Cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông sản địa phương

01:10, 03/10/2012
.

(QNg)- Chưa thấy được giá trị thương hiệu của sản phẩm nên nhiều người sản xuất và doanh nghiệp trong tỉnh chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm mình sản xuất, kinh doanh, nhất là các sản phẩm nông sản, đặc sản tại địa phương. Vì thế tỉnh ta có quá ít đặc sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).  

Trong những năm gần đây, hoạt động đăng ký, xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ở tỉnh ta đang có xu hướng tăng lên. Tính đến tháng 6/2012 tổng số đơn đăng ký SHCN của các doanh nghiệp ở tỉnh ta đã nộp là 486 đơn và số giấy chứng nhận, bằng độc quyền đã được cấp là 330 (trong đó có 258 giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, 71 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 1 bằng độc quyền về sáng chế).

Từ khi nhãn hiệu tập thể “Quế Trà Bồng - Tây Trà” được công nhận, sản phẩm quế ở hai địa phương này đã tăng giá, giúp người trồng quế có thu nhập cao.                       Ảnh: P.D
Từ khi nhãn hiệu tập thể “Quế Trà Bồng - Tây Trà” được công nhận, sản phẩm quế ở hai địa phương này đã tăng giá, giúp người trồng quế có thu nhập cao. Ảnh: P.D


Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp thì việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu còn rất hạn chế. Mặc dù ở tỉnh ta các sản phẩm nông nghiệp rất có tiềm năng, trong đó có nhiều sản phẩm  rất có "tiếng" như đường phèn, đường phổi ở TP Quảng Ngãi, mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây, nước mắm Đức Lợi, cá bống Sông Trà, chè Minh Long, chiếu cói Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà…

Tuy nhiên, đến nay phần lớn các sản phẩm truyền thống ở tỉnh ta vẫn chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nguyên nhân chính là do nhận thức của doanh nghiệp và nông dân trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT, phát triển thương hiệu nông sản còn rất hạn chế. Tâm lý nhiều người dân vẫn ỷ lại, cho rằng việc đăng ký và bảo vệ quyền SHTT cho các sản phẩm nông sản là việc của Nhà nước, chứ không liên quan đến mình. Người dân chỉ là người sử dụng, không cần quan tâm đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản ở các địa phương hiện nay chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, nên để người dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu là rất khó khăn. Trong khi đó, quy định của pháp luật về đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đòi hỏi chặt chẽ hơn so với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thông thường đã gây trở ngại nên nhiều người không mặn mà với việc đăng ký.

Đến nay ở tỉnh ta chỉ có tỏi Lý Sơn và quế Trà Bồng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (NHTT). Thực tế cho thấy, từ khi được công nhận NHTT "Quế Trà Bồng - Tây Trà" đã giúp cho cây quế ở hai huyện Trà Bồng và Tây Trà có chỗ đứng trên thị trường. Liên tục trong 2 năm qua, giá quế đã tăng cao và ổn định trở lại. Theo các tiểu thương ở đây thì chất lượng quế Tây Trà rất tốt, tinh dầu nhiều nên được thị trường ưa chuộng hơn các loại quế khác. Mỗi tiểu thương ở Tây Trà đều thu mua khoảng 10 tấn quế khô theo hình thức vừa mua quế vườn của người dân để thu hoạch vừa thu mua lẻ trong dân. Giá mỗi cân quế khô là 18.000 đồng, quế tươi 8.000 đồng. Giá quế tăng, thị trường tiêu thụ ổn định đã đem lại niềm hy vọng cho đồng bào dân tộc Cor Tây Trà.

Và NHTT tỏi Lý Sơn sau khi được công bố, sản phẩm tỏi của Lý Sơn đã "danh chính, ngôn thuận" có tên tuổi trên thị trường, thì người trồng tỏi không phải trải qua khâu trung gian nên không bị tư thương ép giá. Nếu như năm 2009, người dân trồng tỏi chỉ bán được 20.000 đồng/kg thì đến năm 2010 khi đã có thương hiệu, tỏi Lý Sơn tăng lên 80-90.000đồng/kg đến nay là 100.000 đồng/kg. Nhờ đó, đời sống của người dân trồng tỏi ở Lý Sơn ngày càng được cải thiện.

Qua đó cho thấy, việc đăng ký, xác lập và bảo hộ NHTT cho các sản phẩm nông sản là rất cần thiết, không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân ở địa phương, mà còn bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sản phẩm; từ đó khuyến khích sản xuất phát triển, doanh thu tăng lên, đời sống người dân được ổn định.

Theo bà Võ Thị Thúy Nga - Phòng QLCN&SHTT (Sở KH&CN), để xây dựng quyền SHTT cho các sản phẩm nông sản ở địa phương thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước về SHTT nói chung cũng như quyền SHCN và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường hoạt động hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký xác lập quyền SHTT. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách quản lý, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ địa phương về khôi phục, phát triển làng nghề, sản phẩm truyền thống hiện đang có nguy cơ mất dần ở địa phương... nhằm tạo điều kiện để người dân an tâm sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời xây dựng các Hội sản xuất, kinh doanh và chế biến nhằm quy tụ và phát triển các đặc sản của địa phương. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản truyền thống.

Đối với các doanh nghiệp, phải tiến hành xây dựng và xác lập quyền SHCN của doanh nghiệp tại cơ quan thẩm quyền. Cần rà soát lại các sản phẩm mình làm ra để công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn. Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Tham gia các lớp đào tạo tập huấn để nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp tốt hơn.


Phương Dung

 


.