Chú trọng đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh

02:12, 07/12/2015
.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng. Ảnh: P.Đ
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng. Ảnh: P.Đ

(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ họp thường kỳ cuối năm 2015 và cũng là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XI, được tổ chức trong 4 ngày (8- 11.12.2015). Nhân dịp này, PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

-PV: Xin đồng chí cho biết những nội dung cơ bản của kỳ họp lần này?

Đồng chí Trương Thị Xuân Hồng: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định hơn 20 nội dung do UBND tỉnh trình, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa và  tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2016 - 2020; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương năm 2016; kế hoạch đầu tư công năm 2016; danh mục dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của tỉnh…

Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ nghe, giám sát các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, QPAN năm 2015, kế hoạch phát triển năm 2016, đầu tư xây dựng, dự toán thu chi ngân sách năm 2016, quyết toán thu chi năm 2014, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, tình hình thi hành án dân sự… HĐND tiếp tục giám sát việc UBND tỉnh và các cơ quan chức năng  giải quyết kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay...

-PV: Để hoàn thành các nội dung đó, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh phải tập trung thực hiện những vấn đề gì thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Thị Xuân Hồng: Ngay sau kỳ họp thứ 16 (7.2015), Thường trực và các Ban đã phải chủ động xem xét, chủ trì mời lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh và các cơ quan có liên quan để chuẩn xác nội dung cho kỳ họp cuối năm, nhằm làm cho công tác chuẩn bị nội dung các tờ trình, đề án thực hiện một cách nghiêm túc, đạt chất lượng theo yêu cầu. Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan phải rà soát toàn bộ các nội dung sẽ trình kỳ họp, ngoài các nội dung theo luật định phải trình, thì đặc biệt chú trọng các nghị quyết chuyên đề, tính pháp lý, tính thực tiễn… đều phải xem xét kỹ càng, thận trọng; nhằm mục đích cao nhất là nghị quyết HĐND tỉnh phải thực sự đi vào cuộc sống, đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng bảo đảm nguồn lực thực hiện, tránh việc duy ý chí, đề ra quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nhưng nguồn lực không tương ứng, không bảo đảm.

Để làm tốt việc này, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban của HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu nội dung được phân công ngay từ dự thảo của các sở ngành trình UBND tỉnh, dự họp bàn bạc bước đầu với UBND tỉnh để phản biện bước một, cùng UBND tỉnh hoàn chỉnh đề án, tờ trình, báo cáo. Để phản biện bước một này đạt chất lượng, Thường trực và các Ban phải nắm chắc các quy định của pháp luật (luật, nghị định, thông tư), Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đặc biệt là nắm chắc thực tiễn của vấn đề liên quan đang thực hiện ở mức độ nào, thực trạng ra sao…sau khi UBND tỉnh hoàn chỉnh trình qua, các Ban tiếp tục thẩm tra theo quy định và trình báo cáo thẩm tra này ra HĐND để cung cấp cho đại biểu các thông tin cần thiết, đủ căn cứ nhằm ban hành các nghị quyết đúng quy định của pháp luật và phù hợp thực tiễn của địa phương…

Về phần đại biểu HĐND tỉnh, ngoài việc nghiên cứu kỹ các tờ trình, đề án, báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan đã nêu trên để có quyết định đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn địa phương thì cần tăng cường liên hệ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh tại kỳ họp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời cần theo dõi giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND. Đặc biệt, đại biểu HĐND tỉnh phải đánh giá chất lượng việc trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh, chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, kiến nghị của cử tri, nhằm giám sát tiếp theo nếu các cơ quan chức năng có liên quan chưa giải quyết dứt điểm, trả lời thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật.

-PV: Đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng công tác chất vấn và trả lời chất vấn, giải quyết những kiến nghị, bức xúc của cử tri trong những kỳ họp qua?

Đồng chí Trương Thị Xuân Hồng: Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp HĐND được cử tri đặc biệt quan tâm. Chất vấn của đại biểu HĐND là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử. Quyền này đã được xác định rõ ràng, đầy đủ trong Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật… Thông qua hoạt động này, đại biểu HĐND thể hiện được bản lĩnh, năng lực, đặc biệt là trách nhiệm chính trị của mình trước cử tri. Qua chất vấn, những vấn đề bức xúc của cử tri được các cơ quan chức năng kịp thời xem xét giải quyết, góp phần làm tăng thêm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện được tinh thần chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh luôn chú trọng đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để làm rõ trách nhiệm ngành hữu quan và hướng giải quyết đối với những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trên thực tế. Nội dung chất vấn ngày càng cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, phản ánh những vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri quan tâm, nhất là các vấn đề về an sinh xã hội, như quy hoạch treo, dự án treo, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các công trình đầu tư xây dựng như nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, quản lý nhà nước về tài sản, đất đai, ngân sách tại một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế… Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã quyết liệt hơn trong tranh luận, truy vấn để làm rõ vấn đề. Kết quả trả lời, giải quyết các chất vấn luôn được theo dõi, đánh giá và theo đuổi kết quả giải quyết đến cùng, có nhiều vấn đề đã chất vấn rồi nhưng chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm, đại biểu tiếp tục chất vấn (có vấn đề chất vấn từ 2-3 kỳ họp). Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được ưu tiên bố trí nhiều thời gian (có kỳ họp được bố trí trong 1/4 ngày của kỳ họp). Tất cả các phiên chất vấn đều được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát.

Tuy nhiên, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh cũng còn những hạn chế như: Một số nội dung chất vấn chưa thiết thực, chưa sát với tình hình thực tế, đại biểu đặt câu hỏi chất vấn chưa có đủ thông tin để tiếp tục đặt câu hỏi truy vấn, có một số ít đại biểu từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay chưa thực hiện quyền chất vấn, do tâm lý nể nang, ngại va chạm; một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, ít có thời gian chuẩn bị nên chất lượng chất vấn không cao…

Song song với việc đổi mới hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh thì việc trả lời, giải quyết các chất vấn của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành ngày càng kịp thời, có chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2011) đến nay đã giải quyết dứt điểm hoặc cơ bản dứt điểm 117/124 vấn đề đặt ra trong chất vấn, có những vấn đề được giải quyết ngay sau chất vấn, nhưng cũng có nhiều chất vấn phải trải qua 2-3 kỳ họp mới giải quyết xong. Đến nay còn tồn đọng 7 vấn đề chất vấn từ các kỳ họp lần trước nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cụ thể: Việc xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh; việc quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước; về nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra cháy chợ Quảng Ngãi; dư nợ tạm ứng của các dự án trên địa bàn tỉnh; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương ven biển và việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện của tỉnh; tình trạng quản lý công sản tại một số địa phương thiếu chặt chẽ gây lãng phí (7 vấn đề này sẽ được đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục chất vấn tại kỳ họp này).

Đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri, sau các đợt tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp kiến nghị của cử tri báo cáo HĐND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Điểm mới trong công tác giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri nhiệm kỳ này là trước các kỳ họp thường kỳ, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, UBMTTQVN các huyện, thành phố đánh giá việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt yêu cầu hay chưa, từ đó tiếp tục kiến nghị giải quyết dứt điểm. Đồng thời, phân loại kiến nghị bức xúc của cử tri đề nghị UBND tỉnh trả lời ngay tại kỳ họp, không để sau kỳ họp mới chỉ đạo giải quyết như các kiến nghị ít búc xúc… Đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết 30/30 vấn đề bức xúc, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

 Tuy nhiên, còn nhiều kiến nghị của cử tri về đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân,  thể hiện nguyện vọng rất chính đáng của cử tri nhưng do nguồn lực của tỉnh có hạn, hoặc có một số vấn đề phức tạp, kéo dài từ mấy chục năm trước đây chưa thể giải quyết được ngay. HĐND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết; đồng thời trong chức năng quyết định của mình, sẽ thực hiện việc phân bổ các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội một cách công khai, công bằng giữa các địa phương, các ngành lĩnh vực trong tỉnh.

Qua Báo Quảng Ngãi, Thường trực HĐND tỉnh xin trân trọng cảm ơn cử tri trong tỉnh đã quan tâm giám sát, theo dõi các hoạt động của HĐND tỉnh. Đồng thời mong muốn cử tri trong tỉnh tiếp tục quan tâm giám sát, tạo điều kiện cho đại biểu HĐND tỉnh thực hiện đầy đủ chức năng theo luật định, đặc biệt là chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

-PV: Xin cảm ơn đồng chí!


Phú Đức
(thực hiện)


 


.