Cần xem "Nước là máu của sự sống" để bảo vệ nguồn nước

08:03, 24/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nước là yếu tố không thể thiếu đối với cơ thể, sức khỏe con người. Nhưng, trái ngược với sự phát triển của xã hội thì nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng. Nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22.3), phóng viên Báo Quảng Ngãi  có cuộc trao đổi với ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

*PV: Thưa ông, theo các tiêu chí thì nguồn nước thế nào gọi là nước sạch?

*Ông LÊ MỸ LIÊN: Theo Luật Tài nguyên nước, thì nước sinh hoạt là nước sạch hoặc nước có thể dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người. Nước sạch là nước có chất lượng để đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch của Việt Nam, như: QCVN  02:2009/BYT  Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường, không sử dụng để ăn uống trực tiếp hoặc dùng cho chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm. Về chất lượng nước được giới hạn bởi 14 chỉ tiêu cơ bản như màu sắc, độ đục, clo dư; PH, hàm lượng amoni, sắt.... e.coli; hoặc QCVN 01:2009/BYT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống". Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với nước dùng để ăn uống, nước dùng cho các cơ sở để chế biến thực phẩm. Về chất lượng nước được giới hạn bởi 109 chỉ tiêu cơ bản.

*PV: Hiện nay, nguồn nước sạch, sinh hoạt ngày càng bị ô nhiễm, nguyên nhân chính do đâu?

*Ông LÊ MỸ LIÊN: Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước chủ yếu là nước thải, rác thải từ các khu dân cư xả vào kênh rạch chưa qua xử lý làm cản trở lưu thông của dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh tạo nước tù. Tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan gây cạn kiệt nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường như sụp lún, nhiễm mặn…

Giữa nước mặn và nước ngọt có một ranh giới. Trong những năm gần đây, người dân ven biển ồ ạt nuôi tôm nhưng khai thác nguồn nước không đúng mức làm đường ranh giới này bị "phá vỡ". Mực nước mặn xâm nhập dần, đẩy lùi mực nước ngọt vào sâu và làm nhiễm mặn các công trình khai thác trong khu vực. Việc phá rừng để lấy đất, sang ruộng, cất nhà, làm đường dẫn đến mất khả năng giữ nước của đất. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở hộ gia đình vùng nông thôn còn chưa có ý thức tiết kiệm nguồn nước trong việc vệ sinh chuồng trại, chưa có hệ thống xử lý chất thải nước thải; nạn phun thuốc trừ sâu, bệnh, vứt vỏ rác ở lòng kênh mương còn tràn lan... làm cản dòng chảy, tù đọng, ảnh hưởng nguồn nước đáng kể.

Các chất thải công nghiệp như khói, bụi… tạo nên mưa axít không những làm thay đổi chất lượng nước ngọt, mà còn ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sinh thái.Việc xả nước thải sản xuất từ các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất. Các bãi chôn rác không đạt yêu cầu kỹ thuật, nước rỉ ra từ rác thấm vào mạch nước ngầm hoặc cho chảy tràn trên mặt đất vào kênh rạch...

*PV: Ngành tài nguyên và môi trường có khuyến cáo gì để nguồn nước đảm bảo sạch và hạn chế sự cạn kiệt trong tương lai?

*Ông LÊ MỸ LIÊN: Tất cả mọi người cần xem "Nước là máu của sự sống" và "Nước là tài sản quốc gia". Nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, chứ không phải vô hạn như lâu nay chúng ta nghĩ. Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sự sống. Vì vậy, yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được có hành vi đổ chất thải, rác thải ra ngoài hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác làm ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.  Không nên xả nước thải, đưa các chất thải chưa qua xử lý, hay xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Không được xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất; gian lận trong việc xả nước thải...

Các ngành chức năng cần phối hợp tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, nghiêm cấm khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước, gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa...

Đối với cơ quan quản lý và chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên nước, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.


TRƯỜNG AN (thực hiện)
 


.