Nhớ lần gặp nhạc sĩ Văn Ký

10:11, 08/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhạc sĩ Văn Ký - cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà đã đi xa, nhưng những ca khúc của ông sẽ còn mãi với thời gian, với người yêu âm nhạc. Ông đã sáng tác hơn 400 tác phẩm âm nhạc, trong đó có nhiều ca khúc được coi là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam.
[links()]
Một đời đam mê âm nhạc  
 
Cách đây hai năm, tôi tình cờ được gặp nhạc sĩ Văn Ký tại căn nhà cũ ở phố Hào Nam (Hà Nội). Lúc đó dù đã 90 tuổi, nhưng ông còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Ông kể về đời, về nhạc như một lẽ thường tình của một người nghệ sĩ với niềm đam mê, sáng tạo không mệt mỏi. Nói về người bạn già của mình, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ kể rằng: Nhạc sĩ Văn Ký là người cởi mở và dễ gần, vui vẻ với mọi người và luôn hài lòng với cuộc sống. Bạn bè, người hâm mộ đến thăm, ông luôn nắm chặt tay khách - một cái bắt tay với tình cảm đằm thắm, chân tình, không phải của cụ già 90 yếu đuối, mà là cái bắt tay của một người rắn rỏi và giàu tình cảm, tràn đầy sức sống, giống như sức sống của "Bài ca hy vọng" vậy.  
Nhạc sĩ Văn Ký (đầu tiên bên trái) trò chuyện với nhà thơ Lê Chín và nhạc sĩ Lê Xuân Thọ trong lần gặp gỡ tháng 10.2018.	 ẢNH: PV
Nhạc sĩ Văn Ký (đầu tiên bên trái) trò chuyện với nhà thơ Lê Chín và nhạc sĩ Lê Xuân Thọ trong lần gặp gỡ tháng 10.2018. ẢNH: PV
Nhớ lại hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nổi tiếng “Bài ca hy vọng”, nhạc sĩ  Văn Ký kể lại: Thời điểm năm 1958, tình hình đất nước có nhiều khó khăn. Dù vậy, mình có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Bằng trái tim trong sáng, giàu nhiệt huyết, yêu đời ở tuổi 30, tôi đã sáng tác tác phẩm “Bài ca hy vọng” với ca từ thể hiện được chất trẻ, chất trữ tình, lãng mạn: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ/ Ước mơ, những mùa Xuân bóng dáng, tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa Xuân nào đẹp bằng”... Khi hoàn thành tác phẩm thì tôi gửi đến Nhà Xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối vì Ban Biên tập cho rằng lời ca khúc lạc quan, lãng mạn quá, không phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước...
 
Sau đó, nhạc sĩ Văn Ký mang tác phẩm đến Đài Tiếng nói Việt Nam thì được lãnh đạo đồng ý dàn dựng, thu thanh và phát sóng. Ca khúc này đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công và trở thành ca khúc đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ khán giả.
Với tình yêu âm nhạc và với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Ký đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật ngay đợt đầu tiên (năm 2001) cho chùm năm bài hát "Trời Hà Nội xanh", "Bài ca hy vọng", "Tây Nguyên bất khuất", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi" và "Nha Trang mùa thu lại về".
Duyên tình với Quảng Ngãi 
 
Trong câu chuyện của mình, nhạc sĩ Văn Ký kể về cái duyên với tỉnh Quảng Ngãi khi có nhiều tác phẩm được ông phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Lê Chín- một người con của Quảng Ngãi đang sinh sống tại Hà Nội như: “Quảng Ngãi yêu thương”, “Ba Tơ chiều ấy”...
 
Lý giải về chọn những bài thơ về Quảng Ngãi để phổ nhạc, nhạc sĩ Văn Ký bày tỏ: Ở tuổi thiếu niên, tôi đã nhiều lần nghe nói về Quảng Ngãi, về đội du kích Ba Tơ. Tiếng vang từ đội du kích Ba Tơ, Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ giúp tôi hiểu nhiều hơn về cách mạng, về vùng đất này, cho nên mỗi lần nghe đến Ba Tơ là trong lòng như nhen nhóm ngọn lửa. Và dù chưa một lần đến thăm Quảng Ngãi, nhưng tiếng vang đó, sức sống đó đã đi vào tâm can mình và thấy rất gần gũi. Chính vì vậy, những bài thơ của Lê Chín viết về Quảng Ngãi như “Ba Tơ chiều ấy” và “Quảng Ngãi yêu thương”, tôi đã phổ nhạc trong niềm xúc động và cái cảm xúc này đã có từ tuổi thiếu niên theo mãi cho đến bây giờ.
 
Nhà thơ Lê Chín nhớ lại: Hồi tháng 4.2020, khi nghe mọi người tâm sự về những khó khăn của giãn cách xã hội, bà sáng tác "Covid phải lùi xa". Viết xong, bà gọi điện cho nhạc sĩ Văn Ký để khoe. Ông háo hức nói: “Anh sẽ phổ nhạc bài này. Chúng ta cần chung tay góp sức với cả nước”. Nhạc sĩ mắc nhiều bệnh tuổi già từ cuối năm ngoái, sợ ông làm việc mệt, nhưng ông quyết tâm sáng tác. Và tôi phải đọc từng câu cho ông chép qua điện thoại, đến 23 giờ mới xong. Sáng hôm sau, ông khoe đã phổ xong nhạc và gửi cho nghệ sĩ ưu tú Minh Quang hát...
 
Giờ đây, nhạc sĩ Văn Ký đã ra đi, nhưng ông sẽ mãi mãi là tấm gương về cách sống, về sự cống hiến và tinh thần âm nhạc cho thế hệ trẻ.
 
 SA HUỲNH
 
 
 
 
 

.