Nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước: Bằng cách nào?

09:10, 26/10/2011
.

(QNg)_ Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở tỉnh ta, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên làm thế nào để CNTT thực sự trở thành cánh tay đắc lực, giúp cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, là bài toán đang cần lời giải...

* Hiệu quả bước đầu

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, năm 2009 UBND tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm Đề án "Một cửa điện tử", tại UBND TP Quảng Ngãi, với kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, người dân đến liên hệ giải quyết công việc tại bộ phận "Một cửa điện tử", đã quen với việc bấm số tự động khi giao dịch, nên không phải chứng kiến cảnh chen lấn lộn xộn như trước đây.
 
Đại diện Công ty tin học Unitech giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình "Một cửa điện tử” thành công.
Đại diện Công ty tin học Unitech giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình "Một cửa điện tử” thành công.

Đặc biệt, điều làm họ cảm thấy phấn khởi và hài lòng nhất chính là câu trả lời "thiếu hay đủ" các loại giấy tờ ngay lúc giao nộp hồ sơ, mà không phải thấp thỏm đợi chờ hay phải chạy đi chạy lại nhiều lần để bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Thương (phường Chánh Lộ) cho biết: Trước đây, sau khi nộp hồ sơ thì tôi phải đợi vài ngày để cán bộ kiểm tra, nhưng giờ thì việc này được thực hiện ngay lập tức, giúp người dân yên tâm, chủ động và tiết kiệm thời gian rất nhiều.

Từ hiệu quả bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin "Một cửa điện tử" tại TP Quảng Ngãi mang lại, UBND tỉnh đã tiếp tục phê duyệt Đề án mô hình điểm ứng dụng CNTT tại hai huyện Sơn Tịnh và Sơn Hà, với tổng kinh phí 12,2 tỷ đồng, nhằm sửa chữa, nâng cấp và trang bị mới các dịch vụ công trên hệ thống một cửa, xây dựng chương trình một cửa và thí điểm một cửa điện tử ngay tại các xã.

Việc triển khai thực hiện Đề án này, sẽ tạo điều kiện nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước ở các địa phương, nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ; đồng thời cung cấp kênh thông tin phục vụ việc giao tiếp giữa Nhà nước và nhân dân, góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

* Vướng mắc cũng không ít

Ngay tại TP Quảng Ngãi, dù "Một cửa điện tử" mang lại nhiều thuận lợi, nhưng hiện nó cũng đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc phân cấp trách nhiệm ở từng bộ phận chưa rõ ràng, nên một số "cửa" còn "ngâm" hồ sơ. Ví dụ: Quy trình nhận và xử lý hồ sơ được thực hiện trong vòng 15 ngày, nhưng vì lý do nào đó mà "cửa" tiếp nhận "quên" kiểm tra, nên đến ngày thứ 14 (vẫn thuộc thời hạn cho phép), mới được chuyển giao cho bộ phận xử lý. Do đó, việc giao trả kết quả cho người dân bị chậm trễ sẽ là điều khó tránh khỏi.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia CNTT cho rằng: Nên sớm có kế hoạch triển khai và áp dụng hệ thống ISO cho cơ chế "Một cửa điện tử", nhằm phân đoạn thời gian và trách nhiệm của từng bộ phận, tránh hiện tượng ì ạch của cán bộ tham gia thụ lý và giải quyết hồ sơ.

Tại Hội thảo hành chính - chuyên đề "Một cửa điện tử", do Sở TT&TT vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên viên văn phòng của các huyện đã thẳng thắn trao đổi về những tiện ích, cũng như những vướng mắc còn tồn tại khi ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đặc biệt, từ khi các huyện kết nối mạng LAN và internet, đưa vào sử dụng các phần mềm quản lý văn bản và điều hành (e - Office)… đã tạo điều kiện để cán bộ, công chức tiếp cận và hình thành thói quen truy cập mạng, hay gửi báo cáo, thư mời qua internet, góp phần rút ngắn thời gian tiếp nhận thông tin, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Tuy nhiên trong khi các phòng, ban luôn nỗ lực và từng bước "điện tử hóa" thông tin, thì một bộ phận lãnh đạo hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ này, nên việc trì trệ trong việc ứng dụng CNTT là điều khó tránh khỏi. "Có nhiều nguyên nhân khiến lãnh đạo chưa có điều kiện để thường xuyên check mail, xem và xử lý công việc ngay trên mạng.

Vì thế, để duyệt và chỉnh sửa nội dung, hay gửi nhận báo cáo hoặc thư mời, thì họ vẫn phải đọc và sử dụng bản in" - một chuyên viên văn phòng huyện cho biết. Mặt khác, do ứng dụng CNTT theo kiểu "nửa vời", nên việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng được thực hiện theo hình thức "vừa tay, vừa máy", đã gây nhập nhằng, chồng chéo trong việc tra cứu thông tin. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải ứng dụng CNTT trong việc sao lưu, chứng thực, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Bởi lẽ, không chỉ gây phiền hà cho người dân, mà việc này cũng tốn không ít tiền của và con người cho Nhà nước.

Một lý do khác khiến việc ứng dụng CNTT theo kiểu "có cũng được, mà không có cũng chẳng sao", đó là hiện cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc phục vụ cho tin học hóa ở cấp xã đã cũ kỹ, hư hỏng và xuống cấp; trong khi trình độ về CNTT của cán bộ còn hạn chế, nên việc trao đổi thông tin qua mạng giữa các cấp vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, hầu hết các xã vẫn phải cắt cử người vượt vài chục cây số để gửi và nhận công văn, giấy mời. Điều này không chỉ gây mất thời gian, chi phí đi lại, mà việc tiếp nhận và xử lý thông tin cũng bị chậm một bước.

"Nếu lỡ giao thông bị ách tắc, thì công tác lãnh đạo và chỉ đạo cũng chỉ biết trông chờ vào chiếc… alô mà thôi. Do đó muốn tin học hóa thành công, trước mắt phải chú trọng đến việc đầu tư trang thiết bị ngay từ cấp cơ sở" - chị Lê Thị Loan, chuyên viên văn phòng UBND huyện Ba Tơ trăn trở.
     
Bài, ảnh: MỸ HOA

.