Nghị định 92 đã giải quyết những tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã

09:10, 12/10/2010
.

(QNg)- Ngày 22/10/2009 Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ ra đời có một nội dung quan trọng là giải quyết những tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã. Để hiểu rõ hơn về Nghị định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thạch-Giám đốc BHXH tỉnh về một số vấn đề có liên quan.

*PV: Xin ông cho biết Nghị định này có hiệu lực từ lúc nào, những đối tượng nào thuộc diện điều chỉnh của Nghị định này?

*Ông Đỗ Ngọc Thạch: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức vụ, chức danh hưởng sinh hoạt phí và đóng BHXH theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và thời gian đảm nhiệm chức danh khác có trong định biên được phê duyệt thuộc UBND, hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và đã đóng BHXH theo mức sinh hoạt phí của chức danh này, mà chưa hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần (kể cả các trường hợp đã có quyết định nghỉ chờ giải quyết chế độ, nhưng chưa gửi hồ sơ đến cơ quan BHXH) thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH, để hưởng BHXH theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành.

*PV: Nếu cán bộ xã chưa nhận trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, có thể tiếp tục tham gia các loại hình BHXH khác, để cộng nối thời gian làm ở xã trước đây được không, thưa ông?

*Ông Đỗ Ngọc Thạch: Thời gian đóng BHXH theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP nếu chưa hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần, thì được cộng với thời gian đóng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện để hưởng BHXH theo quy định của Luật BHXH. Thời gian đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành theo Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ  mà chưa hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH một lần, thì được cộng với thời gian đóng BHXH theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để hưởng BHXH theo quy định của Luật BHXH. Lưu ý là thời gian đóng BHXH theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP không được tính để hưởng chế độ ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

*PV: Nội dung quy định về việc truy nộp tiền đóng BHXH để làm cơ sở tính hưởng BHXH đối với những cán bộ xã có chức danh khác thuộc UBND có trong định biên được phê duyệt, đã được hưởng sinh hoạt phí của chức danh này nhưng chưa đóng BHXH như thế nào?

*Ông Đỗ Ngọc Thạch: Đối với những trường hợp đảm nhiệm chức danh khác thuộc UBND có trong định biên được phê duyệt, đã được hưởng sinh hoạt phí của chức danh này nhưng chưa đóng BHXH thì được truy nộp tiền đóng BHXH, để làm cơ sở tính hưởng BHXH. Thời gian truy nộp BHXH tính từ ngày 01/01/1998 đến ngày Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về CB,CC xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành (truy nộp đối với từng trường hợp cụ thể tính theo thời gian thực tế đảm nhiệm chức danh khác có hưởng sinh hoạt phí).
 
Mức truy nộp bằng 15% mức sinh hoạt phí của chức danh đó theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và được điều chỉnh tương ứng với mức tăng tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm truy nộp (trong đó cán bộ cấp xã đóng 5%, ngân sách nhà nước đóng 10%). Không thực hiện thu lãi số tiền truy nộp do chưa đóng, chậm đóng.

Nếu đối tượng thuộc diện trên mà chết trước ngày 01/01/2010, thì không phải thực hiện việc truy nộp tiền đóng BHXH, còn các đối tượng khác thuộc diện đều phải truy đóng.

*PV: Để thực hiện tốt chính sách đối với CB,CC cấp xã theo quy định tại Nghị định này, ngành BHXH Quảng Ngãi đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

*Ông Đỗ Ngọc Thạch: Theo văn bản hướng dẫn của ngành, BHXH tỉnh đã tổ chức thực hiện chế độ BHXH, BHYT theo quy định đối với CB,CC cấp xã (thu BHXH, BHYT; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; thực hiện chế độ BHXH, BHYT theo quy định và giải quyết tồn tại về chế độ BHXH đối với cán bộ cấp xã theo quy định); Phối hợp với UBND các cấp để thực hiện truy thu BHXH đối với cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh khác có trong định biên được phê duyệt thuộc UBND theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Nghị định số 09/1998/NĐ-CP chưa đóng BHXH; Hướng dẫn và thực hiện cấp Sổ BHXH cho trường hợp cán bộ cấp xã thuộc đối tượng được đóng BHXH, nhưng chưa được cấp sổ BHXH (kể cả trường hợp đã chết từ ngày 01/01/2010 trở đi);

Tổ chức rà soát về thời gian được tính hưởng BHXH đối với cán bộ cấp xã theo quy định hiện hành, để điều chỉnh vào sổ BHXH của CB,CC cấp xã theo quy định, đảm bảo đầy đủ, chính xác; tổ chức lưu trữ hồ sơ, căn cứ để xác định thời gian được tính hưởng BHXH theo quy định. Khi xem xét để xác định thời gian công tác (nhất là thời gian công tác trong quân đội, công an xuất ngũ, phục viên quy định tại điểm a, khoản 6 Điều 8 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC- BLĐTB&XH) phải đảm bảo đầy đủ các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định, để làm căn cứ giải quyết.
 
Đối với chức danh khác ngoài hồ sơ, giấy tờ gốc, cần kiểm tra, đối chiếu với danh sách hưởng sinh hoạt phí để xác định; Thực hiện chốt bảo lưu thời gian đóng BHXH vào sổ BHXH cho cán bộ cấp xã đã nghỉ việc theo quy định;

Căn cứ vào Sổ BHXH và quy định của chính sách, để giải quyết chế độ BHXH. Cán bộ xã sau khi bảo lưu thời gian đóng BHXH thực hiện giải quyết chế độ hưởng BHXH (chế độ hưu trí, BHXH một lần, chế độ tử tuất) như đối với các trường hợp người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH. Thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện, mẫu đơn, quyết định… để giải quyết đối với từng chế độ, thực hiện theo quy định về hồ sơ, quy trình giải quyết hưởng BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của BHXH Việt Nam.

P.V: Xin cảm ơn ông !
P.V (thực hiện)

.