Tín dụng chính sách tác động tích cực đến xóa nghèo, an sinh xã hội

07:09, 27/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ - Trưởng ban đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh, khẳng định: “Sau 15 năm hoạt động, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, hội đoàn thể trong tỉnh và cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH, Quảng Ngãi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương...”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, phát triển kinh tế đi đôi với xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.  Để tổ chức lại tín dụng chính sách theo hướng chuyên sâu, tập trung nguồn lực và cơ chế chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, tháng 10 năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội, với mô hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi, hướng tới vì hạnh  phúc của người nghèo, mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

P.V: Đồng chí cho biết ý nghĩa của tín dụng chính sách đối với Quảng Ngãi?

Đồng chí Phạm Trường Thọ: Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ V khóa VII và các Nghị quyết của Đảng trong các nhiệm kỳ qua, Đảng ta đề ra chủ trương về xóa đói giảm nghèo và nhấn mạnh: “Phải hỗ trợ, giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tranh thủ các nguồn vốn nhân đạo trong nước và nước ngoài, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo”. Có thể nói gọn là, mục tiêu của tín dụng chính sách là “Vì người nghèo, hướng đến hộ nghèo, giúp họ thoát nghèo bền vững”.

Quảng Ngãi 187.887 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh; có 6 huyện nghèo thụ hưởng chính sách 30a. Tỷ lệ hộ nghèo đến 31.12.2016 còn trên 13%, hộ cận nghèo 8,8% (khu vực miền núi gần 42%). Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến 31.12.2017 còn khoảng 11% (miền núi còn gần 37%)... Vì vậy, tín dụng chính sách càng đặc biệt có ý nghĩa đối với Quảng Ngãi.

Sau 15 năm thực hiện tín dụng chính sách, đến nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng. Tổng dư nợ đạt trên 2.823 tỷ đồng, tăng 19 lần so với thời điểm nhận bàn giao năm 2002. Tổng nguồn vốn chính sách đáp ứng được phần lớn nhu cầu cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trong tỉnh...

P.V: Theo đồng chí, chính sách tín dụng hiện còn những hạn chế gì cần khắc phục?

Đồng chí Phạm Trường Thọ: Theo tôi, mức cho vay một số chương trình điều chỉnh không kịp thời, không còn phù hợp với giá cả thị trường cũng như bối cảnh nền kinh tế tại các thời điểm, chưa tạo được khả năng tài chính để người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống nhanh hơn. Ví dụ như, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, cho vay giải quyết việc làm...

Bên cạnh đó, cơ cấu lãi suất hỗ trợ nhiều chương trình còn bất cập, chồng chéo giữa các chính sách, lãi suất một số chương trình tín dụng chính sách. Cơ cấu dư nợ tín dụng ưu đãi tại các vùng chưa đồng đều, vùng nghèo chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, việc lồng ghép thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với các chính sách, dự án giảm nghèo khác như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và phát triển ngành nghề; dự án dạy nghề cho người nghèo chưa được quan tâm đúng mức.

Việc triển khai một số chính sách chưa có sự đồng bộ, nhất là các chính sách triển khai đồng thời từ nhiều nguồn vốn như cho vay hộ nghèo xây nhà ở giai đoạn 1; cho vay hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề...

Một số chính quyền địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, vì vậy nhiều chính sách không triển khai được, nguồn vốn vay tồn đọng kéo dài, trong khi đối tượng thụ hưởng có nhu cầu, nhưng không tiếp cận được vốn...

P.V: Để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc đó, tạo thuận lợi cho dòng tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, cần có những thay đổi gì trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Trường Thọ: Tôi nghĩ rằng, Ngân hàng CSXH cần kịp thời tham mưu nâng mức cho vay đối với một số chương trình, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và nhu cầu vốn đầu tư tại từng thời điểm; đồng thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản nợ đã và có thể xảy ra.

Đối với các cấp ủy đảng, tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, có kế hoạch chỉ đạo triển khai Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.

 Đối với chính quyền các cấp, cần quan tâm trích nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm chuyển cho Ngân hàng CSXH, nhằm tăng vốn đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn; tổ chức điều tra và quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn Ngân hàng CSXH; chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động...

 Đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cần làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa của tín dụng chính sách, giúp hộ vay vốn hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình; tham gia thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội; chỉ đạo làm tốt việc bình xét đối tượng vay vốn, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn...

Từ những kết quả đạt được trong 15 năm qua, tôi hy vọng rằng, tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước sẽ tiếp tục góp phần xóa đói giảm nghèo, cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo của tỉnh Quảng Ngãi.

THANH TOÀN  
(thực hiện)

 


.