Người phục dựng kinh thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa

09:09, 21/09/2011
.

(QNg)- Tại "Tuần lễ văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi" lần đầu tiên chiếc kinh thuyền (hay còn gọi là ghe câu) của đội Hoàng Sa, đội thủy binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trên đất liền. Đây là phương tiện để đưa phu binh đi tuần thú, đo đạc thủy trình, lập miếu, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ cuối thế kỷ XVI đến những năm 50 của thế kỷ XIX. Người phục dựng kinh thuyền chính là "ông đồ già" của huyện đảo Lý Sơn - ông Võ Hiển Đạt (ở thôn Tây, xã An Vĩnh). 
 
 

Huyện đảo Lý Sơn có vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Đông Việt Nam. Bên cạnh tiềm năng du lịch, Lý Sơn còn được biết đến là nơi lưu giữ những tài liệu quý về Hoàng Sa. Trên đất đảo này ông Võ Hiển Đạt được nhiều người biết đến không hẳn vì ông đang giữ kỷ lục về thời gian "tại chức" ở một ngôi đền được coi là thiêng nhất Lý Sơn hiện nay - Âm Linh Tự, mà ông còn là "bảo tàng sống" của đảo với vốn chữ Hán uyên thâm.
 
Ông Võ Hiển Đạt đang giới thiệu chiếc kinh thuyền cho sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồng.
Ông Võ Hiển Đạt đang giới thiệu chiếc kinh thuyền cho sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồng.

Bất chấp tuổi già, hễ việc gì liên quan đến Hoàng Sa là ông lao vào với niềm say mê để góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài việc đã phát hiện ra "Tờ lệnh" có từ thời Minh Mạng điều binh phu đi Hoàng Sa được dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hồ cất giữ suốt 175 năm qua, ông còn biết chế tác những hiện vật và hình ảnh của đội hùng binh trấn giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm xưa, đặc biệt là chiếc kinh thuyền mà đội binh phu sử dụng mỗi khi giong buồm ra Hoàng Sa.

Khi được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đặt làm hai chiếc thuyền ghe để trưng bày tại buổi triển lãm "Quảng Ngãi - di sản văn hóa biển, đảo" nằm trong Tuần Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi, khiến ông Đạt vừa mừng vừa lo. Mừng là được làm công việc mà ông hết sức yêu thích, lo vì đây là minh chứng hào hùng về một thế hệ đã quên mình để bảo vệ Tổ quốc, là cốt cách cha ông để lại nên phải làm thật cẩn thận.

Để làm chính xác từng chi tiết một, đúng với kiểu dáng mà tiền nhân đã sử dụng, ông đã phác họa con thuyền trên giấy và tìm đến những người già trên đảo còn lưu giữ các ghi chép về thuyền cổ để mô phỏng lại những con thuyền huyền thoại cũng như những vật dụng mà họ đã mang theo khi rời đất liền. Đã nhiều năm khôi phục những tư liệu về đội hùng binh Hoàng Sa, nhưng khi phục dựng thuyền câu khơi, các chi tiết đặc biệt trên thuyền lại khiến ông Đạt rơi nước mắt.

Từ thời nhà Nguyễn, những hùng binh can trường của Lý Sơn trước khi giong buồm ra Hoàng Sa, ngoài số lương thực đủ ăn cho sáu tháng, họ không quên đem theo ba sợi dây mây và một chiếc chiếu để nếu có chuyện bất trắc thì chiếc chiếu, được dùng bó xác, sợi mây dùng để cột xác thả xuống biển thủy táng. Nếu họ chết, đồng đội sẽ dùng chính những thứ này để bó thi thể người xấu số thả xuống biển, với mong muốn xác sẽ trôi dạt được về quê hương, bản quán.

Ròng rã hai tháng trời miệt mài quên ăn quên ngủ, ông Đạt và 2 người thợ cuối cùng đã phục dựng xong chiếc thuyền huyền thoại, với kiểu dáng giống thuyền buôn gồm 2 cột buồm, mái chèo, găng điều khiển (theo mô tả mỗi khi biển động, nhẹ thì người thủy thủ buộc đá vào găng để giữ thuyền cân bằng, sóng mạnh thì người phải ngồi trên găng để giữ thăng bằng…), cùng các vật dụng thiết yếu mà những người lính đã từng sử dụng (từ bó dây đến nồi soong, bếp, lu đựng nước, lưới đánh cá…).

Ông Đạt cho hay, ông may mắn được một vị cao niên trên đảo cho xem một bản in hướng dẫn cách làm thuyền câu khơi của đội hùng binh Hoàng Sa. Chiếc thuyền câu khơi ngày đó dài khoảng 10-12m, rộng 2,5-3m, cao 0,8-1m, có hai cột buồm, trọng tải 5-6 tấn, chứa được 7-8 người. Chỉ với chiếc thuyền câu mỏng manh, tận dụng sức gió và bơi chèo, ngư dân Quảng Ngãi từ trước thế kỷ XVI đã đặt chân lên các hòn đảo ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên chiếc thuyền câu phục dựng lại nhỏ hơn như thế nhiều, do đó phải tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết.

Ngoài chiếc thuyền câu khơi do ông Đạt phục dựng đã được trưng bày tại Bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên đảo Lý Sơn, thì đây là lần đầu tiên chiếc kinh thuyền được giới thiệu trong đất liền và sau đó sẽ đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. "Việc phục dựng Kinh thuyền Hoàng Sa trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong Tuần lễ Văn hoá biển, đảo ở Quảng Ngãi lần này như là bằng chứng khẳng định rõ ràng chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" - ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Đạt vẫn chưa một ngày cho phép mình nghỉ ngơi. Người dân trên đảo Lý Sơn hằng ngày vẫn thấy ông chậm rãi đi đến những dòng họ tiền hiền trên đảo, tiếp tục tìm những cứ liệu về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

CÁC TIN KHÁC
.