Giữ nếp nhà sàn xưa

02:01, 30/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếp nhà sàn, ché rượu cần, cái chiêng được xem là những biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi Quảng Ngãi. Bởi đó là những hình ảnh mang tính chất chủ đạo trong không gian cư trú và nét sinh hoạt đời thường của bà con. Đến nay, mặc dù đời sống có nhiều đổi thay nhưng  đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang lưu giữ và bảo tồn nếp nhà sàn độc đáo của dân tộc mình.

TIN LIÊN QUAN

Dưới chân núi thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long), hơn 20 nếp nhà sàn xưa của đồng bào người Hrê vẫn được lưu giữ nằm dựa lưng vào sườn núi. Có những ngôi nhà đã cũ và một số nhà mới xây, nhưng tất cả đều có những nét đặc trưng và cấu trúc tương tự nhau, khó có thể phân biệt được. Trong số ấy, ngôi nhà có tuổi đời hơn 40 năm của già Đinh Xuân (82 tuổi) được xem là một trong những ngôi nhà sàn cổ nhất.

Những nếp nhà sàn vẫn còn được người dân ở một số địa phương bảo tồn và lưu giữ.
Những nếp nhà sàn vẫn còn được người dân ở một số địa phương bảo tồn và lưu giữ.
Ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch nhận định: Việc giữ lại nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc không chỉ là giữ nếp nhà ở mà còn lưu giữ không gian văn hóa của họ. Chính vì vậy, những chủ thể văn hóa phải biết giữ gìn và phát huy hơn nữa những nét văn hóa vốn có, vì không còn nếp nhà sàn thì văn hóa dân tộc cũng bị tổn thất đi rất nhiều. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy hơn nữa những nếp nhà sàn đã được lưu giữ là rất quan trọng. Đây là việc không chỉ của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà ngay cả các cấp, chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm sâu sắc.

Ngồi trong ngôi nhà của mình, chỉ tay lên chái bếp, nơi mà khói đã làm vàng ố những cây tre, nứa, già Đinh Xuân tâm sự: “Biết bao nhiêu thế hệ đã ở ngôi nhà này. Con cháu bây giờ lập gia đình ra ở riêng đều xây cho tổ ấm của mình một ngôi nhà giống vậy. Nhưng tôi vẫn giữ lại những nếp nhà sàn này, để không làm mất đi truyền thống của gia đình và nét văn hóa của người đồng bào chúng tôi”.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Minh Long cho hay: “Hơn 10 năm trở lại đây, nhà sàn ở các địa phương trên địa bàn huyện có chiều hướng bị xóa bỏ. Hầu hết ở các xã, nhà sàn đã không còn nữa mà thay vào đó là nhà cấp bốn, nhà gạch ngói... Tuy nhiên, vẫn còn một số thôn xóm, người dân đã tự biết cách giữ lại các nếp nhà sàn của mình. Đây là việc làm góp phần bảo tồn được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây”.

Giống như già Xuân và nhiều người Hrê ở thôn Gò Tranh, 100 hộ dân Ca Dong của thôn Tà – Kin, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) cũng đang lưu giữ và bảo tồn lại nếp nhà sàn mà từ đời cha ông của họ đã để lại. Bởi theo quan niệm của người dân nơi đây thì nhà sàn là một nét văn hóa không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Theo thời gian và qua các thế hệ, dù cho các phong tục, tập quán có phần bị mai một đi, nhưng nếp sống, nếp sinh hoạt và đặc biệt là những nếp nhà sàn đơn sơ vốn đã gắn bó với bao thế hệ từ lúc sinh ra, lớn lên cho đến khi về với ông bà, tổ tiên. Cho nên, dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, người dân có nhiều điều kiện xây dựng nhà mới, song nhiều gia đình, nhiều thôn bản vẫn giữ lại được những nếp nhà sàn mà từ đời cha ông của họ đã để lại. Đó giống như giữ lại một nét văn hóa riêng, độc đáo để truyền lại cho muôn đời sau.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 


.