Điểm nhấn nào cho đô thị Quảng Ngãi

02:07, 23/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- TP.Quảng Ngãi đang trên đường tăng tốc phát triển với xu thế hướng biển và lấy sông Trà Khúc làm trung tâm, để định hình đô thị. Tuy nhiên, đô thị TP.Quảng Ngãi vẫn chưa có điểm nhấn rõ nét...

TIN LIÊN QUAN

Thiếu không gian xanh

Ở vùng nội đô TP.Quảng Ngãi, từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy nhà cửa và các cơ quan hành chính mọc lên nối tiếp nhau. Thi thoảng là những khoảng đất trống xen kẽ. Đô thị Quảng Ngãi đang thiếu không gian xanh, đất công cộng lại quá hẹp, trong khi các công trình xây dựng mọc lên ngày càng nhiều, khiến cho đô thị trở nên nóng nực.

 Sông Trà Khúc sẽ là điểm nhấn trong phát triển đô thị Quảng Ngãi trong tương lai.                                                     Ảnh: L.Đức
Sông Trà Khúc sẽ là điểm nhấn trong phát triển đô thị Quảng Ngãi trong tương lai. Ảnh: L.Đức


Nếu như các đô thị Đà Lạt, Huế, Hội An... lấy không gian xanh làm nền tảng cho phát triển đô thị, thì việc phát triển đô thị xanh ở TP.Quảng Ngãi chỉ dừng lại ở... cây xanh vỉa hè, công viên Ba Tơ và vài công viên mini... Thiếu vắng mảng xanh chính là “điểm yếu” đối với một đô thị trẻ như Quảng Ngãi. Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, bất lợi của TP.Quảng Ngãi là ngay từ đầu xây dựng đô thị tỉnh chỉ tập trung cho hạ tầng bê tông cốt thép, nhà kính, để tăng tốc phát triển, mà “quên” việc xây dựng không gian xanh, không gian công cộng.
 

Đề án phát triển đô thị Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030, UBND TP. Quảng Ngãi đề xuất mức kinh phí để thực hiện dự kiến khoảng 25.516 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật 15.673 tỷ đồng, hạ tầng xã hội 9.730 tỷ đồng, quy hoạch chiếm 112 tỷ đồng.

Đi tìm hình hài mới

Một trong những nguyên nhân khiến đô thị TP.Quảng Ngãi hiện hữu trở nên rối là do nguồn lực đầu tư, cộng với nhận thức và trình độ quản lý còn hạn chế. Trong quá trình đô thị hóa, việc khai thác, sử dụng quỹ đất ở đây chưa hợp lý, thậm chí không theo quy hoạch và kế hoạch dài hạn.

Đô thị trẻ TP.Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển trong tương lai, nhất là có núi, có sông, có đồng, có biển, sau khi mở rộng địa giới hành chính. Đặc biệt, quỹ đất sạch rất lớn là điều mà không phải đô thị nào cũng có được.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 TP.Quảng Ngãi sẽ được xây dựng phát triển trọng tâm hai bên bờ sông Trà Khúc, gắn kết chặt chẽ với KKT Dung Quất. Không gian đô thị hướng biển, liên kết với khu du lịch biển Mỹ Khê, biển Nghĩa An, cảng Sa Kỳ; đồng thời được phân theo 4 vùng chức năng cơ bản: Vùng trung tâm thành phố, vùng mặt tiền bờ sông, vùng công viên sinh thái và vùng biển.

Đặc biệt, việc quy hoạch đô thị dọc theo hai bên bờ sông Trà Khúc, đoạn từ cầu Trà Khúc 2 đến cửa Đại, với chiều rộng mỗi bên trung bình 200m, quy mô khoảng 250ha. Đây là khu vực giữ vai trò quan trọng về không gian kiến trúc, cảnh quan của TP.Quảng Ngãi, có tiềm năng, giá trị khai thác cao và một trong những hạt nhân thúc đẩy sự phát triển đô thị.

Rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) sẽ trở thành điểm nhấn của công viên trung tâm tỉnh Quảng Ngãi.                                                                  Ảnh: Đ.SƯƠNG
Rừng dừa nước Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) sẽ trở thành điểm nhấn của công viên trung tâm tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.SƯƠNG


Theo tiến sĩ, kiến trúc sư Tô Văn Hùng, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cái chung và cũng là điểm yếu trong quá trình phát triển của các đô thị mới là “chạy theo” hạ tầng, nhưng thực tế hạ tầng chỉ là cái vỏ của đô thị. Muốn đô thị phát triển bền vững và hiện đại, thì quá trình quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược từ 100 năm trở lên. Trong đó, đô thị hiện hữu đã có thì xem như chuyện đã rồi, nên cần phải hạn chế cấp phép xây dựng mới quá nhiều cao ốc hoặc khu dân cư nhà phố.

“Phát triển đô thị không chỉ tập trung vào mỗi hạ tầng, mà Quảng Ngãi cần dựa vào lợi thế đang có để phát triển. Phải xây dựng những điểm nhấn riêng, tạo sự khác biệt về kiến trúc, quy hoạch..., nhưng phải lấy điểm mạnh làm trọng tâm. Chẳng hạn phải tạo được sự kết nối của đô thị hướng biển với đảo Lý Sơn, với các danh lam thắng cảnh. Quá trình đầu tư phải giữ được vẻ tự nhiên vốn có, để tăng sức hút từ các nhà đầu tư cũng như người dân”, tiến sĩ Tô Văn Hùng chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng, tỉnh rất chú trọng việc quy hoạch, xây dựng đô thị; đồng thời mạnh dạn đi tìm “hình hài” mới cho đô thị, để tạo sự khác biệt. Trong đó, sẽ học hỏi việc quy hoạch, xây dựng của một số thành phố khác để áp dụng. Dù vậy, đặc trưng đô thị Quảng Ngãi là đô thị trẻ, lấy sông Trà Khúc làm trọng tâm.

“Việc đầu tư để phát triển hạ tầng ở đâu cũng vậy, cái khác nhau giữa đô thị này với đô thị kia "ăn nhau" ở sản phẩm. Quảng Ngãi có công viên địa chất toàn cầu, có những sản phẩm du lịch đặc sắc, có đảo Lý Sơn đang là điểm đến lý tưởng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dự kiến xây dựng một công viên kết hợp phát triển du lịch sinh thái lấy rừng dừa nước Tịnh Khê là điểm nhấn với diện tích khoảng 100ha. Ngoài ra, Công ty Hào Hưng cũng đang có ý định đầu tư khu thương mại dịch vụ kết hợp du lịch tại bờ bắc sông Trà. Tôi tin, đô thị Quảng Ngãi trong tương lai sẽ khác lạ, nhưng hiện đại”, ông Hoàng chia sẻ.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 

Tạo sự khác biệt trong phát triển đô thị

 

Đó là quan điểm của kiến trúc sư (KTS) Phan Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP phát triển đô thị Angkora về việc quy hoạch, xây dựng và tạo điểm nhấn cho đô thị trung tâm Quảng Ngãi.

Lợi thế của Quảng Ngãi khá rõ rệt khi có sông, có núi, có biển để tạo điểm nhấn. Không cần tìm đâu xa, tìm điều gì mới mà chỉ cần phát huy hết tiềm năng và lợi thế những gì đang có, tôi tin đô thị Quảng Ngãi không những phát triển mạnh mẽ mà sẽ tạo điểm nhấn nổi bật, tạo sự khác biệt so với các đô thị ven biển khác, KTS Phan Thanh Hải nói.

PV: Từng tham gia nhiều đồ án quy hoạch lớn, ông cho biết đô thị TP.Quảng Ngãi đang phát triển theo hướng nào?

KTS. PHAN THANH HẢI: Chúng ta đang quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây không phải là trào lưu mà là xu thế tất yếu cho các đô thị Việt Nam cũng như thế giới. Đô thị Quảng Ngãi không nằm ngoài quy luật này.

PV: TP. Quảng Ngãi có những lợi thế gì để phát triển đô thị?

KTS. PHAN THANH HẢI: Quảng Ngãi nằm ở đoạn giữa của đất nước, có hạ tầng giao thông thông suốt, có quỹ đất, địa hình, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và con người là những lợi thế để phát triển.

PV: Như ông nói đô thị Quảng Ngãi có nhiều lợi thế, vậy làm thế nào để phát huy, tạo sự khác biệt?

KTS. PHAN THANH HẢI: Những nhân tố chính làm nên sự khác biệt đó là văn hóa, con người, địa hình và cảnh quan. Nếu chúng ta biết khai thác tối đa các giá trị địa hình và cảnh quan thiên nhiên, phát triển hạ tầng xanh, không gian hài hòa, kiến trúc thân thiện môi trường, tăng các không gian xanh, không gian công cộng, gia tăng kết nối cộng đồng... thì đây sẽ là một trong những yếu tố tạo sự khác biệt.

PV: Ông có những đề xuất gì để phát triển TP.Quảng Ngãi?

KTS. PHAN THANH HẢI: Tái cấu trúc đô thị hiện hữu (đô thị trung tâm); xây dựng trục cảnh quan chủ đạo dọc hai bên sông Trà, khai thác yếu tố mặt nước, tăng cường không gian xanh, không gian công cộng, không gian mở, không gian giao tiếp cộng đồng... tạo sức hút cho đô thị; phục hồi hệ sinh thái biển để phát triển du lịch; hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội, đặc biệt là y tế và giáo dục. Quan tâm hơn về vấn đề nước thải và môi trường; nâng cao thẩm mỹ đô thị từ những tiện nghi đô thị, chiếu sáng nghệ thuật.


NGỌC QUANG (thực hiện)

 


.