Nguồn tài nguyên nước của Việt Nam: Sẽ thiếu hụt trầm trọng

10:04, 30/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 m3/người/năm, thiếu so tiêu chuẩn thế giới là 4.000 m3/người/năm. Và nếu không có những chính sách hữu hiệu trong vòng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng.
 
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của sự sống trên Trái Đất. Đặc điểm của tài nguyên nước là được tái tạo theo quy luật thời gian và không gian. Nhưng ngoài quy luật tự nhiên, những hoạt động tự phát, không có quy hoạch của con người như chặt phá rừng bừa bãi, canh tác nông lâm nghiệp không hợp lý và thải chất thải bừa bãi vào các thuỷ vực... đã và sẽ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, làm cho nguồn nước bị cạn kiệt, bị ô nhiễm, hạn hán có khả năng càng khốc liệt. 
 
Vấn nạn thiếu nước không chỉ riêng của những quốc gia đang phát triển mà là của cả nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn nước đang ngày càng vơi cạn và con người đang đứng trước những thách thức và nguy cơ rất lớn.
 
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hiện nay khoảng 20% dân số thế giới sống tại 30 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và con số này trong năm 2025 được dự báo sẽ lên tới 30%. Ngoài ra có hơn 1/3 dân số thế giới đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe liên quan đến nước.
 
Ở Việt Nam có 108 lưu vực sông, với khoảng 3.450 sông, suối chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn nước mặt ở Việt Nam phân bổ không đều, không chỉ về mặt không gian mà thay đổi theo thời gian cả năm.
 
Mặc dù có hệ thống sông dày đặc nhưng ô nhiễm nguồn nước, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt là một vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt, cả ở thành thị lẫn nông thôn.
 
Hiện tổng lượng dòng chảy sông ngòi trung bình hằng năm của nước ta bằng khoảng 847km3. Nếu xét chung cho cả nước, thì tài nguyên nước mặt của nước ta tương đối phong phú, chiếm khoảng 2% tổng lượng dòng chảy của các sông trên thế giới, trong khi đó diện tích đất liền nước ta chỉ chiếm khoảng 1,35% của thế giới. Tuy vậy, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam lại ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Điều này là do phần nước mặt từ ngoài lãnh thổ chảy vào nước ta chiếm khoảng 63% lượng nước với trên 70% diện tích lưu vực của các hệ thống sông ngòi. 
 
Điều đáng lo ngại là các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy lượng nước mặt bình quân đầu người hiện nay ở nước ta đang giảm mạnh, đến nay chỉ còn khoảng 3.840 m3/người/năm. Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay thì đến năm 2025, lượng nước mặt tính bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 2.830 m3/người/năm.
 
Theo chỉ tiêu đánh giá của IWRA (Hội Tài nguyên nước quốc tế), quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Như vậy, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
 
Một khó khăn nữa là tài nguyên nước tại Việt Nam phân bố không đều giữa các vùng. Trên 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (lưu vực sông Mê Kông); trong khi toàn phần lãnh thổ còn lại chỉ có gần 40% lượng nước, nhưng lại chiếm tới gần 80% dân số cả nước và trên 90% khối lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
 
Đặc biệt các địa phương vùng miền Đông Nam Bộ và lưu vực Đồng Nai – Sài Gòn, lượng nước bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 2.900m3/người/năm, bằng 28% so với mức trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam cũng phân bố không đều theo thời gian trong năm và giữa các năm. Lượng nước trung bình trong 4 đến 5 tháng mùa mưa chiếm khoảng 75-85% trong khi những tháng mùa khô (kéo dài đến 7-8 tháng) lại chỉ có khoảng 15-25% lượng nước của cả năm.
 
Theo các chuyên gia và nhóm khoa học, đến năm 2025 tổng lượng nước của Việt Nam sẽ giảm khoảng từ 5 - 10%, và đến những năm cuối của thế kỷ này, con số đó sẽ ở khoảng 25%. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, an ninh nguồn nước bị đe dọa và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác.
 
Ngoài những yếu tố khách quan nêu thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ở Việt Nam là do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đi đôi với làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô; nguồn nước dưới đất ở nhiều đô thị và một số khu vực đồng bằng đã có biểu hiện ô nhiễm do các chất hữu cơ khó phân hủy và hàm lượng vi khuẩn cao; các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đang trở nên rõ rệt và phổ biến...
 
Trước thực trạng trên, hiện Bộ Tài nguyên-Môi trường đang áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý tài nguyên nước như tập trung sửa đổi Luật Tài nguyên nước; ưu tiên xây dựng và thực hiện các đề án đã được phê duyệt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước. Đồng thời, cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc khai thác, sử dụng nước, xả nước nước thải vào nguồn nước, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đây là những việc làm cần thiết trước khi quá muộn.
 
Hiệp Thịnh
 

.