Người Việt gốc Hoa ở Quảng Ngãi

10:01, 31/01/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Xuôi theo những cánh buồm trên biển, người Hoa đã đặt chân đến rất nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, trong đó có Quảng Ngãi. Sống chung với người Việt, xuyên suốt chiều dài lịch sử di cư của mình, người Việt gốc Hoa ở Quảng Ngãi đã có công không nhỏ trong việc hình thành nên các thị trấn, thị tứ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
 
 
“Đô xưa” đóng ở Tiên Xà
 
Điểm đầu tiên mà người Hoa lựa chọn khi đặt chân đến vùng đất Quảng Ngãi là làng Tiên Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa), nơi kết thúc của hai dòng sông lớn nhất tỉnh là sông Trà và sông Vệ, vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Họ đã để lại nhiều dấu ấn riêng, góp phần quan trọng trong việc hình thành và mở rộng các thị trấn, thị tứ thời bấy giờ.
 
Ban đầu, người Hoa sống xen kẽ với người Việt. Sau đó, do giỏi trong việc làm ăn kinh doanh nên gia đình người Hoa nào cũng đều có của ăn của để. Họ bỏ tiền ra mua đất xây nhà, dồn lại ở với nhau và lập hẳn một khu phố riêng gọi là phố Thu Xà. Tên Thu Xà cũng bắt nguồn từ đó. Chỉ một thời gian rất ngắn, người Hoa đã biến nơi đây thành một khu phố sầm uất, là một trong những điểm giao thương hàng hóa bậc nhất.
 
Chùa Ông do người Việt gốc Hoa lập nên ở Thu Xà khi đến Quảng Ngãi.
Chùa Ông do người Việt gốc Hoa lập nên ở Thu Xà khi đến Quảng Ngãi.
 
Từ cửa Đông Tp.Quảng Ngãi, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Chánh Phước, một người Việt gốc Hoa (ngụ tại phường Nghĩa Lộ, Tp.Quảng Ngãi) hành trình về địa phương nói trên để hiểu rõ hơn nguồn gốc của cộng đồng dân cư đặc biệt này. Thu Xà nay đã khác nhiều, cả về quy mô lẫn tầm vóc. Tuy vậy, những dư âm xưa về khu phố cổ của tổ tiên vẫn hiện nguyên trong tâm thức của lão niên đã trạc ngoài 50 này.
 
Ông Phước kể với vẻ đầy tự hào rằng, nơi đây từng là nơi tiếp nhận, bốc dỡ hàng hóa từ ghe, thuyền ở các địa phương từ nơi khác đến và mang hàng hóa khác như đường, quế… vận chuyển đi khắp nơi, tới tận Hải Nam, Hải Vân (Trung Quốc). Bên cạnh đó, rất nhiều nghề truyền thống như bốc thuốc bắc, dệt chiếu, làm vàng mã cũng có đất “sống” trên miền đất mới, kinh tế người Hoa dần “phất” lên như diều gặp gió.
 
Không để đánh mất nguồn cội, người Hoa ở Thu Xà đã lập nên tổ chức Minh Hương xã (cộng đồng người Hoa sống vào triều đại nhà Minh), y hệt một số Minh Hương xã phân bố dọc các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung như: Hội An (Quảng Nam), Bình Định... Cùng với đó, nhiều ngôi chùa lớn được xây dựng nên với lối kiến trúc khá độc đáo, tiêu biểu như chùa Ông, các chùa Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam. 
 
Đường Duy Tân (Tp.Quảng Ngãi) một trong những nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
Đường Duy Tân (Tp.Quảng Ngãi) một trong những nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
 
Trải qua loạn lạc, chiến tranh cũng như sự biến đổi về dòng chảy, những công trình mang cả dấu ấn lịch sử và bề dày văn hóa ấy đã bị san phẳng, trầm mình dưới đáy sông sâu. Chỉ mỗi chùa Ông là còn khá nguyên vẹn. Bây giờ, ở Thu Xà cũng chỉ còn hơn 20 hộ gia đình người Hoa với hơn 70 nhân khẩu sinh sống. Tuy dân số có ít, nhưng với những đổi thay mà mảnh đất này “khoác” lên mình đều có sự đóng góp tích cực của người Hoa.
 
…. “Dời gót” lên trung tâm thị xã
 
Người Hoa sau đó di cư dần đến nhiều nơi khác trong tỉnh, trong đó nhiều nhất phải kể đến thị xã Quảng Ngãi (nay là thành phố Quảng Ngãi). Họ sống ở những con đường chạy quanh khu vực chợ trung tâm như Lê Trung Đình, Nguyễn Bá Loan, Duy Tân… với khoảng gần 1.000 người, chiếm phần lớn là người Triều Châu, Hải Nam. “Người Hoa bây giờ không khác gì người Việt. Giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt và phần lớn đều nhận mình là người Việt rồi”- ông Hùng Quốc Lương, Trưởng ban người Hoa gốc Triều Châu, cho hay.
 
Rất dễ để nhận biết nhà của người Hoa trong khu phố mọc lên đầy những nhà cao tầng hiện đại. Dù giàu hay nghèo, họ vẫn giữ cho mình một nét riêng trong cách bày trí.
 
Những ngày giỗ tiền hiền
Những ngày giỗ tổ tiền hiền, các lệ của người Hoa được tổ chức và duy trì thường xuyên.
 
Trong kinh doanh, người Hoa khá nhạy bén, biết tạo ra những sản phẩm đặc trưng của mình. Những cửa hàng với đủ ngành nghề được bày bán, nhà cách nhà chỉ vài sải chân, chẳng hạn: trà Kim Phát, mì Công Thành Hưng, thuốc bắc Ông Ích Tường và rất nhiều các cửa hàng bán kẹo gương, lồng đèn, nhang… được các thế hệ con cháu nối nghiệp.
 
Thành công hơn cả là việc người Hoa sớm phát hiện Quảng Ngãi là vùng dất của mía đường. Từ đường, họ đã tạo ra nghề làm kẹo gương, miếng kẹo trong suốt như pha lê và giòn tan, dễ vỡ như gương, với gần cả trăm cơ sở chế biến hiện có ở Tp.Quảng Ngãi. Bà Trần Thị Liếu, người nối nghiệp đời thứ 4 của  cơ sở kẹo gương Hoàng Yến, bộc bạch: “Kẹo gương vừa rẻ, vừa ngon, màu sắc hấp dẫn, là món quà đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Nói đến Quảng Ngãi là nói đến kẹo gương. Nói đến kẹo gương là nói đến những Hoa ở Thu Xà. Chúng tôi tự hào vì làm ra được loại đặc sản này cho quê hương thứ hai”.
 
Cùng với người Việt, cộng đồng người Hoa sống chan hòa, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
Cùng với người Việt, cộng đồng người Hoa sống chan hòa, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
 
Người Hoa đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Khi nhà nào đó khá giả thì quay sang giúp nhà khó khăn hơn mình chứ không tính toán thiệt hơn. Họ đề cao tính cố kết cộng đồng. Nhờ vậy, đời sống kinh tế ngày càng sung túc, mức sống bình quân luôn cao hơn cộng đồng dân cư khác. Khi việc giao thương phát triển, họ đồng tâm, hiệp lực với nhau quyên góp tiền của xây dựng lại Hội quán để nguồn cội của mình không bị mất. 
 
Ở thành phố Quảng Ngãi hiện có hai Hội quán mới được xây dựng là Hội quán Triều Châu nằm trên đường Lê Trung Đình và Hội quán Hải Nam nằm trong một con hẻm ở phường Nghĩa Lộ. Từ đó, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Hoa như ngày giỗ các bậc tiền hiền, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, các lệ Tế xuân, Tế thu, Đông chí… đều được tổ chức và duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, cộng đồng người Hoa còn tham gia tích cực vào các lễ hội lớn trong tỉnh, hòa nhập cùng người Việt.
 
Ông Đỗ Kiện Hoán, Chủ tiệm trà Kim Phát, cho rằng: “Đến Quảng Ngãi sinh sống đã lâu. Con cháu mình bây giờ đều mang hai dòng máu Hoa - Việt, cho nên tôi luôn dạy con cháu mình phải luôn sốt sắng trong việc giữ ghìn nét văn hóa truyền thống của cả hai nước, tăng cường mối đoàn kết các dân tộc”.
 
Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhận định: “Cùng với người Hoa ở khắp nơi, người Hoa ở Quảng Ngãi đã có nhiều đóng góp trong việc gầy dựng nên những trung tâm trao đổi hàng hóa ở nổi tiếng một thời ở Quảng Ngãi như Phố Thu Xà, các khu chợ ở các thị trấn, thành phố, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân. Đặc biệt, họ đã có công lớn trong việc tạo nên những đặc sản thương hiệu như mạch nha, kẹo gương. Với sự gắn chặt, hòa quyện, sống chan hòa, người Hoa ở Quảng Ngãi bây giờ đã luôn tự hào mình là một phần máu thịt của người Việt. Họ thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

CÁC TIN KHÁC
.