Huyền thoại một con đường

10:05, 02/05/2013
.

(QNg)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường Trường Sơn huyền thoại ấy còn có tên gọi khác là đường Hồ Chí Minh đã oằn mình chở hàng ngàn tấn vũ khí, quân trang, quân dụng, con người từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt, góp phần quan trọng làm nên đại thắng Mùa xuân 1975.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường Trường Sơn băng đại ngàn chạy dọc qua bán đảo Đông Dương mang trên mình một sứ mệnh lịch sử vô cùng lớn lao. Nơi đây vừa là công trường vừa là chiến trường, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất với vũ khí hiện đại nhất của đế quốc Mỹ. Xuyên suốt những năm tháng lịch sử đó, có trên 4 vạn công binh, TNXP… đào đắp trên 28 triệu m3 đất, kiến thiết một hệ thống cầu đường gần 20.000km đường ô tô, 500km đường sông, 1.400km đường ống xăng dầu để chi viện 1,3 triệu tấn vũ khí, vật chất thiết yếu, đưa trên 2 triệu lượt người chi viện cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu, nhằm thẳng quân thù mà bắn, quay nòng pháo theo bánh xe lăn; Máu có thể đổ, đường không tắc; Còn người, còn xe, còn hàng; Tất cả vì Miền Nam ruột thịt,... đã làm nên một con đường huyền thoại…

 

Tượng đài Khe Sanh (Quảng Trị).
Tượng đài Khe Sanh (Quảng Trị).


Chiến tranh kết thúc, giang sơn thu về một mối, cung đường ấy lại mang trên mình một sứ mệnh mới. Đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và hoàn thành với tổng chiều dài 3.183km đi qua 28 tỉnh, thành phố, với biết bao mồ hôi, nước mắt đã thấm xuống từng tấc đất để có được một con đường hoành tráng giữa đại ngàn Trường Sơn hôm nay.

Những ngày tháng 4, chúng tôi có dịp đi qua cung đường lịch sử này, đoạn từ tỉnh Quảng Trị đến Nghệ An. Dọc con đường Trường Sơn lộng gió là những vườn cao su, rừng keo lai, rẫy mỳ… xanh ngút ngàn. Xa xa là những thị trấn, thị tứ, cửa khẩu với những dãy phố sầm uất, những ngôi nhà cao tầng… Mỗi địa phương đi qua, chúng tôi đều bắt gặp những di tích lịch sử, những nghĩa trang, những dấu tích của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và đổi thay của những vùng quê anh hùng. Dải lụa Trường Sơn vắt qua với những công trình cơ sở hạ tầng hiện đại đã mang ánh sáng văn minh về với gần 200 xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa của cung đường. Đây là tiền đề để các địa phương phát huy có hiệu quả các nguồn lực. Từ TP. Đông Hà rẽ về hướng tây qua địa phận huyện Cam Lộ và Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) là những rừng keo bạt ngàn của đồng bào Vân Kiều, Pako. Những đổi thay của vùng “đất chết” ngày nào khiến chúng tôi thật sự khâm phục trước những nỗ lực của người dân nơi đây.

Các bạn ĐVTN chụp ảnh lưu niệm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Các bạn ĐVTN chụp ảnh lưu niệm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).



 Hành trình đưa đoàn chúng tôi qua địa phận tỉnh Quảng Bình, với những đoạn đường thẳng tắp chìm ẩn trong sương mờ sát với những vách núi đá vôi biên giới Việt-Lào, tạo ra một khung cảnh mờ ảo thật lung linh. Hai bên cung đường là những rừng cao su bạt ngàn như một miền Đông Nam Bộ giữa khúc ruột miền Trung. Loài cây được ví là “vàng trắng” này đã giúp hàng nghìn người dân nơi đây có cuộc sống ấm no. Thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) kết nối với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng tạo ra một điểm đến khá lý thú. Những dãy nhà san sát, những công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng khang trang, khiến cho những người lần đầu tiên đến đây cứ ngỡ là một phố thị ở đồng bằng.

Đổi thay ấy cũng hiện lên trên những cung đường qua các bản làng trên địa bàn huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh); Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn (Nghệ An). Đêm xuống, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chẳng khác nào một thành phố giữa đại ngàn Trường Sơn. “Phố” núi về đêm lung linh và thật thú vị, khắp các ngả đường, người dân đổ ra đường dạo phố, những quán cà phê, công viên đông đúc. Những món hàng ăn nhẹ trong đêm mang đậm đặc sản phố núi được bày bán khắp nơi như muốn níu chân du khách…


Bài, ảnh: TRẦN LÊ ĐỨC
 


CÁC TIN KHÁC
.