Dự phòng nhồi máu cơ tim cấp

09:10, 21/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp là hiện tượng hoại tử bất kỳ một lượng cơ tim nào do nguyên nhân thiếu máu cục bộ do mạch máu nuôi dưỡng cơ tim (mạch vành) bị tắc nghẽn bởi cục máu đông. Bệnh có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ  CKII Trịnh Quang Thân - Trưởng khoa Nội Tim mạch- Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

*PV: Bệnh nhồi máu cơ tim cấp thường gặp ở đối tượng nào thưa bác sĩ?.

*Bác sĩ Trịnh Quang Thân: Đối với người cao tuổi, nhồi máu cơ tim là bệnh rất hay gặp. Trong những năm gần đây, chính chế độ ăn uống không hợp lý, những áp lực từ cuộc sống, công việc và stress, bia, rượu... đã và đang làm thay đổi độ tuổi mắc bệnh tim mạch và bệnh nhồi máu cơ tim có xu hướng gia tăng nhanh chóng và càng trẻ hoá. Số người dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim tăng lên đáng lo ngại và không còn là bệnh “độc quyền” của người lớn tuổi.

*PV: Vậy đâu là nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý thế nào?

*Bác sĩ Trịnh Quang Thân: Nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch vành, làm giảm khẩu kính lòng mạch mảng xơ vữa bị nứt, bong, vỡ ra đột ngột. Khi đó quá trình hình thành cục huyết khối, các tế bào máu đặc hiệu gọi là tiểu cầu tập trung lại và hình thành ngay nơi đó, dần dần gây tắc đột ngột một trong số các động mạch vành nuôi quả tim. Một số ít các trường hợp khác nhồi máu cơ tim có thể là hậu quả của tình trạng co thắt mạch vành đáng kể, làm ngừng trệ quá mức dòng máu dẫn đến nuôi cơ tim.

Triệu chứng lâm sàng điển hình và thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực; đau như đè ép, bóp nghẹt giữa ngực, vùng trước tim, phía sau xương ức hoặc vùng thượng vị, lan lên cổ, cằm, vai trái và mặt trong tay trái. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài trong khoảng 5-20 phút, thường không quá 1 giờ (kéo dài hơn hẳn so với cơn đau thắt ngực ổn định thông thường) và không đỡ  khi dùng nitroglycerin; có thể kèm theo các triệu chứng như ra mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc khó thở.

Tất cả bệnh nhân nhồi máu cơ tim đều được đặt trong tình trạng cấp cứu. Trước hết bệnh nhân phải được bất động tại giường; thở oxy, giảm đau, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, chống đông; sau đó phải thực hiện điều trị tái tưới máu động mạch vành ngay cho bệnh nhân (bằng thuốc tiêu sợi huyết, nong động mạch vành qua da – đặt stent (giá đỡ), hoặc tạo cầu nối bằng can thiệp phẫu thuật. Đa số bệnh nhân điều trị nội khoa mang tính nâng đỡ đợi cơ tim tự phục hồi thành sẹo, xử lý các biến chứng kèm theo. Sau khi ra viện phải có chế độ dự phòng.

*PV: Làm thế nào để phòng bệnh thưa bác sĩ?

*Bác sĩ Trịnh Quang Thân: Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn ít nhất 6 tháng một lần, để phát hiện những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dễ gây ra bệnh mạch vành. Đồng thời phải chú ý 5 nguyên tắc vàng loại bỏ các yếu tố nguy cơ:

- Thuốc lá làm cứng các thành động mạch, tăng cholesterol máu và tăng áp lực động mạch, nên dễ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim lên gấp năm lần và tăng nguy cơ tai biến mạch não lên gấp hai lần.

- Chế độ dinh dưỡng đa dạng, giữ trọng lượng cơ thể cân đối, nên đo vòng bụng và tính chỉ số khối cơ thể (IBM); nếu vòng bụng < 88 cm ở nam và < 80 cm ở nữ sẽ giảm được nguy cơ.
 
-Mỡ trong máu thường có xu hướng tăng lên khi tuổi cao, nên hạn chế ăn mặn và các loại chất béo bão hoà (nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật), đường và bia, rượu, ăn nhiều trái cây tươi, khống chế loại thức ăn và lượng thức ăn hằng ngày.

-Vận động thể lực đều đặn hằng ngày, tập thể dục 3 - 4 lần/tuần, mỗi ngày tối thiểu 30 phút như đi bộ, đạp xe, tuy nhiên không được quá mức, tập với tần số tim khoảng 50-70% mức gắng tối đa (tính mức tối đa 210- số tuổi).


- Phải có cuộc sống thoải mái về tinh thần, tâm lý ổn định, nếu căng thẳng sẽ làm cho nhịp tim nhanh, co thắt cơ tim, dễ dẫn đến cơ tim bị thiếu máu.
    
Vượt qua được cơn nhồi máu cơ tim không phải là điều dễ dàng, nhưng dự phòng nhồi máu cơ tim không tái phát thì càng khó khăn hơn. Bởi vì, nguy cơ tái phát rất cao nếu không được chăm sóc và điều trị tốt sau khi được cứu sống bằng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành. Chính vì vậy, bệnh nhân phải được tư vấn sức khỏe thật kỹ, phải tuân thủ các chỉ định điều trị của thầy thuốc về sức khỏe, hoạt động thể lực, thay đổi lối sống, chế độ ăn và việc dùng thuốc để phòng ngừa thứ phát các bệnh tim mạch. Đa số bệnh nhân phải dùng lâu dài các thuốc aspirin/clopidogrel, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc statin và một thuốc ức chế men chuyển.

*PV: Xin cảm ơn bác sĩ!


    P.Đức- B.Phương
 


.