Cấm Ông Nghè

01:07, 10/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cấm Ông Nghề (hay còn gọi là Cấm Nghè Tộ) thuộc thôn Năng Tây 1, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa), là ngọn núi đá với hình thù kỳ vĩ, hữu tình. Nơi đây trước kia thuộc gia viên ông Nghè Nguyễn Diên Tộ, là nơi thưởng cảnh, đàm đạo thi thơ của ông và những người bạn hiền, tri kỷ.

TIN LIÊN QUAN

Ông Nghè Nguyễn Diên Tộ (sinh năm 1888, mất năm 1966), có vợ là bà Trương Thị Nhuận Thanh, người gọi vua Thành Thái bằng cậu ruột. Học vị “Nghè” của ông do Hàn lâm viện chiếu phong, không thông qua thi cử. Thuở xa xưa, dòng họ của ông Nghè Tộ là tiền hiền khai khẩn mảnh đất làng An Đại, nay là thôn Năng Tây 1, xã Nghĩa Phương. Ngọn núi đá cấm Ông Nghè do người làng tự đặt tên, nổi tiếng với khung cảnh hữu tình, nằm trong hậu viên khu nhà ở của ông Nghè. Người dân địa phương không được lại gần núi, nên đã gọi là “cấm”.

 

     Gian thờ trong nhà ở của ông Nghè Tộ
Gian thờ trong nhà ở của ông Nghè Tộ


Đến năm 1975, cấm Ông Nghè được giao cho địa phương quản lý. Khu nhà ở trong khuôn viên 1ha của ông Nghè Tộ vẫn để cho con cháu ông Nghè sinh sống. Hiện nay, khu nhà này vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa của nhà Việt. Gian thờ tổ tiên trong nhà chính có không gian trầm lắng. Hệ thống cột chèo được làm từ gỗ mít vẫn cứng cáp, 6 đầu rồng chạm trổ tinh xảo. Hoành phi và câu đối được sơn son thếp vàng, đều có trên 100 năm tuổi. Trong ngôi nhà nhiều vật dụng như bàn trang điểm của vợ ông Nghè, bàn ăn và các tủ quần áo xưa vẫn còn được sử dụng. Ông Nguyễn Tấn Vinh (1934), cháu đích tôn của ông Nghè Tộ cho biết: Cơn bão năm 1999, ngôi nhà bị hư hỏng phần mái nên gia đình đã phải thay mái ngói lợp âm dương thành ngói thường. Tuy nhiên mọi kiến trúc còn lại của ngôi nhà vẫn giữ nguyên, như thời ông Nghè tu sửa.

Cấm Ông Nghè tựa hình 1 quả xoài lớn, rộng 1,7 mẫu. Trước cấm Ông Nghè, bên phải là miếu thờ bà Chúa Ngọc (hay còn gọi là thần Thiên Y A Na), bên trái là miếu Ông, thờ Bạch Mã Thái Giám. Hằng năm, vào ngày 20.3 âm lịch, người dân thôn Năng Tây 1 cùng gia đình,  con cháu ông Nghè tổ chức lễ cúng tế tại miếu để cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa vụ tốt tươi.

Khu nhà ở của ông Nghè Tộ vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ.
Khu nhà ở của ông Nghè Tộ vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ.


Bên trong cấm, hàng trăm tảng đá đen với nhiều kích cỡ và chiều cao, xếp lên nhau, vô ý hữu tình tạo nên nhiều hang hóc với khung cảnh kỳ vĩ. Các tảng đá trên, có tảng cao đến 30m. Dân gian đã đặt nhiều tên gọi độc đáo như đá bàn, đá hang cọp, đá con cù… Người ngồi dưới hang đá, nắng không tới đầu, mưa cũng không ướt tóc. Bên cạnh những tảng đá đen là đa dạng chủng loại cây cối như chè he, vú bò, bồ đề, sanh và các loại dây leo… tạo nên màu xanh thẫm và che phủ cả cấm trong bóng mát. Ở đây có những cây lâu năm, thân to 2 người không ôm xuể, những chùm rễ trăm năm tuổi, bám vào đá núi tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, lạ thường.

Rất nhiều chim quý về đây làm tổ, sinh sống. Và người dân trong vùng cũng thường xuyên đến đây để nghỉ mát, ngắm cảnh và vui chơi. Từ tảng đá cao nhất của cấm, có thể nhìn thấy toàn cảnh xã Nghĩa Phương, với con sông Cầu Cát ở phía bắc và sông Cây Bứa ở phía nam. Khung cảnh sông nước êm đềm bên đồng ruộng vô cùng thơ mộng. Nơi đây đầy tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Ngày 25.10.1993, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận cấm Ông Nghè là di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác bảo quản và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử và du lịch của cấm vẫn còn bỏ ngỏ. Vài năm trở lại đây, nhiều đối tượng lợi dụng địa thế hoang vu đã vào cấm tiêm chích ma túy. Do không có ai bảo vệ, nhiều cây lớn trong cấm bị chặt phá, đá bị khai thác, xâm lấn bừa bãi. Bên cạnh đó, khu nhà ở của ông Nghè Tộ cũng đã xuống cấp. Để bảo tồn và phát huy di tích cấm Ông Nghè, rất cần sự quan tâm, quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: Hà Xuyên
 


CÁC TIN KHÁC
.