"Nhân vật Quảng Ngãi thế kỷ XV- Nửa đầu thế kỷ XX"

10:06, 03/06/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tập sách của nhà nghiên cứu văn hoá Lê Hồng Khánh vừa được xuất bản đầu năm 2019. Tập sách giới thiệu tổng quan hơn 70 nhân vật lịch sử người Quảng Ngãi từ thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XX.

Mở đầu cuốn sách, tác giả đã giới thiệu nhân vật Hồ Quý Ly, vị vua mở đầu triều nhà Hồ trong lịch sử Việt Nam và Lê Thánh Tông, người đưa vùng đất thuộc đạo thừa tuyên Quảng Nam cũ (từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Bình Định ngày nay), trở thành một bộ phận vĩnh viễn của quốc gia Việt Nam thống nhất kể từ năm 1471. Theo lời tác giả, thì đó là con người có vị trí đặc biệt, khởi đầu một giai đoạn mới của lịch sử vùng đất Quảng Ngãi.
 
 
Tập sách
Tập sách "Nhân vật Quảng Ngãi thế kỷ XV- nửa đầu thế kỷ XX".

Để có cái nhìn toàn diện về đóng góp của các nhân vật sống và hoạt động vào nửa đầu thế kỷ XX như: Trương Quang Trọng, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Năng Lự... tác giả Lê Hồng Khánh sẽ biên soạn chung vào tập sách về các nhà cách mạng theo đường lối của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin và sẽ xuất bản trong thời gian tới.

Trong số hơn 70 nhân vật được giới thiệu trong tập sách này, phần lớn các nhân vật sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi. Một số nhân vật sinh ra ở các địa phương khác, nhưng có những đóng góp đáng kể đối với quê hương mới và trở thành tiền hiền, thủy tổ của nhiều làng xã, dòng tộc như: Bùi Tá Hán, Trần Cẩm, Lê Quang Đại... Phạm vi và tầm ảnh hưởng của các nhân vật cũng khác nhau. Nhiều người sống và hoạt động chủ yếu trên quê hương Quảng Ngãi, nhưng cũng không ít người gắn hành trạng với các địa phương khác trong nước như: Trương Định, Trần Công Hiến... hoặc gánh vác trọng trách quốc gia như: Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế...

Ngoài ra, tác giả cũng hữu ý khi đưa hai nhà thơ Nguyễn Vỹ (mất năm 1971) và Tế Hanh (mất năm 2009) vào tập sách, nhằm nhấn mạnh những đóng góp của họ đối với lịch sử văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. “Trong việc lựa chọn, giới thiệu các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước phong kiến, cuốn sách xuất phát từ quan điểm tôn trọng tính chân thực lịch sử, không né tránh, hoặc phủ nhận những hạn chế do nguyên nhân khách quan của thời đại, hoặc chủ quan ở mỗi con người trong bối cảnh xã hội cụ thể. Đó là sự trân trọng đối với những đóng góp của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước, tỏ rõ tấm lòng tri ân của hậu thế khi nhìn về các thế hệ cha ông”, tác giả Lê Hồng Khánh giải thích.
 
Để biên soạn tập sách này, ngoài những kiến thức được tích góp trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã tham khảo tư liệu của các nhà nghiên cứu, những cây bút quen thuộc trong lĩnh vực biên khảo về Quảng Ngãi như: Lê Hồng Long, Phạm Trung Việt, Trần Văn Thận, Bùi Hồng Nhân (đã mất)... và nhiều tác giả khác.

Nhà nghiên cứu văn hoá Lê Hồng Khánh là con người đầy tâm huyết với lịch sử, văn hoá tỉnh nhà. Những công trình do ông nghiên cứu, sưu tầm, viết thành sách sẽ là nguồn tư liệu quý báu cho những ai muốn tìm hiểu về đất và người trên quê hương núi Ấn - sông Trà.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


.