Nhà sàn truyền thống của người Ca Dong ở Sơn Tây

09:01, 15/01/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Vương quốc ngàn cau" Sơn Tây là mảnh đất sinh sống bao đời nay của đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong. Cuộc sống hôm nay dẫu đã đổi thay nhiều, nhưng nếp nhà sàn truyền thống vẫn được người Ca Dong gìn giữ, bảo tồn. Những ngôi nhà sàn thơm mùi gỗ mới vừa được dựng lên nhưng gần như vẫn vẹn nguyên truyền thống "một nếp nhà sàn" Ca Dong thuở trước.
"Thủ phủ" của những nếp nhà sàn truyền thống của người Ca Dong nằm ở xã Sơn Mùa, Sơn Bua (Sơn Tây) - nơi hiện hữu cung đường Đông Trường Sơn chiến lược, công trình được người dân nơi đây ví như "con đường đưa nhà sàn xuống núi".
 
Nhà sàn của người Ca Dong Sơn Tây.
Nhà sàn của người Ca Dong Sơn Tây.
 
Từ cung đường này, nhiều ngôi nhà sàn đã bỏ núi, về với vùng bằng phẳng, gắn với nhiều thuận lợi cho cuộc sống cư dân. Sau những cuộc di dời đó, hầu như tất cả các nếp nhà sàn của người Ca Dong Sơn Tây vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Về thủ phủ nhà sàn ấy, khó có thể cưỡng lại sự trầm trồ thích thú đến nao nao khi đứng trên tầm cao, phóng tầm mắt về những mái ngói trong làn sương sớm, giữa chỏm núi với ruộng bậc thang vắt vẻo quấn quanh. Ở đó, dưới mái ngôi nhà sàn, có một đại gia đình với nhiều thế hệ sinh sống, quây quần bên một bếp lửa hồng...

Theo ngành văn hóa huyện Sơn Tây, trước đây, làng của người Ca Dong, là tập hợp năm, ba ngôi nhà sàn dài trên cùng một vạt đất cư trú, với số nhân khẩu chừng 30 đến ngoài 50 người. Cũng có khi làng chỉ có duy nhất một ngôi nhà dài. Muốn dựng nhà, lập làng, việc đầu tiên là chọn đất. Đây là công việc của chủ làng và những già làng nhiều kinh nghiệm. Thường thì mảnh đất được chọn nằm ở lưng chừng phía đông hoặc đông nam sườn đồi, tương đối bằng phẳng, gần với rẫy nương, thuận lợi cho việc lấy nước sinh hoạt.
 
"Nhà sàn được coi là biểu tượng văn hóa, là hình ảnh mang tính chủ đạo nổi bật trong không gian cư trú của người dân tộc thiểu số Quảng Ngãi nói chung và người Ca Dong nói riêng. Trong văn hoá truyền thống của dân tộc Ca Dong, nhà sàn chính là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, đồng thời cũng là không gian cốt yếu chứa đựng nhiều giá trị truyền thống. Dù nhà sàn được làm với nguyên liệu nào và có sự khác biệt giữa trước đây và hiện tại thì đó luôn là giá trị văn hoá của người Ca Dong từ xa xưa để lại, đang được Sơn Tây gìn giữ, bảo tồn".
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây VÕ THÌN
 
Chúng tôi về Sơn Mùa đúng vào dịp cả làng tổ chức Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư. Buổi lễ được tổ chức ngay trong làng trên khoảng đất trống giữa những ngôi nhà sàn bao quanh. Những vị già làng được mời ngồi ở vị trí trang trọng nhất nơi diễn ra ngày hội. Các chị, các mẹ được dịp diện những bộ váy áo và đeo những bộ vòng đủ màu sắc, vừa ăn trầu, vừa hát ca, trò chuyện. Nữ chủ nhân ngôi nhà dài trong làng thường sẽ là người khấn vái trước mâm lễ vật cầu mưa thuận, gió hòa, cầu Giàng phù hộ mang niềm vui, sức khỏe đến, đuổi rủi ro, buồn khổ đi xa dân làng. Những ngôi nhà sàn độc đáo, sạch sẽ, rộn rã tiếng cười đùa, hơi ấm và khói bếp vang lên khi mặt trời xuống núi như minh chứng cho sự đổi thay thực sự ở nơi này.

Theo thống kê của huyện Sơn Tây, hiện nay ở Sơn Bua, Sơn Mùa còn khoảng 200 ngôi nhà sàn được xây dựng gần như nguyên bản với nhà sàn truyền thống trước đây của tổ tiên. Điều khác biệt lớn nhất giữa nhà sàn nguyên bản với nhà sàn hiện tại chỉ là trước đây mái lợp tranh, diện tích nhỏ còn bây giờ là lợp ngói, rộng rãi, nhưng ba bên bốn phía vẫn bằng gỗ, sàn nhà lát bằng cây lồ ô. Hiện nhiều nơi ở Sơn Tây, người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở và không ít vùng vẫn chọn xây nhà sàn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đồng bào Ca Dong. Bà Đinh Thị Gio, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua bảo rằng: "Mình được hỗ trợ làm nhà mới thì mừng lắm nhưng luôn có mong ước là làm nhà truyền thống của ông bà mình ngày trước".

Trong vòng 10 năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, toàn huyện Sơn Tây đã có hơn 2.000 ngôi nhà mới được xây dựng, trong đó có 70% là nhà sàn. Tuy nhiên, để giữ gìn vệ sinh, khi xây dựng, chính quyền vận động đồng bào Ca Dong xây nhà bếp riêng, các chuồng trại nuôi gia súc làm xa nhà ở. Cách làm này vừa giúp người dân an tâm ổn định cuộc sống, vừa góp phần gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong.

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.