Chấn chỉnh các hoạt động tại chợ Quảng Ngãi

09:01, 28/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, TP.Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng mới chợ Quảng Ngãi khang trang, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn. Trưởng Ban Quản lý Chợ Quảng Ngãi Phạm Xuân Hoanh cho biết một số thông tin về công trình này và việc chấn chỉnh các hoạt động tại chợ, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018.

Ông Hoanh cho biết, sau khi xây dựng lại, chợ Quảng Ngãi đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. Đây là công trình cấp 1, gồm 4 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng 13.314m2, đạt tiêu chuẩn chợ hạng I. Theo thiết kế, chợ Quảng Ngãi có 943 lô sạp. Việc bố trí ngành hàng cũng được UBND TP.Quảng Ngãi và BQL chợ quan tâm sắp xếp phù hợp, thuận tiện trong mua bán, giao thương...

PV: Việc nâng cao nhận thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC), đảm bảo an ninh trật tự tại chợ Quảng Ngãi gần đây có gì đổi mới, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hoanh: Chúng tôi duy trì nghiêm túc việc thực hiện nội quy chợ, trong đó ưu tiên số một về PCCC. Thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ và lực lượng chuyên môn của chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương về PCCC. Chúng tôi tuyệt đối nghiêm cấm việc đốt nhang, vàng mã, hút thuốc lá trong chợ. Trong ngày chúng tôi luôn kiểm tra việc sử dụng điện cũng như yêu cầu tiểu thương phải tắt nguồn trước khi đóng sạp ra về...

Về tình trạng cướp giật, móc túi gần đây hầu như không xảy ra, vì BQL chợ thường xuyên cảnh báo, thông báo cho tiểu thương và người dân đến chợ mua sắm đề phòng. Thông qua hệ thống camera giám sát và lực lượng bảo vệ tuần tra trong chợ đã ngăn chặn đối tượng xấu hoạt động gây mất an ninh, an toàn trong chợ.

Đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... BQL chợ đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên tuyên truyền đến tiểu thương phải kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo an toàn VSTP... Ngoài tuyên truyền, chúng tôi còn tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát nhằm phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chợ...

PV: Còn việc chấn chỉnh trật tự xung quanh khu vực chợ?

Ông Phạm Xuân Hoanh: Đây là vấn đề UBND TP.Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm và đã tổ chức lực lượng lập lại trật tự quanh khu vực chợ. Cụ thể, UBND thành phố đã tổ chức đợt ra quân 5 ngày sắp xếp, xử lý các hộ tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Sau các đợt chấn chỉnh thì lòng đường, vỉa hè quanh khu vực chợ trở nên thông thoáng hơn. Để duy trì việc này lực lượng chức năng đã chốt chặn, không để tái chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán. Việc này được nhiều tiểu thương trong chợ đồng tình ủng hộ nên chúng tôi có thêm động lực để thực hiện và duy trì nền nếp này.

PV: Vấn đề tiếp tục bố trí, sắp xếp hộ kinh doanh; hoàn thiện các hạng mục còn lại và đảm bảo vệ sinh môi trường, BQL chợ Quảng Ngãi sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Phạm Xuân Hoanh: Sau khi di dời 329 hộ tiểu thương trên tầng 2 (khu vực bố trí chợ tươi sống) xuống tầng 1 và hành lang của chợ này, BQL chợ Quảng Ngãi đang nghiên cứu khai thác, sử dụng trên 3.000m2 của tầng 2, với hướng tham mưu cho UBND thành phố kêu gọi nhà sản xuất vào khai thác mặt bằng để kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch và vật tư đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp sạch; phấn đấu trong năm 2018, chúng tôi sẽ tổ chức phiên chợ nông sản hữu cơ vào chủ nhật hằng tuần phục vụ người dân. Để làm được việc này, hiện nay chúng tôi đang tranh thủ ý kiến các cơ quan chuyên môn của thành phố và tỉnh.

 Các lô, sạp tại chợ Quảng Ngãi trung tâm sắp xếp hợp lý, thuận tiện cho việc mua bán. Ảnh: P.V
Các lô, sạp tại chợ Quảng Ngãi trung tâm sắp xếp hợp lý, thuận tiện cho việc mua bán. Ảnh: P.V


Một vấn đề đang đặt ra là sau khi sắp xếp còn khoảng 100 hộ tiểu thương thuộc diện "buôn gánh bán bưng" không có mặt bằng kinh doanh cố định. Đối với các trường hợp này, nếu thực hiện theo phương án được duyệt thì các hộ này không có cơ hội buôn bán tại chợ và cũng đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ eo hẹp lại. Hiện BQL chợ rà soát, phân loại và báo cáo, tham mưu UBND TP.Quảng Ngãi có hướng giải quyết một cách thấu tình, đạt lý cho các tiểu thương này. Tuy nhiên, nếu có bố trí vào chợ thì việc bố trí đó phải đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn PCCC.

Về vấn đề môi trường thì việc xử lý nước thải của chợ trung tâm và chợ tươi sống đang quá tải. Trước đây, công suất thiết kế hệ thống xử lý nước thải của chợ tươi sống chỉ 70m3/ngày đêm, nhưng hiện đang phải xử lý nước thải của hai chợ lên đến 100m3/ngày đêm. UBND TP.Quảng Ngãi đã giao cho các ngành chức năng tham mưu việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải giai đoạn II của cả hai chợ. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu tổ chức các mái che ngoài nhà lồng để bố trí cho khoảng 200 hộ tiểu thương kinh doanh ngành hàng trái cây, hoa tươi, ăn uống giải khát...

Chúng tôi cũng đang tăng cường việc thu gom rác thải; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ thu gom rác thải 5 lần/ngày và xử lý rác thải trong ngày, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh tại chợ Quảng Ngãi.


THANH TOÀN
 (thực hiện)


 


.