Chọn công chứng hay chứng thực?

10:08, 31/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu đúng bản chất của việc công chứng với chứng thực, nhất là công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Liên quan đến vấn đề này, PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Ông Thắng cho biết: Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp đã được triển khai nhiều năm nay và từng bước đi vào ổn định. Theo lộ trình của Chính phủ, khi những địa bàn cấp huyện có tổ chức hành nghề công chứng đảm đương được nhiệm vụ sẽ tiến tới thực hiện việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch do UBND cấp huyện, cấp xã đang chứng thực liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định thẩm quyền UBND cấp xã: “Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai”. Do vậy, một số công dân, địa phương do chưa hiểu đúng bản chất của việc công chứng với chứng thực nên đã yêu cầu trả lại việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch thực hiện quyền của người sử dụng đất về cho cấp xã thực hiện.

-  Vậy ông có thể cho biết công chứng và chứng thực khác nhau thế nào?

- Công chứng và chứng thực có sự khác nhau cơ bản. Theo khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng “chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Thẩm quyền công chứng chỉ có các tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng).

Còn theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chứng thực hợp đồng, giao dịch “là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Thẩm quyền chứng thực rộng hơn, gồm Phòng Tư pháp, UBND xã, phường, thị trấn; cơ quan đại diện ngoại giao và công chứng viên.

- Ông có thể phân tích rõ hơn bản chất và giá trị pháp lý của công chứng và chứng thực?

- Bản chất của việc công chứng hợp đồng, một giao dịch là công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó và qua việc bảo đảm tính hợp pháp để giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Trong khi đó, về bản chất chứng thực là việc chứng nhận sự việc, không đề cập đến nội dung mà chủ yếu chú trọng về hình thức. Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ; về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Về mặt giá trị pháp lý, hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

- Như vậy, giữa công chứng và chứng thực có sự khác nhau rõ rệt về cả khái niệm, nội hàm cũng như bản chất?

- Đúng vậy. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị pháp lý cao hơn, tính an toàn pháp lý cao hơn bởi được công chứng viên chịu trách nhiệm về cả hình thức lẫn nội dung. Trong khi đó hợp đồng, giao dịch được chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã chứng thực chủ yếu là hình thức, người chứng thực phải tự chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng, giao dịch đó. Bên cạnh đó, việc công chứng được thực hiện bởi các tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp, cụ thể là các công chứng viên là người phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 8 của Luật Công chứng.

- Trên thực tế hiện nay, một bộ phận nhân dân khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch rất “ngại” đến các tổ chức hành nghề công chứng. Theo ông vì sao?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân “ngại” đến các tổ chức hành nghề công chứng, một số người cho rằng do đi lại khó khăn, nhưng theo chúng tôi tìm hiểu thì không phải nguyên nhân này, mà chính là do tính dễ dãi của cấp xã. Ví dụ: Khi đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công chứng viên thực hiện việc công chứng với trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, yêu cầu đương sự phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định, mặt khác những người có liên quan đều phải có mặt tại trụ sở công chứng để ký, điểm chỉ trước mặt công chứng viên. Tuy nhiên, những trình tự, thủ tục này lại được thực hiện khá sơ sài ở cấp xã, do vậy, người dân thường có xu hướng đến UBND cấp xã để chứng thực hợp đồng. Thế nhưng, thực tế có nhiều trường hợp đã phát sinh tranh chấp sau khi hợp đồng, giao dịch được chứng thực tại cấp xã. Có thể thấy, để công chứng được một hợp đồng, giao dịch thì hơi khó khăn, nhưng khi đã công chứng thì rất yên tâm, ngược lại, chứng thực thì rất dễ, nhưng chứng xong vẫn chưa thực sự yên tâm.

Trong thời gian tới, việc giao thẩm quyền thực hiện việc chứng thực sẽ thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh. Công chứng hay chứng thực đều có giá trị và những mặt thuận lợi, hạn chế nhất định, do vậy, mọi người cần xem xét kỹ tính chất của hợp đồng, giao dịch để lựa chọn công chứng hay chứng thực để đảm bảo an toàn pháp lý về sau.

NG.TRIỀU (thực hiện)
 


.