Ghi nhận công lao to lớn của Bác Đồng đối với văn hóa dân tộc

07:05, 23/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một thời gian dài chuẩn bị, sáng 23.5, Hội thảo với chủ đề “Phạm Văn Đồng và văn hóa dân tộc” chính thức diễn ra. Đây  là sự ghi nhận bước đầu công lao to lớn của Bác Đồng đối với văn hóa dân tộc và là tiền đề tiến tới tổ chức hội thảo quy mô cấp quốc gia vào năm 2016. PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL về những vấn đề xoay quanh hội thảo lần này.

PV: Xin ông cho biết những nội dung chính của Hội thảo “Phạm Văn Đồng và văn hóa dân tộc”?

TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Tại Hội thảo “Phạm Văn Đồng và văn hóa dân tộc” sẽ có bài phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh, Báo cáo Đề dẫn của Ban tổ chức do Giáo sư Hoàng Chương- Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam trình bày. Sở đã làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để lựa chọn từ 15- 20 bài tham luận tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong số 70 bài tham luận để trình bày trong hội thảo. Hội thảo cũng dành thời gian để thảo luận các vấn đề xoay quanh nội dung các bản tham luận còn lại. Sau đó chủ trì hội thảo sẽ có kết luận hội thảo. Hội thảo lần này là tiền đề tiến tới tổ chức hội thảo quy mô cấp quốc gia vào năm 2016 với nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, ngoại giao…

PV: Chất lượng của các bản tham luận tại hội thảo như thế nào, thưa ông?

TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Chúng tôi đã nhận được 70 bản tham luận của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xoay quanh nhiều lĩnh vực khác nhau mà Bác Phạm Văn Đồng đã quan tâm lúc sinh thời. Trong đó có nhiều bài rất có chất lượng được đầu tư công phu. Tuy nhiên cũng có một số bài chất lượng vẫn còn thấp, chưa mang tầm của bài nghiên cứu, lý luận. Ban tổ chức đã chọn lọc và phân loại thành nhiều loại hình, lĩnh vực khác nhau để trình bày tại hội thảo. Đó là cách để đại biểu tham dự hội thảo có thể theo dõi từng mảng khác nhau mà cố Thủ tướng đã từng quan tâm, chỉ đạo. Những bài tham luận được BTC chọn lọc, biên tập lại và đóng thành tập sẽ là những tài liệu quý giá về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

PV: Mục đích tổ chức hội thảo “Phạm Văn Đồng và văn hóa dân tộc” là gì, thưa ông?

TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ:  Đó là nhằm làm sáng tỏ những công lao đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng- nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời nêu lên những quan điểm văn hóa sâu sắc, nhân cách văn hóa ngời sáng, những bài học quý giá của cố Thủ tướng nhằm bổ sung nguồn tài liệu, các kết quả nghiên cứu mới nhất về Thủ tướng để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ và làm cơ sở cho các đề tài nghiên cứu về văn hóa dân tộc và xây dựng Bộ kỷ yếu hội thảo…

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức hội thảo?

TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Đồng luôn quan tâm đến văn hóa dân tộc trong các lĩnh vực khác nhau như văn hóa dân gian, văn hóa cổ truyền, văn hóa ngoại giao, văn hóa gia đình, mỹ thuật, âm nhạc, kể cả ngôn ngữ chữ viết và góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhiều công trình, nhiều bài viết nổi tiếng được các học giả trong nước và quốc tế đặc biệt chú trọng và đánh giá cao. Vì vậy việc tổ chức hội thảo lần này là nhằm một bước nhìn nhận lại cống hiến to lớn của cố Thủ tướng đối với nền văn hóa dân tộc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hội thảo đã thu hút khá nhiều các nhà khoa học, nhà hoạt động nghệ thuật trên cả nước.

Trước đây đã có nhiều hội thảo về Bác Phạm Văn Đồng tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên Quảng Ngãi là quê hương Bác Phạm Văn Đồng nhưng vẫn chưa được tổ chức hội thảo lần nào. Vì vậy hội thảo lần này là bước ghi nhận, đánh giá toàn bộ công lao to lớn, sự cống hiến và sự quan tâm của Bác Đồng đối với văn hóa dân tộc và là tiền đề để hướng tới quy mô hội thảo cấp quốc gia vào năm 2016.

PV: Xin cảm ơn ông!


  TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)
 


.