NATO phản ứng gay gắt với Thông điệp liên bang của ông Putin

02:02, 21/02/2019
.

"Chúng tôi hiểu thông điệp từ Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/2. Việc Nga đe dọa sẽ tấn công các nước đồng minh của Mỹ là không thể chấp nhận được", phát ngôn viên của NATO Pierce Casalet trả lời hãng thông tấn RIA Novosti của Nga ngày 20/2.

Ông Casalet kêu gọi Nga tuân thủ trở lại Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và khẳng định: “NATO là một liên minh phòng thủ, sẽ sẵng sàng bảo vệ tất cả các thành viên trước mọi mối đe dọa. Chúng tôi không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới và các nước thành viên đã liên tục kêu gọi Nga phá hủy một cách kiểm chứng được tên lửa tầm trung của họ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của ông.


Trước đó, trong Thông điệp liên bang ngày 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ đáp trả mọi động thái của Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân mới gần Nga bằng việc đặt tên lửa của Nga gần Mỹ hơn hoặc triển khai tên lửa bay nhanh hơn, hoặc cả hai.

Nhà lãnh đạo Nga đã chỉ trích việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga. Ông Putin khẳng định Nga sẽ không triển khai tên lửa để đáp trả quyết định này của Washington, cũng không tìm cách đối đầu với Mỹ.

Tuy nhiên, ông nêu rõ: "Nếu Mỹ triển khai các tên lửa như vậy tới gần Nga, Moscow sẽ buộc phải đưa ra các phản ứng đáp trả. Trong trường hợp điều này xảy ra, Nga sẽ không chỉ nhắm vào các vị trí có thể phóng tên lửa đe dọa nước Nga mà cả các đầu não đưa ra các quyết định liên quan tới các tên lửa đó".

Cũng trong Thông điệp liên bang, người đứng đầu điện Kremlin cho biết, trong mùa xuân này, Nga sẽ thử nghiệm tàu ngầm Poseidon có khả năng mang thiết bị lặn không người lái với năng lực tấn công hạt nhân.

 Phát ngôn viên NATO Pierce Casalet.
Phát ngôn viên NATO Pierce Casalet.


Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông cho hay tiến trình này dự kiến được hoàn tất trong 6 tháng, trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/2 cho biết nước này quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước INF nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.

Xem thêm >> Thượng đỉnh Kim-Trump: Liên hợp quốc ‘tạo điều kiện’ để đoàn Triều Tiên tới Hà Nội

Theo Thanh Tú/vietnamfinance.vn (Newsweek)


 


.