Thạc sĩ kinh tế Phan Văn Hiếu:
Xã viên HTX Tịnh Trà được hưởng lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ

08:12, 09/12/2012
.

(QNg)- Tháng 9/2012, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông thôn Tịnh Trà" (gọi tắt là HTX Tịnh Trà). Đến thời điểm này, HTX đã thu hút hơn 500 xã viên tham gia. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế HTX vẫn được người dân tin tưởng. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ kinh tế Phan Văn Hiếu- Trưởng khoa Lý luận Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh), Chủ nhiệm dự án, về triển vọng phát triển HTX Tịnh Trà trong thời gian đến.

Thạc sĩ Phan Văn Hiếu cho biết: Khi tham gia HTX Tịnh Trà (Sơn Tịnh), xã viên có quyền quyết định mục đích sử dụng tài sản mà họ đóng góp và lựa chọn các hoạt động sản xuất. Quá trình hoạt động của HTX nhằm mục đích hỗ trợ xã viên về dịch vụ đầu vào của sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Điều này giúp xã viên được hưởng lợi trong toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ.

*PV: Xin ông cho biết mục tiêu mà HTX Tịnh Trà hướng đến?

*ThS Phan Văn Hiếu: Những người thực hiện Dự án xác định, HTX Tịnh Trà được thành lập phải hoạt động theo đúng Luật HTX (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua trên các phương diện như: Sở hữu, tổ chức quản lý và kinh doanh, phân phối sản phẩm. Từ đó, HTX Tịnh Trà đủ năng lực để thực hiện 8/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã Tịnh Trà. Muốn vậy, HTX Tịnh Trà phải là nơi ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho xã viên, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.

*PV: Những ấn tượng không tốt của người dân về HTX "kiểu cũ" liệu có cản trở việc thành lập và hoạt động của HTX Tịnh Trà?

*ThS Phan Văn Hiếu: Để người dân tin tưởng ngay vào hiệu quả hoạt động của HTX Tịnh Trà là điều không đơn giản. Bởi, những tàn dư của HTX "kiểu cũ" để lại ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của họ. Do đó, muốn thu hút được xã viên, trước tiên phải thay đổi được cách nghĩ của người dân. Vì vậy, trong 3 tháng qua, chúng tôi đã tiến hành tổ chức trên 20 lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của HTX kiểu mới đến tất cả cán bộ, đảng viên và hơn 1.000 lượt người dân xã Tịnh Trà. Nhờ đó, hiện đã có trên 500 hộ đăng ký vào HTX, với các mức đóng góp từ 500 ngàn đồng đến 20 triệu đồng/hộ. Đó là chưa kể, nhiều người còn đang "nghe ngóng" những tín hiệu tích cực của HTX để tham gia. Tôi khẳng định, tàn dư của HTX "kiểu cũ" không thể gây tác dụng tiêu cực tới sự phát triển của HTX Tịnh Trà.

*PV: Vậy HTX Tịnh Trà phải làm gì để giữ chân xã viên, thưa ông?

*ThS Phan Văn Hiếu: Nguyên nhân thất bại của các HTX kiểu cũ thì đã rõ. Đó là các HTX không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của xã viên; nhiều HTX còn lúng túng, thiếu định hướng trong tổ chức hoạt động; đội ngũ cán bộ quản lý HTX hạn chế về năng lực. Thế nên, HTX Tịnh Trà khi hoạt động sẽ phải khắc phục được các điểm yếu trên.

Dự án đã xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh cho HTX Tịnh Trà, chú trọng phát huy thế mạnh trong sản xuất lúa giống của người dân địa phương. Theo đó, HTX sẽ hỗ trợ xã viên xây dựng vùng sản xuất lúa giống, cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Khu vực sản xuất lúa giống có quy mô khoảng 12ha, với 60 xã viên tham gia. Lúa giống được đăng ký sở hữu trí tuệ và đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Xã viên khi tham gia sản xuất lúa giống sẽ được cung cấp lúa giống với giá thấp hơn giá thị trường và sản phẩm làm ra được HTX đảm bảo thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, khi xã viên có nhu cầu, HTX sẽ đứng ra đại diện để ký hợp đồng mua nguyên liệu và dịch vụ đầu vào với giá thấp nhất. Như vậy, xã viên đã có lợi ngay từ việc sử dụng dịch vụ. Hằng năm, xã viên sẽ được chia lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh của HTX theo tỷ lệ góp vốn của mình.

Ngoài ra, HTX sẽ cung cấp dịch vụ cơ giới hóa ở các khâu: Làm đất, thu hoạch và chế biến nông sản, thủy lợi... với giá thấp hơn giá thị trường từ 20- 30%. Đến thời điểm này, HTX Tịnh Trà đã trang bị được 2 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày (trong đó có 1 máy cày hiện đại trị giá gần 500 triệu đồng), 1 máy sấy lúa được ngành nông nghiệp khuyên dùng, bước đầu hình thành nên đội cung ứng dịch vụ trong HTX.


Các vị trí trong Ban Chủ nhiệm HTX sẽ được những người có kiến thức chuyên môn và nhiệt huyết đảm nhận. Sau rất nhiều buổi làm việc, lựa chọn, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh, xã Tịnh Trà và những người thực hiện Dự án đã "chấm" được kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Chương vào vị trí Chủ nhiệm HTX. Hơn nữa, các cán bộ HTX đều là những người am hiểu về nông nghiệp và gắn bó lâu dài với địa phương. Có thể thấy, chỉ riêng về trình độ, Dự án đã chọn được những người đạt "chuẩn".

*PV: HTX Tịnh Trà có tính đến việc cung cấp rộng rãi sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường ngoài HTX không, thưa ông?

*ThS Phan Văn Hiếu: Để đáp ứng nhu cầu chung về cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra hoặc tạo việc làm cho xã viên, HTX Tịnh Trà được toàn quyền chủ động quan hệ với thị trường để tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo tôi, nếu HTX nào không kết nối được với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm làm ra thì HTX đó rất khó phát triển. Nhưng chỉ khi nào, HTX tạo được sản phẩm và dịch vụ chất lượng, thừa khả năng đáp ứng cho xã viên, thì việc tìm kiếm đối tác để cung cấp rộng rãi sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường mới được tính đến. Tất nhiên, quá trình tìm kiếm thị trường, đối tác thì HTX đã phải bắt đầu triển khai ngay từ khi thành lập và hoạt động ổn định.

PV: Xin cảm ơn ông!


                NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)
 


.