Mặt bằng cho các dự án: "Gồ ghề", do đâu?

10:05, 25/05/2012
.

(QNg)- Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) và giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quyết định tiến độ thực hiện dự án (DA). Công tác này mặc dù tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện, song vẫn còn không ít hạn chế.

TIN LIÊN QUAN


Quan điểm của các cấp chính quyền trong bồi thường, hỗ trợ, TĐC và GPMB là giải quyết hài hòa lợi ích của người dân có đất bị thu hồi với lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này thường bị "vướng".

"KHÓ" DO CÁCH LÀM:

Ở tỉnh ta, việc cụ thể hoá một số văn bản của Trung ương còn lúng túng, chưa cụ thể; đơn giá bồi thường còn những điểm bất hợp lý, thiếu sót nhưng chậm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Đơn giá đất do UBND tỉnh quy định cho từng năm, phần lớn năm sau cao hơn năm trước, trong khi các phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC thường được duyệt vào cuối năm nên khó thực hiện, vì người dân có tâm lý chờ Nhà nước ban hành giá mới. Thêm vào đó, thời gian qua, chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn tỉnh không nhất quán.

"Vướng mắc" trong khâu GPMB làm cho không ít con đường ở thành phố Quảng Ngãi cứ "thụt, thò" như thế này.


Một số DA như: DA Hạ tầng kỹ thuật KDC trục đường Bàu Giang-Cầu Mới, DA Trường ĐH Phạm Văn Đồng, DA Hồ chứa nước Nước Trong... tỉnh cho một số cơ chế, chính sách bồi thường đặc thù thông thoáng hơn, dẫn đến người có đất bị thu hồi ở các DA khác so bì, khiếu nại. Ngoài ra, cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, nên xảy ra tình trạng người có đất bị thu hồi trước nghĩ là mình bị thiệt hơn người có đất bị thu hồi sau. Đây là một nguyên nhân dẫn đến người dân đã nhận tiền quay về cản trở, đòi quyền lợi.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, TĐC và GPMB được xem là khâu quyết định tiến độ thực hiện DA. Tuy nhiên, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách, pháp luật. Việc công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB chưa đầy đủ, chặt chẽ. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chưa đồng bộ, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đấy là chưa kể đội ngũ những người làm công tác bồi thường, GPMB ở một số địa phương năng lực chưa đáp ứng yêu cầu công việc; một bộ phận có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu gây mất lòng tin trong nhân dân.

Không những thế, việc quản lý đất đai, nhất là chính quyền địa phương cấp xã còn lỏng lẻo, tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép vẫn còn diễn ra phổ biến, nhưng chưa được xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc giao đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, nên khi thực hiện công tác bồi thường, GPMB nảy sinh vấn đề Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người này nhưng người khác lại trực tiếp canh tác, vì vậy, phát sinh tranh chấp giữa các chủ hộ.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng trong GPMB là công tác TĐC, nhưng trong thời gian qua, việc TĐC còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện DA. Đó là, việc quy hoạch, xây dựng khu TĐC chưa gắn với quy hoạch tái định canh. Một số DA thực hiện công tác bố trí tái định cư chậm (như DA Polypropylen ở huyện Bình Sơn có 12 hộ thực hiện GPMB từ tháng 3/2007 nhưng đến tháng 10/2010 mới có đất bố trí TĐC). Bên cạnh đó, việc bố trí vốn để xây dựng các khu, điểm TĐC đến nay luôn bị động, lúng túng; việc xây dựng chưa đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân theo quan điểm "nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ". Đặc biệt là, người dân TĐC chưa được giải quyết việc làm phù hợp, công tác đào tạo và giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức.

VƯỚNG TỪ VĂN BẢN:

Qua triển khai thực hiện cho thấy, một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn bất cập, mâu thuẫn. Theo quy định tại Điều 45, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP thì trường hợp thu hồi đất thuộc nhóm đất nông nghiệp đã sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 nhưng không có Giấy CNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai và được UBND xã xác nhận đất đó không tranh chấp, mà người đang sử dụng đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được bồi thường, hỗ trợ; những hộ có đất bị thu hồi trước thời điểm này thì lại không được bồi thường, hỗ trợ; dẫn đến khiếu kiện.

Mặt bằng sạch để triển khai nhanh dự án là
Mặt bằng sạch để triển khai nhanh dự án là "mong ước" của không ít nhà đầu tư.


 Đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong KDC thuộc thị trấn, KDC nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư được quy định tại Điều 21 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định thì ngoài việc bồi thường còn hỗ trợ thêm bằng 20-50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong Bảng giá đất của địa phương.

Dù vậy, thực tế áp dụng rất phức tạp về cách tính vì trong mỗi xã, phường, thị trấn đã có nhiều mức giá đất ở khác nhau. Trong một huyện thì tối đa cũng chỉ hai thị trấn, trong khi mỗi huyện đều có ít nhất 10 xã trở lên, tạo ra biên độ chênh lệch rất lớn về giá đất ở trung bình trong cùng một huyện. Bên cạnh đó, quy định về việc thoả thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất (đối với những trường hợp nhà nước không thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, bộc lộ những hạn chế, mâu thuẫn do giá thoả thuận thường cao hơn giá bồi thường), gây khó khăn trong công tác thu hồi đất. Thực tế, việc xác định giá thị trường là rất khó khăn, bởi vì phần lớn giao dịch chuyển nhượng đất là giao dịch "ngầm". Giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng thường thấp hơn giá thực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người bị thu hồi đất không chấp nhận bồi thường theo giá Nhà nước đã quy định. Vì, họ cho rằng, giá Nhà nước quy định thấp hơn giá thị trường.

Tại hội nghị tổng kết công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC và GPMB vừa được tỉnh tổ chức đã đưa ra một số kinh nghiệm nhằm triển khai tốt công tác này. Nào là, cơ chế, chính sách bồi thường cần áp dụng thống nhất cho toàn tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế, đúng pháp luật và ổn định trong một thời gian nhất định. Rồi công tác xây dựng TĐC phải đi trước một bước, TĐC gắn với tái định canh và giải quyết việc làm, thủ tục về thu hồi đất và giao đất đảm bảo theo quy định pháp luật để nhân dân tin tưởng, thực hiện... Đây đều là những bài học quý, song vấn đề là, để khắc phục cơ bản những tồn tại trong công tác "nhạy cảm" này, các cấp, các ngành thực hiện có đồng bộ và làm đúng hay không mà thôi!
 

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ: Giá đền bù của tỉnh ta cao hơn một số tỉnh, thành trong khu vực, nhưng thực hiện không nhanh là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Trong công tác đền bù, hỗ trợ, GPMB và TĐC thời gian qua tỉnh đã làm được nhiều việc, song vẫn còn không ít tồn tại. Do vậy, chúng ta phải khắc phục cơ bản những tồn tại này. Tập trung rà soát các cơ chế chính sách của tỉnh về công tác này, sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định 35. Cùng với đó là cải cách hành chính trong công tác này, công khai quy trình thực hiện, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách với sự phân cấp rõ ràng.

*Ông Võ Tiến Dũng-Phó BQL KKT Dung Quất: Cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC còn nhiều điều cần khắc phục. Xin nêu một vấn đề nhỏ còn bất cập như về đất thì tổng giá trị các khoản hỗ trợ lại lớn hơn giá trị đền bù. Đấy là chưa kể, việc áp dụng, vận dụng chính sách bồi thường quá rập khuôn, không thống nhất, chưa gắn với thực tiễn, không công bằng và thiếu tính kiên quyết. Cùng một cơ chế đền bù, nhưng mỗi nơi vận dụng mỗi khác. Hay như TĐC chưa gắn với tái định canh. Ở Dung Quất, nhiều người dân TĐC tới nơi ở mới không có việc làm, đời sống khó khăn.

*Ông Phạm Hùng-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn: Công tác thu hồi đất rất phức tạp. Ở Bình Sơn hiện có khoảng 50 nghìn thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị tỉnh có chủ trương đo lại bản đồ đất để chỉnh lý, cấp đổi mới. Thêm vào đó, việc xác định giá đất thực tế rất khó khăn. Ở xã Bình Đông khác, ở xã Bình Thuận khác, thời điểm này khác, thời điểm khác giá đã khác nhau. Do vậy, cần phải có tính toán căn cơ hơn.

*Ông Nguyễn Hữu Hạnh, thôn 2, xã Long Hiệp (Minh Long): 720 m2 đất ở và vườn của tôi nằm trên tuyến đường trung tâm cầu Suối Tía-Trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng chỉ được đền bù với mức giá  120.000 đồng/m2. Trong khi đó, đất của nhiều hộ dân ở ngay trước nhà chúng tôi lại được bồi thường 300.000 đồng/m2. Tôi không hiểu vì sao cùng nằm trên một trục đường mà giá đất lại chênh lệch cao như thế? Điều này đã khiến một số hộ dân bất bình và không chịu bàn giao mặt bằng, khiến cho việc thi công tuyến đường vẫn dậm chân tại chỗ sau hơn 2 năm khởi công.


H. Triều - M. Hoa

 


.