Thủ tướng Italia vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

09:10, 03/10/2013
.

Thủ tướng Italia Enrico Letta hôm qua đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau khi đối thủ của ông, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, bất ngờ đổi ý vào phút chót.

 

Chiến thắng của Thủ tướng Letta có sự hỗ trợ rất lớn của Tổng thống Napolitano.
Chiến thắng của Thủ tướng Letta có sự hỗ trợ rất lớn của Tổng thống Napolitano.


Cựu Thủ tướng Berlusconi trước đó đã yêu cầu 5 bộ trưởng trong đảng trung hữu của ông, đảng Nhân dân Tự do (PDL), phải rời bỏ chính phủ liên minh của Thủ tướng Letta, động thái dẫn tới cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này.

Thế nhưng vào thời khắc quyết định, ông Berlusconi đã bất ngờ xuống nước khi nhận thấy có nhiều nghị sĩ cao cấp trong đảng của mình quay sang hậu thuận chính phủ. Những người này nói rằng họ sẽ không tiếp tục ủng hộ ông Berlusconi vì rõ ràng ông đã hành động vượt quá giới hạn, cũng như khả năng của bản thân.

"Tôi hoàn toàn hiểu tâm trạng của ông Berlusconi nhưng tôi không thể biện minh hay chia sẻ chiến lược của ông ấy", Bộ trưởng Y tế Beatrice Lorenzin nói.

Các Bộ trưởng Cải cách Gaetano Quagliarello và Bộ trưởng Giao thông Maurizio Lupi cũng tỏ thái độ miễn cưỡng khi phải rút khỏi nội các.

“Chúng tôi vẫn muốn ở trong đảng của Berlusconi nhưng không phải với những cố vấn tồi của ông ấy,” Bộ trưởng Lupi nói.

Sự ủng hộ của các bộ trưởng và nghị sĩ cấp cao trong PDL đã đánh gục người được mệnh danh là “kẻ quấy rối nước Italia”, đồng nghĩa với việc mang lại chiến thắng ngoạn mục cho Thủ tướng Letta, người trước đó đã thẳng thừng tuyên bố việc ông thua cuộc sẽ mang lại tai họa chết người cho nước Italia.

“Nước Italia đang đứng trước nguy cơ, một nguy cơ chết người nếu chính phủ sụp đổ”, ông Letta phát biểu trước Thượng viện sau khi biện hộ cho các hoạt động của chính phủ thời gian qua.

Trước đó, dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tổng thống Giorgio Napolitano, ông Letta đã đi một nước cờ khôn ngoan khi không chấp nhận đơn từ chức của năm 5 trưởng thuộc đảng PDL, mà yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm đối với chính phủ non trẻ,  vừa mới được thành lập hồi tháng 4 sau hơn hai tháng bế tắc chính trị nghiêm trọng.

Giới phân tích cho rằng tình hình căng thẳng trên chính trường Italia đang gây cản trở các nỗ lực cải tổ cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề về kinh tế mà nước Italia đang phải đối mặt như nợ công, suy thái và thất nghiệp cao. Và người có một phần lỗi lớn trong việc này là ông Berlusconi.

Mất mặt

Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại Quốc hội, ông Berlusconi - người từng làm Thủ tướng ba lần và là nhân vật châm ngòi nổ căng thẳng trên chính trường Italia hiện nay - đã buộc phải mất mặt xuống nước, đồng nghĩa với việc ông sẽ bị nhìn nhận là người yếu kém hơn trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở chính trường Italia .

“Nước Italia cần một chính phủ có thể đưa ra các cải tổ thể chế và cơ cấu. Chúng tôi đã quyết định… là sẽ hậu thuẫn lá phiếu tín nhiệm", ông Berlusconi nói khi là người đứng lên phát biểu cuối cùng tại Thượng viện.

Trước đó, ông Berlusconi cáo buộc Thủ tướng Letta ngấm ngầm cho phép tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm chặn đường sự nghiệp chính trị của ông, ý nói tới việc ông bị Tòa án tối cao kết tội gian lận thuế và có thể sẽ bị tước bỏ tư cách nghị sĩ.

“Mặc dù hiểu những rủi ro đang gánh nhận nhưng tôi đã quyết định phải chấm dứt chính phủ của ông Letta", ông Berlusconi viết trong bức thư gửi tuần báo Tempi trước khi cho rút 5 bộ trưởng khỏi chính phủ liên minh.

Lá thư được gửi đi khi quan hệ giữa liên minh trung tả của Thủ tướng Letta và đảng trung hữu của ông Berlusconi đã xuống đến đáy. Tuy nhiên, hẳn khi đó ông Berlusconi không thể ngờ mọi việc lạ diễn biến theo chiều hướng không có lợi cho ông như hiện nay.

Theo kế hoạch, một ủy ban Thượng viện sẽ quyết định trong tuần này về việc có trục xuất Berlusconi hay không sau khi Tòa án tối cao giữ nguyên phán quyết đối với hành vi gian lận thuế của ông.

Ông Berlusconi từng thống lĩnh chính trường Italia suốt gần 1 thập niên trước khi từ chức vào tháng 11/2011 đúng vào khi đang diễn ra cơn bão suy thoái kinh tế.


Theo Vũ Anh/Dân Trí

 


.