dọc bờ, thì lũ trên sông không còn lấn làng được nữa. Chúng tôi nhớ mãi trận lũ lịch sử năm 1999 và 2013, nước lũ trên nguồn đổ về mạnh lắm, kéo theo cả những thân cây gỗ to. Lúc ấy, cũng may có tre che chắn, mà sức nước bị giảm đi và ngăn cây gỗ theo nước chảy siết quật vào nhà”, trưởng thôn Phước Lâm Đoàn Thế Linh nhớ lại.
 
Tre mọc “nên lũy, nên thành”, nhưng người làng An Sơn và Phước Lâm bảo, những rặng tre được trồng dọc theo sông Phước Giang không hề “vô danh” mà được người làng đặt tên và bảo vệ rất nghiêm ngặt. “Tre được đặt theo tên của gia đình đã trồng ra nó. Như rặng tre ngay gần cầu An Sơn là  “Trần Đô”, tiếp sau đó là “Đào Khắc Thế”, “Đào Khắc Nghiên”, “Võ Duy Hường”, “Trương Quý”... Chẳng những trồng, mà người làng chúng tôi còn tự giao kèo với nhau là từ tháng 5 - 6 âm lịch trở đi, dù là tre nhà trồng, nhưng cấp thiết mấy cũng không được chặt, nếu không nước lũ sẽ lùa vào những chỗ thiếu tre rồi cuốn nhà”, cụ bà ngoài 80 tuổi Nguyễn Thị Duệ, ở làng An Sơn, quả quyết.
 
Không chỉ chở che, bao bọc lấy xóm làng, những rặng tre mấy mươi năm tuổi dọc sông Phước Giang còn trở thành sinh kế của người dân nơi đây. “Măng tre bán cho thương lái. Còn tre già thì bán cho các xưởng làm đũa, đan thúng, làm thuyền nan... Cứ thế, tre vừa giữ đất, vừa cho chúng tôi một khoản thu nhập nho nhỏ hằng năm”, ông Đoàn Khắc Nghi, người trồng và gìn giữ hơn 20 bụi tre dọc sông Phước Giang đoạn qua làng Phước Lâm chia sẻ.
 
“Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Cứ thế, tre không ngừng bén rễ, tạo nên hai vành đai xanh kéo dài tổng cộng gần chục cây số, bảo vệ biết bao nhà cửa, ruộng đồng đôi bờ Phước Giang...
 
Ý THU
 
 
 
 
 

.