Cán bộ quản lý, giáo viên phải nhận thức đầy đủ về đổi mới giáo dục

10:08, 11/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu năm học mới (2014- 2015). Bộ GD&ĐT có nhiều chỉ đạo đổi mới liên quan đến năm học này. PV BQN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT xoay quanh những vấn đề này.

-PV: Xin ông cho biết, Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo gì đối với năm học 2014 – 2015?

Ông TRẦN HỮU THÁP: Bộ GD&ĐT đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm của năm học này. Theo đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đối với bậc tiểu học thì triển khai chương trình tiếng Việt theo chương trình công nghệ giáo dục; bắt đầu ở một số tỉnh triển khai chương trình tiếng Anh mới theo Đề án đến năm 2020. Bộ giao quyền chủ động cho các Sở GD&ĐT, làm sao phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của trường và năng lực học tập của học sinh. Năm nay, Bộ có chủ trương chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương vận dụng chương trình trường học mới (VNEN) cho bậc THCS. Đồng thời nhân rộng mô hình học 2 buổi/ngày. Để đổi mới phương thức dạy học thì trước tiên đổi mới hình thức bồi dưỡng giáo viên thông qua diễn đàn mạng.

Bộ cũng chỉ đạo đổi mới công tác kiểm tra học sinh. Cụ thể là, chuyển việc đánh giá kiến thức sang kiểm tra đánh giá kỹ năng của học sinh. Đánh giá để động viên sự cố gắng, hứng thú của học sinh trong quá trình dạy học. Việc kiểm tra không chỉ xem xét học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là coi học sinh học như thế nào và có biết vận dụng hay không. Ngoài ra, Bộ cũng chính thức đưa ra 3 phương án về việc tổ chức thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ để xin ý kiến của địa phương và xã hội để tiến tới một kỳ thi quốc gia.

-PV: Trong các nhiệm vụ trọng tâm trên thì nội dung nào phải thực hiện ngay trong năm học này, thưa ông?

Ông TRẦN HỮU THÁP: Quảng Ngãi sẽ tiếp cận ngay các nội dung đổi mới và triển khai thực hiện. Riêng trong năm học 2014- 2015, Quảng Ngãi sẽ thực hiện chương trình tiếng Việt cho bậc tiểu học theo chương trình công nghệ. Hiện có hơn 70 trường đăng ký thực hiện chương trình tiếng Việt theo chương trình này. Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn ở tiểu học, trung học và tất cả các cơ sở giáo dục. Năm nay, ngành sẽ tiếp tục nhân rộng việc kiểm tra đánh giá bằng lời nhiều hơn đối với bậc tiểu học. Riêng đối với bậc trung học sẽ tổ chức ra đề theo hướng đề mở, vận dụng để học sinh không chỉ học thuộc mà phải biết vận dụng. Quảng Ngãi sẽ triển khai việc đổi mới ra đề thi theo định hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Sự phân cấp mạnh của Bộ là nhằm phù hợp với điều kiện của nhà trường và năng lực, trình độ của học sinh mỗi địa phương. Đối với những vùng khó khăn thì có thể chủ động cắt bớt nội dung, nhưng phải đảm bảo nội dung tối thiểu ở từng cấp học. Ngành cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thời gian năm học cho các cấp học.

-PV: Thưa ông, trước những đổi mới này thì Quảng Ngãi sẽ đứng trước những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông TRẦN HỮU THÁP:  Kết quả của năm học 2013- 2014 là tiền đề khá quan trọng để ngành giáo dục tỉnh phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra trong năm học này. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới căn bản và toàn diện. Các cấp quản lý giáo dục, phụ huynh, học sinh cũng phải thay đổi về nhận thức trong công cuộc đổi mới này. Muốn đánh giá cái mới thì không thể áp dụng tiêu chí cũ, nên phải thay đổi từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng lời là một thách thức lớn. Đội ngũ giáo viên tuy trình độ đào tạo đảm bảo chuẩn và trên chuẩn nhưng trước yêu cầu đổi mới thì cần đào tạo lại, tập huấn lại mới thay đổi ý thức và sức ì trong giáo viên.

Mặt khác, điều kiện kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh còn khó khăn; điều kiện sống của học sinh giữa các vùng miền khác nhau, học sinh bỏ học vẫn còn tiếp tục là một thách thức lớn đối với ngành, trong đó có việc tổ chức cho học sinh học nội trú, bán trú.

-PV: Vậy ngành sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn, thách thức trên?

Ông TRẦN HỮU THÁP:  Nhận thức rõ những thách thức đó và trên tinh thần chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên; tập huấn theo phân cấp ở tỉnh, ở huyện và ở trường. Việc đầu tiên là làm chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là phải hiểu rõ nội dung đổi mới của ngành giáo dục hiện nay là cái gì? Trên cơ sở đó, tiếp tục đổi mới cách thức, hình thức bồi dưỡng giáo viên. Trong đó phải thực hiện cho được việc xây dựng một diễn đàn bồi dưỡng giáo viên thông qua mạng giáo dục để giáo viên tham gia trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm với nhau.

Thông qua hình thức sinh hoạt tổ nhóm, chú trọng cách thức, tổ chức thực hiện mô hình đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Để giáo viên nhận thức đổi mới cách thức dạy học, đánh giá và ý thức được nâng lên là một việc cấp bách mà ngành sẽ làm trong năm học này.

Đồng thời, phải huy động cả hệ thống chính trị vào tham gia thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có như thế chất lượng giáo dục mới từng bước được nâng lên.    

-PV: Xin cảm ơn ông!


TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)
 


.