Qua xứ người hành nghề lặn biển

08:02, 07/02/2011
.

(QNg)- Những tưởng năm 2008 chỉ có ngư dân Dương Văn Thạch ở thôn Định Tân xã Bình Châu (Bình Sơn) "liều lĩnh" đưa tàu xuất ngoại để đánh bắt hải sản. Nhưng sau đó một năm ở thôn Gành Cả còn có hàng chục tàu thuyền vượt ngàn khơi đến các vùng biển của nước bạn Malaysia đánh bắt. Họ đã bắt đầu hình thành một làng ngư dân qua xứ người hành nghề lặn biển. 
 
Nhiều con tàu có công suất lớn chuẩn bị trượt triền đà vươn khơi xa.
Nhiều con tàu có công suất lớn chuẩn bị trượt triền đà vươn khơi xa.

Làng chài Gành Cả xã Bình Châu nằm lọt thỏm trong vòng cung của núi Ba Làng An. Phía trước là biển cả. Những ngày cuối năm 2010, gió mùa đông bắc thổi mạnh đẩy hơi nước từ biển vào quyện cùng khói đá trong những dãy núi tạo thành không khí lạnh "đặc quánh" làm buốt da người. Thế nhưng, trong những ngôi nhà kiên cố của những ngư dân "xuất ngoại" trở về vẫn ấm áp trong tiếng cười, tiếng nói.
 
Anh Nguyễn Tấn Vân, phấn khởi, kể: "Năm nay, được ăn tết cổ truyền với gia đình, quê hương, bạn bè là sướng rồi. Đời đi biển vui nhất là sau một năm quăng quật với sóng khơi rồi trở về hải sản đầy khoang. Năm ngoái, giờ này còn núp gió ở vùng biển nước bạn. Khi hết đợt "gió chướng" thì cũng là lúc tết cận kề nên anh em đành ăn tết bên ấy luôn...

Xuất ngoại tìm hướng mưu sinh mới
Bao đời rồi dân Gành Cả luôn hướng về phía biển. Họ đánh bắt gần bờ  bằng nghề lưới hai trên những con thuyền nan hay thuyền gắn máy Đông Phong. Thế nhưng, nguồn hải sản ven bờ đang ngày một cạn kiệt dần. Nhiều ngư dân đành  chuyển sang nghề lặn bắt tôm hùm con (tôm nhí). Tuy giá mua tôm nhí rất cao nhưng không phải mùa tôm nhí sinh sôi, càng khó đánh bắt. Nhưng dân ở vùng biển dễ gì bỏ biển. Nhiều ngư dân tích góp được tiền của đóng tàu vươn ra khơi xa hành nghề lặn đêm.
 
Những chuyến lặn bắt hải sâm ở vùng biển  Hoàng Sa, Trường Sa đem lại nguồn thu nhập thật hấp dẫn. Nhưng đánh bắt ở vùng biển này ngư dân thường đối mặt với những trận cuồng phong trên biển, đã có nhiều người không trở về. Đi tìm một ngư trường giàu có, ít bão tố là vấn đề mà nhiều ngư dân ở Bình Châu quan tâm. "Hồi ở nhà nghe tàu anh Dương Văn Thạch ra nước ngoài đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao mình muốn tìm gặp. Nhưng tàu của anh ở tận Malaysia biết bao giờ mới gặp để hỏi thăm cách làm ăn". - Anh Vân kể.

 Thế rồi, anh Vân nghe thông tin đội tàu ở Kiên Giang trả hợp đồng đánh bắt ở nước bạn Malaysia. Anh bàn cùng với 7 chủ tàu khác ở Gành Cả "bí mật" cho tàu nằm bờ rồi bắt xe đò thẳng tiến về phía Nam tìm địa chỉ xin sang nhượng hợp đồng đánh bắt. Chuyến đi đó thuận lợi đến không ngờ. Thủ thục sang nhượng hợp đồng thật nhanh gọn nên 8 anh em quay trở về lo thủ tục xuất cảnh đưa những con tàu mang cờ hiệu của ngư dân Việt Nam thẳng hướng sang Malaysia.

Ngày đầu đến vùng biển lạ, anh em bạn thuyền tàu ông Vân và các chủ tàu khác đã gặp bao trở ngại. Nhất là bất đồng về ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán nên việc đánh bắt rồi bán hải sản gặp nhiều khó khăn. Thế là không ai bảo ai, cứ mỗi lần tàu cập bến sau khi bán cá xong là anh em tìm cách tiếp cận với các thông dịch viên, người Việt làm ăn lâu năm ở bến cảng để học tiếng Malaysia. Để cho dễ nhớ anh em bàn nhau nên sử dụng tiếng Malaysia trong lúc sinh hoạt. Rồi cũng từ đó tiếng Malaysia được anh em học nhanh dần. Bây giờ thì gặp ngư dân nước ngoài hầu như tất cả đều chào xã giao hay mặc cả được khi mua bán.

Hải sâm đầy thuyền
Choàng vai người bạn chòm xóm ngồi bên mình, anh Nguyễn Tấn Luân (36 tuổi), kể: Hầu như chuyến biển nào, tàu của anh em cũng đánh bắt đầy cá tôm. Có vậy, mới đảm bảo chi phí, trả tiền hợp đồng đánh bắt và thu nhập mới cao hơn".
 
Niềm vui rạng ngời của ngư dân sau mùa biển ở xứ người trở về.
Niềm vui rạng ngời của ngư dân sau mùa biển ở xứ người trở về.

Cuối năm 2009, cầm bản hợp đồng đánh bắt với nước bạn với chi phí cho một hợp đồng đánh bắt của mỗi tàu 18 nghìn USD/7 năm đánh bắt. Trong thời gian này, còn phải đóng thuế hằng tháng 35 triệu đồng mới được hành nghề trên biển. Tuy không đến nỗi choáng ngợp nhưng anh em đều lo. Bởi, nếu đánh bắt mà hiệu quả không cao, thu nhập bằng hoặc thấp hơn đánh cá ở trong nước thì ra nước ngoài làm chi cho mệt. Sự lo ngại được giải đáp qua chuyến biển đầu tiên.
 
Sau khi làm thủ tục, anh Luân đưa tàu ra khơi mới chỉ cách bờ nước bạn 20 hải lý thì cá đã ken dày kín lưới. Tuy nhiên, khi chuyển cá vào bờ để bán giá không cao nên sau khi trừ tiền thuế tính ra chẳng có lãi bao nhiêu. Chủ tàu Nguyễn Tấn Luân đã bàn với tàu anh Ngô Văn Sáu, anh Nguyễn Tấn Vân chuyển sang nghề đi lặn.

Ngày đầu tiên lặn giữa lòng biển lạ, ai cũng lo sợ luồng nước, độ sâu, dòng xoáy ở dưới biển. Tuy nhiên, vùng biển này chẳng khác gì so với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bởi có khá nhiều hải sâm và lại cạn hơn. Chuyến lặn đầu tiên đó đã làm nức lòng những ngư dân xuất ngoại. Họ đã tăng cường lặn đêm để đánh bắt hiệu quả hơn.
 
Tuy vậy, so với giá thu mua hải sâm ở quê nhà thì giá nơi đây vẫn thấp nên anh em bàn nhau đánh bắt hải sâm đầy tàu thì chở về quê nhà để bán và thăm người thân một thể. Nhưng khi đó, gió mùa đông bắc thổi xuống phía Nam, đường về bị ngược gió nên cả đội tàu gặp khó khăn đành phải nằm lại biển bạn núp gió. Khi đợt "gió chướng" đi qua thì tết cũng sắp đến. Một cái tết bất đắc dĩ trên trên xứ người cũng có đầy đủ các thứ bánh, mứt kẹo, thịt, cá... được mua ở các gian chợ. Nhưng đón tết mà ai cũng buồn, cũng hướng về miền quê bên chân sóng nơi mình sinh sống, nhớ người thân.

Sau tết tàu của anh cùng với tàu anh Ngô Văn Sáu và nhiều chủ tàu khác ra khơi càng dày hơn, nhanh hơn. Ngư dân Malaysia thấy ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sâm có hiệu quả càng khâm phục. Họ thường lui tới hỏi chuyện nghề rồi lâu dần thành quen. Mối tình hữu nghị được ngư dân xây đắp từ những chuyến biển. Những quy định ràng buộc đánh bắt trong hợp đồng với nước bạn, ngư dân Việt Nam đều tuân thủ nghiêm túc. Đến nay, tàu anh Luân, anh Sáu, anh Vân, anh Vũ đã thu hồi lại vốn hợp đồng và thu nhập cũng cao hơn nhiều so với đánh cá ở ngư trường trong nước.

Trong những ngày này, tàu các anh cập bến ở cảng Sa Kỳ làm nước, tu sửa để chuẩn bị xuất ngoại ra khơi bước vào mùa biển mới. Và chính sự năng động của ngư dân thôn Gành Cả xã Bình Châu đã mở ra hướng làm ăn mới cho ngư dân các làng chài trong tỉnh.

MAI HẠ

.