Đổi mới tư duy, nhận thức của đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên

08:01, 12/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhân dịp tỉnh ta tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn ông Từ Tân Vũ- Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh về vấn đề này nhằm góp phần tìm ra những giải pháp, phương hướng mới cho ngành giáo dục tỉnh nhà.

*PV: Với tư cách nguyên là lãnh đạo tỉnh, hiểu nhiều về ngành giáo dục tỉnh nhà, xin ông cho biết những mặt được của giáo dục Quảng Ngãi trong thời gian qua?

*Ông Từ Tân Vũ: Cái được quan trọng nhất của ngành giáo dục tỉnh nhà đó là hình thành được hệ thống giáo dục từ bậc mầm non đến đại học, nhất là giáo dục THPT. Điều đó được minh chứng là số lượng các trường chuẩn ở các bậc học hàng năm đều tăng. Từ một tỉnh không có trường đại học nào thì nay đã có 3 trường đại học. Điều đó cho thấy hệ thống giáo dục Quảng Ngãi đã phát triển ngày càng hoàn thiện, đúng định hướng. Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy ngày càng nâng lên về chất lượng, nhiều giáo viên bậc phổ thông có bằng thạc sĩ. Từ đó, chất lượng giáo dục ở các bậc học đều được nâng lên, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia ngày một nhiều hơn. Thông qua Quỹ học bổng khuyến tài năm 2013, Hội Khuyến học tỉnh đã tiếp nhận trên 1.000 em đạt khá, giỏi. Trong đó có 21 em xuất sắc và 478 em sinh viên loại giỏi. Điều đó cho thấy tinh thần hiếu học của học sinh Quảng Ngãi không thua gì các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

*PV: Nói vậy, nhưng chắc chắn giáo dục Quảng Ngãi vẫn còn nhiều mặt hạn chế chứ, thưa ông?

*Ông Từ Tấn Vũ: Đúng vậy! Công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh chưa theo kịp sự phát triển chung của cả nước cả về tư duy, năng lực trí tuệ lẫn năng lực quản lý, nhất là quản lý cấp tỉnh; không chỉ quản lý yếu về chuyên môn mà còn yếu về cơ sở vật chất. Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều nhưng việc quản lý, sử dụng chưa đạt hiệu quả. Đội ngũ giáo viên từng bước được chuyển hoá nhưng trên thực chất số giáo viên có năng lực thật sự không nhiều. Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều quyết định về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, nhưng trên thực tế tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn tràn lan. Nhiều nhà giáo quá coi trọng đồng tiền dẫn đến thương mại hoá giáo dục, nhất là việc dạy thêm, học thêm. Do đó, học sinh không còn thời gian nghỉ ngơi, phát triển thể lực, phát huy tính tích cực, sáng tạo. Bên cạnh đó, bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn còn nặng. Những năm qua, Quảng Ngãi chỉ quan tâm đến việc giáo dục trong nhà trường chứ chưa chú trọng đến việc giáo dục cộng đồng. Việc hình thành cho lớp trẻ có năng lực, phẩm chất đạo đức ngay từ bậc học thấp nhất là hết sức cần thiết. Gia đình, nhà trường phải tạo điều kiện tốt nhất để bản thân các em có động lực học tập, vun đắp cho tài nguyên trí tuệ ngày càng nhiều hơn. Có như vậy mới đưa ngành giáo dục tỉnh nhà đi lên đúng theo mô hình giáo dục mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI).

*PV: Vậy theo ông, Quảng Ngãi cần phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện đối với công tác giáo dục và đào tạo?

*Ông Từ Tấn Vũ: Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trước hết phải đổi mới tư duy, nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ quản lý giáo dục, cán bộ giảng dạy và học sinh. Đồng thời, chỉnh đốn lại công tác tổ chức, thay đổi đội ngũ quản lý giáo dục thiếu năng lực thực tiễn. Thu hút những người có tài, có đức trực tiếp quản lý giáo dục thông qua hình thức thi tuyển có sự cạnh tranh, nhằm từng bước hình thành mô hình giáo dục mở. Củng cố, xây dựng đội ngũ giáo viên đúng tầm, thực chất, không chạy theo bằng cấp, có đầy đủ tài, đức, năng lực trí tuệ và thực tiễn. Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên không nên chạy theo bằng cấp mà phải thực chất, dân chủ hoá trong công tác xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên bằng cách xã hội hoá, không nên đóng kín trong ngành giáo dục.

Cần đổi mới phương pháp dạy và học. Đồng thời cải cách chương trình sách giáo khoa theo hướng tinh giảm mạnh nhưng hiện đại, thiết thực, đi vào thực tiễn, gắn học với hành. Quảng Ngãi cần có sự chuyển biến mạnh trong việc xây dựng mô hình giáo dục mở, nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển, hội nhập của nền kinh tế tỉnh nhà. Xây dựng nền kinh tế tri thức, góp phần đưa ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi nói riêng và nước ta nói chung đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và từng bước vươn ra tầm thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!


TRỊNH PHƯƠNG
 


.