Về miền Tây thưởng thức lẩu mắm

02:12, 19/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cần Thơ là vùng đất được mệnh danh là "Tây Đô", tức là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Lẩu mắm là một trong những món ăn đặc sản của vùng đất này...

Món lẩu mắm nghe thì đơn giản, nhưng nó có nét đặc trưng riêng và độc đáo. Nguyên liệu chế biến là tổng hòa các hương vị từ mắm, cá (có thể là cá bông lau, cá lóc, cá rô, cá chạch...). Vào mùa nước nổi, có thêm đĩa cá linh non thì càng hấp dẫn. Nhiều nơi còn có tôm, mực, nghêu, cá kèo... và nhiều loại rau được kết tinh dọc bãi bồi ven sông Hậu.

Lẩu mắm hấp dẫn người ăn thường có nhiều loại rau.
Lẩu mắm hấp dẫn người ăn thường có nhiều loại rau.


Chúng tôi về miền Tây trong mùa nước nổi. Dọc đôi bờ sông Hậu hoa nở đủ sắc màu. Vùng đất hiền hòa nên mỗi loài hoa, cỏ dại có thể trở thành rau dùng để ăn lẩu. Với người miền Trung, món mắm không lạ gì, nhưng với người miền Tây chế biến thành món lẩu với nhiều loại rau và trở thành món đặc sản đã đem lại sự tò mò cho nhiều người.

Đến Tây Đô không khó để tìm một quán lẩu mắm, bởi dọc ven đường có khá nhiều hàng quán. Tuy nhiên, để thưởng thức đúng vị lẩu mắm đặc trưng riêng của miền sông nước thì chúng tôi phải nhờ một tài xế taxi đưa đến một quán nằm sâu trong con hẻm. Từ đầu ngõ, gió thổi lồng lộng, mùi lẩu mắm đã hấp dẫn thực khách. Chị chủ quán nói giọng rặt miền Tây ngọt ngào đon đả mời khách.

Chỉ sau vài phút, một chiếc nồi đất đã được tráng men đựng đầy nước súp được chế biến từ mắm (mắm lọc lấy nước pha loãng) đặt trên bếp cồn đã để sẵn. Không khác nhiều với công đoạn ăn lẩu tươi ở miền Trung, cũng đĩa mực, tôm và một đĩa cá linh và vài thứ gia vị như ớt, sả... Trong nồi nước đã có sẵn thịt ba chỉ xắt miếng và được nêm nếm. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hai rổ rau. Vì rau quá nhiều, quá lớn nên thay vì để trên bàn ăn thì chủ quán phải kê trên giá đỡ để riêng hai đầu bàn.

Mùa nước nổi nên rau ăn lẩu mắm khá phong phú, nhiều chủng loại, với hơn 20 loại, toàn là rau đồng, rau vườn chỉ có ở vùng sông nước miền Tây. Ngoài các loại rau quen thuộc như rau muống, rau cải, mồng tơi, rau đắng, rau má, khổ qua, cà tím, rau hẹ, còn có rau nhút, kèo nèo, lục bình, rau chân vịt, cải trời, bông so đũa, bông bí, bông súng, bông điên điển, bắp chuối, đậu rồng, ngó sen và có cả nấm rơm...

Món lẩu mắm chưa ăn nhưng đã hấp dẫn bao người, vì màu sắc của rau. Màu xanh của lá mồng tơi, màu tím của hoa lục bình, màu vàng ươm của hoa điên điển cùng với màu trắng muốt của ngó sen, màu trắng trong của rau kèo nèo... đã tạo cho thực khách một vị giác ngon khó tả. Sau khi để nồi nước sôi vài dạo, người ăn có thể cho vào nồi nước tí ớt, sả đã xắt mỏng, rồi cho đĩa cá linh (một loại cá đặc sản trong mùa nước nổi) vào, sau đó nhúng rau vào là có thể dùng.

Ăn lẩu mắm thường kèm với bún. Khi ăn, tùy theo sở thích của mỗi người mà tự do chọn cho mình món rau để dùng. Ăn rau vừa chín tới, sẽ cảm nhận được vị đăng đắng, chan chát, chua chua, bùi bùi cộng với ớt thật cay lẫn với vị mắm đậm đà, vị ngọt thanh và có cả vị nhẫn của cá linh đã tạo nên dư vị khó quên.

Được thưởng thức lẩu mắm, được nghe, cảm nhận được văn hóa kinh doanh của người miền sông nước qua món lẩu mắm chúng tôi thêm một lần cảm phục và nhớ mãi món ăn dung dị của miền "gạo trắng nước trong".

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.