Quân đội Mỹ lo thất thế trong cuộc chiến trí tuệ nhân tạo

10:09, 01/09/2016
.

Tới nay, quân đội Mỹ đã tốn khá nhiều thời gian để hoàn thiện khả năng phòng thù chống lại các cuộc tấn công điện tử. Tuy nhiên, với cuộc chiến trí tuệ nhân tạo (AI), lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới này vẫn đang lúng túng đối phó. 

 

Ngày càng có nhiều loại vũ khí thông minh được triển khai trong các cuộc chiến trên toàn thế giới.
Ngày càng có nhiều loại vũ khí thông minh được triển khai trong các cuộc chiến trên toàn thế giới.
 
Theo một báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này hiện đang hướng tới việc tăng tốc quá trình phát triển các công nghệ nhằm sẵn sàng cho cuộc chiến trí tuệ nhân tạo. Nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh những nghiên cứu cả về học thuật lẫn tư nhân liên quan tới trí tuệ nhân tạo cũng như những công nghệ tự động ngày nay đang vượt xa năng lực kiểm soát, phản ứng của quân đội Mỹ. 
 
Một số ý kiến phân tích cũng cho rằng rất có thể một kịch bản tương tự như cuộc chiến điện tử đã từng xảy ra sẽ tái diễn khi Mỹ tập trung quá nhiều vào việc tung ra các cuộc tấn công lại vô tình để hở lưng tạo điều kiện cho kẻ địch lợi dụng. 
 
Dĩ nhiên, khi nhắc tới trí tuệ nhân tạo, nhiều người có thể sẽ liên tưởng tới các loại robot có mặt trong bộ phim bom tấn Transformers. Tuy nhiên chưa cần tới sự tham gia của lực lượng giả tưởng này, cuộc chiến AI của chính chúng ta cũng đã đang dần trở nên khốc liệt qua hàng loạt các loại xe chiến đấu, robot, xe tăng, thiết bị phá bom mìn, thiết bị bay với bộ não - phần mềm - đủ thông minh để độc lập tác chiến hầu như chỉ cần rất ít hoặc không cần tới sự điều khiển từ con người. 
 
Hiện tại, nhiều hướng đối phó cũng đã được đề xuất tới Lầu Năm Góc. Trong đó, bao gồm cả việc cần nhanh chóng thu thập năng lực trí tuệ nhân tạo của các quốc gia khác, từ đó đưa ra giải pháp “đối phó tự động” phù hợp - điển hình là việc phát minh ra các vũ khí tự động với khả năng tính toán đủ để đánh bại loại tương tự của các đối thủ khác khi có chiến tranh xảy đến. 
 
Dù hiện tại, chính phủ và quân đội Mỹ chưa đưa ra quyết định cụ thể nào để giải quyết thực trạng nói trên. Tuy nhiên, có nhiều lý do để xứ sở cờ hoa sớm đưa ra những giải pháp cần thiết bởi lẽ hiện tại các đối thủ cạnh tranh (điển hình là Trung Quốc hay Nga) đều có các quy định về vũ khí sát thương tự động khá lỏng lẻo - tiền đề cho các đơn vị phát triển giải pháp riêng của họ. 
 
Trong bối cảnh ấy, rõ ràng Mỹ cần phải sớm sở hữu các công nghệ cho phép họ đánh bại các loại vũ khí tiên tiến với trí tuệ nhân tạo trước khi quá muộn.
 
Theo Hà Nội mới

.