Cần bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor

09:09, 15/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không gian văn hóa nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor không chỉ là chỗ ở, sinh hoạt của nhiều gia đình, mà còn là nơi giao lưu, văn hóa tín ngưỡng, cố kết cộng đồng. Thế nhưng, hiện nay nhà sàn của đồng bào Cor không còn nữa, nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng vì thế cũng dần bị mất đi.

TIN LIÊN QUAN

Độc đáo nhà sàn của người Cor

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor thường dựng trên một sườn đồi thay thế cho một xóm nhà (gọi là p’lay), có khoảng 10 - 15 hộ gia đình sinh sống. Trong ngôi nhà dài được thiết kế theo lối nhà sau, sân trước và lối đi chung chính giữa. Ngôi nhà chung được chia thành nhiều ngăn cho từng hộ gia đình ăn, ở và sinh hoạt.

Trong mỗi ngăn đều có bếp, có cầu thang đi xuống sân sau, phía trước mặt cửa của mỗi ngăn nhà đều có lối đi chung dẫn ra sân trước của nhà hay qua lại các gia đình với nhau. Sân trước thường có đặt một cây nêu, bếp lửa. Xung quanh nhà sàn đều rào kín, có chừa cánh cửa, đóng mở theo quy định của già làng.

Nhà văn hóa thôn Bắc xã Trà Sơn (Trà Bồng) được xây dựng theo kiến trúc mô phỏng nhà sàn truyền thống người Cor.
Nhà văn hóa thôn Bắc xã Trà Sơn (Trà Bồng) được xây dựng theo kiến trúc mô phỏng nhà sàn truyền thống người Cor.

Tất cả các vật liệu xây dựng đều lấy từ thiên nhiên, chủ yếu là gỗ, tre nứa, cỏ, tranh và dây rừng... Bên trong ngôi nhà, mỗi hộ gia đình bày trí các vật dụng điêu khắc, nghệ thuật hay dụng cụ nông cụ để sản xuất, săn bắt của gia đình.

Ở gian chung, không chỉ là chỗ sinh hoạt của nhiều gia đình mà còn là nơi giao lưu văn hóa, hội họp, diễn ra các lễ hội cộng đồng... “Phía sân của nhà sàn truyền thống đồng bào Cor là nơi nam nữ hẹn hò giữa đêm trăng thanh, hay bọn trẻ ngồi quanh bếp lửa nghe người già kể chuyện, bày cách đánh chiêng, hát múa...”, ông Chư cho biết thêm.

"Bảo tồn văn hóa nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor là việc làm cấp bách. Muốn vậy, trước hết Nhà nước phải có sự quan tâm đầu tư phục dựng những giá trị văn hóa đã và đang có nguy cơ mai một. Về lâu dài, cần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Cor bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình".

Nhà nghiên cứu văn hóa CAO VĂN CHƯ

Cần bảo tồn

Theo thời gian, kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor dần bị phá vỡ và hiện không còn nữa. Theo già Hồ Văn Nghĩa, ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng), sau chiến tranh, trên cơ sở nhà sàn truyền thống, nhiều gia đình dựng lại nhà sàn, nhưng không ở chung như xưa. Lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong không gian nhà sàn cũng dần bị mất đi.

Bây giờ, về các bản làng miền núi Trà Bồng, nhà sàn của đồng bào Cor đã vắng bóng, thay thế vào đó là những ngôi nhà trệt mái ngói đỏ tươi. Sáng chiều hay đêm xuống, đồng bào Cor sinh hoạt theo lối nhà riêng, nét văn hóa cộng đồng trong một ngôi nhà chung đã lùi vào dĩ vãng.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho hay: Hiện nay, huyện đã thực hiện đề án bảo tồn văn hóa của đồng bào Cor giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, bên cạnh bảo tồn những nét văn hóa phi vật thể của đồng bào Cor, huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng nhà văn hóa theo lối kiến trúc mô phỏng lại nhà sàn truyền thống.
 
Đến nay, toàn huyện có khoảng 25 nhà sàn văn hóa. Các tập tục văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, họp được diễn ra tại nhà sàn, vì vậy phần nào giữ lại nét văn hóa của đồng bào Cor.

Theo ông Cao Văn Chư, bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor không chỉ là phục dựng lại nguyên dạng về mặt kiến trúc, mà cần phải sưu tầm, phục dựng nội thất bên trong nhà sàn, phải có hệ thống hình tượng, họa tiết, các vật dụng trang trí... để nhà sàn có "linh hồn" và sống mãi với thời gian.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 

.