Thu phí sử dụng đường bộ: Vì sao đạt thấp?

07:08, 16/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Nghị định 18/CP của Chính phủ, việc thu phí sử dụng đường bộ (TP) đối với mô tô và xe máy được thực hiện từ 1.1.2013. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai nên kết quả thu đạt được rất thấp.

Chưa mặn mà thu…

Quảng Ngãi có khoảng 450.000 xe máy, trong đó xe có dung tích xi lanh trên 100cm3 là 315.000 chiếc và 135.000 chiếc có dung tích xi lanh dưới 100cm3. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6.2014, các địa phương chỉ thu được 9,5/82 tỷ đồng, đạt 11,5% so với KH. Riêng huyện Lý Sơn chưa triển khai thu. Các huyện khác tuy có triển khai, nhưng kết quả đạt rất thấp. Các địa phương: TP.Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Tây, Ba Tơ, Sơn Hà chưa hoàn thành việc thống kê số phương tiện để lập kế hoạch thu phí.
 

Theo quy định, mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh đối với mô tô có dung tích xi lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/xe/năm; đối với phương tiện có dung tích xi lanh trên 100cm3 là 110.000 đồng/xe/năm và đối với phương tiện xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi lanh là 2.160.000 đồng/xe/năm. Trong đó, số thu ở xã, phường của thành phố và thị trấn được để lại 10%; số thu trên địa bàn các xã để lại 20%, số còn lại nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh.

Trong đó, TP.Quảng Ngãi có 16/23 xã phường đã kê khai, nhưng chỉ có 5 xã, phường được giao KH thu và 7 xã, phường chưa triển khai. Các huyện Sơn Tịnh, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây, Tây Trà, có từ 3-6 xã chưa triển khai KH thu. Và nhiều nhất là huyện Sơn Hà có tới 10/14 xã, thị trấn chưa triển khai KH thu... Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tổ chức chỉ đạo, đôn đốc công tác thu, nộp phí.

Ông Hồ Văn Hoàng - Trưởng thôn Tang, xã Trà Bùi (Trà Bồng) cho rằng: Việc trưởng thôn được giao nhiệm vụ đến các hộ dân kê khai thu phí, nhưng nhiều gia đình không có nhà, hoặc chủ xe chây ỳ thì khó thu lắm. Thông tư, Nghị định không nêu chế tài xử lý người không nộp nên chúng tôi rất ngại đi thu. Cùng là người tham gia giao thông, nhưng không thể chấp nhận người đóng, người không.

Nếu các cơ quan chức năng không sớm tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này thì trước mắt cũng như lâu dài khó thu được tiền để bảo đảm công bằng!  Quảng Ngãi vẫn còn đường đất. Thêm vào đó, biên lai thu phí cũng là vấn đề khá quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Bởi hiện nay, biên lai khá mỏng, các số hiệu, số xe, số tiền được viết tay nên rất nhanh nhòe. Nếu không mang theo khi tham gia giao thông thì sợ phạt; nhưng mang theo 1 - 2 tháng đã nhòe chữ hoặc rách. Thêm vào đó, vấn đề thu phí của những người sử dụng xe không chính chủ, xe mua bán từ địa phương này sang địa phương khác sử dụng thì giải pháp thu ra sao để tạo sự công bằng và nâng cao trách nhiệm của người dân.

Ông Đinh Văn Ốc (xã Sơn Dung) cho rằng, nhà tôi có xe máy, nhưng có thấy cán bộ xã, thôn đến thu đâu mà nộp. Nếu họ thu thì mình nộp. Nhà nước có quy định thì mình phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, để công bằng thì cán bộ thôn, xã phải thu đúng, thu đủ không được thu người này, không thu người kia. “Đến nay chúng tôi chưa thấy cán bộ đến thu nên chưa nộp. Gia đình tôi có 2 xe máy, nhưng cơ chế thu như hiện nay chưa rõ ràng và có rất nhiều người không nộp phí nhưng không bị xử lý”, chị Huỳnh Mỹ Lan, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi băn khoăn.

Cần có chế tài mạnh…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến nay, Cảnh sát giao thông (CSGT) chưa tiến hành kiểm tra, xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy không nộp phí là bởi không có quy định nào nói đến việc CSGT phải có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt việc không nộp phí. “Đầu năm 2014, tôi nộp phí năm 2013 và 2014 cho cán bộ thôn. Khi nộp, họ nói khi CSGT kiểm tra thì xuất trình biên lai này. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy CSGT phạt lỗi vi phạm Luật Giao thông, chứ không ai hỏi biên lai nộp phí. Việc không kiểm tra sẽ không biết được ai đã đóng, ai chưa đóng. Liệu có công bằng, bởi vì mối quan hệ nào đó sẽ có nhiều người trưởng thôn không thu”, ông  Nguyễn Văn Phúc, xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi thắc mắc.

Nếu thu đúng, thu đủ phí sử dụng đường bộ thì mỗi năm toàn tỉnh có nguồn kinh phí khá lớn.   Ảnh:P.D
Nếu thu đúng, thu đủ phí sử dụng đường bộ thì mỗi năm toàn tỉnh có nguồn kinh phí khá lớn. Ảnh:P.D


Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lan- Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Quảng Ngãi, muốn thu phí đạt cao thì phải có chế tài xử phạt việc chậm nộp giống như cách thu phí và thuế khác. Do thiếu chế tài nên không chỉ TP.Quảng Ngãi mà nhiều địa phương khác cũng lúng túng trong việc thu phí dẫn đến có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Việc quản lý biên lai lỏng lẻo dễ dẫn đến tiêu cực. Công tác thuế là quản lý tiền và biên lai đi liền với nhau, nhưng việc thu phí sử dụng đường bộ hiện mới quản lý tiền, còn biên lai thì không.

Nguồn thu phí này lớn gấp cả chục lần nguồn thu thuế phi nông nghiệp. Tuy nhiên việc quản lý nguồn thu phi nông nghiệp rất hiệu quả, nhưng quản lý thu phí sử dụng đường bộ hiện rất kém. “Nếu giao ngành thuế thì ngành thuế tiến hành lập bộ, quản lý, xác định nợ, từ đó có chế tài xử lý đối với người chậm nộp. Còn nay, có người nộp, người không, đơn vị này thu tốt, đơn vị khác không triển khai nhưng chẳng có ai bị xử lý hay khen thưởng gì. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất khó thu ở những năm sau”, bà Lan cho biết.

Việc UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện công tác truy thu những cá nhân chưa nộp phí năm 2013 và thu năm 2014, khiến lãnh đạo nhiều xã, phường bày tỏ sự quan ngại, lo lắng bởi khó hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân là do cuối năm 2013, việc thu phí đã rất khó khăn, nên năm 2014, việc tổ chức truy thu càng khó hơn, thậm chí không thể làm được. Để làm được việc này, một số địa phương kiến nghị, ngay từ bây giờ cần tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp không nộp phí năm 2013. Có như vậy, các chủ phương tiện mới tự giác “tìm” đến UBND xã, phường để nộp phí. Nếu không, việc thu phí ở cơ sở sẽ rất khó khăn.  
                  

Ông Lê Nhân - Phó Giám đốc Sở GTVT: Việc thu phí sử dụng đường bộ đạt rất thấp là do các địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Lý Sơn đến tháng 8 này vẫn chưa động tĩnh gì đến việc truy thu phí năm 2013 cũng như thu năm 2014. Không chỉ Lý Sơn mà ngay cả phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi gần nhà tôi cũng chưa thấy cán bộ đến thu. Nếu không có sự quyết liệt của cán bộ thôn, xã, phường, thị trấn thì khó mà thu được. Ra quy chế, nhưng chưa có chế tài đi kèm thì người dân chưa sợ nên chưa nộp. Nếu không có chế tài thì quả là khó thu đối với những đối tượng chây ỳ.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Huyện đã triển khai đến tất cả các xã; đồng thời có nhiều văn bản đôn đốc, nhưng thu chưa được. Nguyên nhân là sự vào cuộc của xã chậm, người dân thì không nộp. Ban Thường vụ Huyện ủy giao xã tổ chức thu, nhưng khi gặp sự chây ỳ của người dân thì việc thu phí trở nên khó khăn. Thêm vào là việc tuyên truyền, vận động nhân dân nộp phí chưa sâu rộng nên chưa có sự chuyển biến. Do nguồn thu trên địa bàn ít mà địa phương dùng chế tài xử lý như đối với thu thuế thì cũng khó cho địa phương .

Ông Bùi Đức Thạch - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung (Sơn Tây): Thực hiện Nghị định 18/CP của Chính phủ và Quyết định 38 của UBND tỉnh, đến tháng 6.2014, xã thu được 25 triệu đồng. Tuy nhiên, điều bất cập trong việc thu phí ở Sơn Dung là chưa đảm bảo công bằng. Điều này dễ trở thành cái cớ để người dân chây ỳ không đóng. Thêm vào đó là việc so bì giữa hộ không nghèo với hộ nghèo. Sơn Tây, nhiều hộ có xe máy xịn, nhưng không bị thu phí vì gia đình họ là hộ nghèo. Điều này dẫn đến địa phương khó thu phí của những người có cuộc sống trung bình và họ sắm xe máy là để làm kế sinh nhai...

Ông Nguyễn Hữu Vị - Chủ tịch UBND phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi): Năm 2013, phường thu được 315 triệu đồng vượt KH và đang thu nợ 50,5 triệu đồng của hộ kê khai bổ sung. Năm 2014, phường có kế hoạch thu 379 triệu đồng. Đến nay, nhiều tổ đã thu xong. Tuy nhiên, việc truy thu phí năm 2013 đối với một số hộ dân, kể cả cán bộ, đảng viên gặp nhiều khó khăn, bởi họ cố tình không đóng vì không có chế tài xử lý. Thêm vào đó, người dân so bì phường Trần Phú làm tốt, nhưng các xã, phường khác không thu cũng chẳng bị phê bình, kiểm điểm, người dân cũng chẳng bị phạt khiến việc thu phí gặp nhiều khó khăn. Do đó cần có chế tài thưởng - phạt công minh.

Bà Dương Thị Thu Dung - kế toán phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi): Không phải phường triển khai chậm mà do huyện Sơn Tịnh triển khai muộn nên đầu năm 2014 phường mới thu phí. Đã vậy, tháng 11.2013, phường bị ảnh hưởng lớn của đợt lũ lịch sử nên cán bộ tổ dân phố đi thu phí rất khó khăn. Để hoàn thành kế hoạch, kế toán xã cùng tổ dân phố, KDC phải đến từng gia đình vào ban đêm để thu phí. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ không nộp và mình cũng chẳng có chế tài bắt họ nộp. Vì vậy, kết quả thu ở KDC chỉ đạt 60%. Chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc nộp phí của người tham gia giao thông; đồng thời có chế tài xử lý đối với những ai chây ỳ.

 

            PV

 


.