"Tam nam bất phú"

09:05, 15/05/2019
.
 *Truyện ngắn của VĨNH TRỌNG

(Báo Quảng Ngãi)- Vợ chồng ông Tư sinh hạ được 2 đứa con trai, nuôi nấng đến nay đã đủ tuổi cập kê. Do bà Tám vợ ông có tính “ghiền” con gái, suốt ngày cứ so bì với hàng xóm rằng họ có phước đẻ được đôi bề, ông đành ngậm ngùi chiều ý vợ.

Vài tháng sau, bà Tám đậu thai, vui mừng khôn xiết. Riêng ông Tư lại ngay ngáy nỗi lo, bởi ông dự lường trước được hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thế nào khi đứa út chào đời. Giai đoạn thai nhi có hình hài, ông bà dắt díu nhau đến bệnh viện siêu âm. Kết quả mà bác sĩ thông báo khiến bà Tám suýt ngã quỵ. Lại là một đứa con trai.

Ông Tư lẳng lặng lấy xe chở bà Tám về nhà. Cả chặng đường, bà cứ úp mặt vào lưng ông khóc sụt sùi. Đau, nhưng ông chẳng biết làm cách nào để an ủi vợ.

- Ông tệ lắm, chẳng đẻ nổi đứa con gái cho tôi. Nói dứt câu, bà Tám quay ngắt bỏ vào phòng, khóa trái cửa. Còn ông thì tựa lưng vào tường, nhìn xa xăm, rít thuốc liên hồi. Thằng hai thấy vậy lẳng lặng bỏ sang nhà bà con gần đó chơi, để hai người tự giải quyết. Nó cũng biết rằng, phận con cái không thể xen vào chuyện của bố mẹ.
 

9 tháng 10 ngày trôi nhanh, bà Tám hạ sinh thằng Út. Nó kháu khỉnh, giống vợ chồng bà như đúc, đến nỗi láng giềng ai nhìn nó cũng tấm tắc khen. Dần dà, bà Tám quên bẵng đi chuyện con gái, dành tình thương cho nó nhiều hơn, bởi dù gì nó cũng là máu mủ do bà đứt ruột đẻ ra.

Ông Tư là trụ cột trong gia đình, nên phần lớn kinh tế đều do một tay ông lo liệu. Số tiền kiếm được từ vài ba sào ruộng và tiệm xay xát lúa nhỏ không đủ để trang trải chi tiêu buộc ông phải xoay xở thêm nhiều nghề khác. Nhờ chí thú làm ăn hai vợ chồng ngày càng gầy dựng được cơ ngơi vững chãi. Nghiệt cái, trời chẳng cho ai tất cả. Thằng hai suốt ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng, không chịu học hành. Bao nhiêu tiền của lũ lượt "đội nón ra đi", vì đứa con trai đầu lòng ấy.

Xấp xỉ lục tuần mà trông ông Tư già hơn hẳn, đầu điểm hai thứ tóc, khuôn mặt chi chít nếp nhăn. Nỗi trăn trở về gia đình, cuộc sống đã “đánh gục” tuổi thanh xuân của người đàn ông này.

Nghĩ “còn nước còn tát”, ông bà hết lòng khuyên nhủ thằng hai, với hy vọng nó “lận lưng” được cái chữ, để sau này dễ xin việc. Cuối cùng nó cũng thi đỗ tốt nghiệp, rồi đỗ vào một trường cao đẳng. Ông Tư bà Tám vui như mở cờ trong bụng vì cứ tưởng nó sẽ thay đổi, sẽ là đứa con ngoan, trò giỏi như bao đứa bạn. Nhưng chỉ ít lâu sau nó đòi nghỉ học để đi nghĩa vụ. Ông bà đành bấm bụng nghe theo.
 
***
Rồi thằng hai xuất ngũ, trở về với gia đình. Loay hoay mãi nó mới tìm được công việc ở một cửa hàng phụ tùng ô tô nơi thành phố đáng sống. Nó vui, nhưng ông Tư, bà Tám chẳng lấy làm hãnh diện khi thấy con mình phải đi làm thuê cho người ta.

Gần nhà, nên cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy nó phi xe về. Hiếm khi thấy nó phụ giúp ba nó chuyện nhà, nhưng dạo này lại tỏ ra siêng phết. Ngay cả bà Tám cũng nghĩ nó có “ý đồ” gì đó. Như dự đoán, ngày nó đi lại, nó mở miệng xin bà vài trăm ngàn bỏ túi. Bà Tám đành phải rút ra ít tờ trong cuộn tiền quấn tròn đưa cho nó, lúc nào cũng nhiều hơn một ít.

Dắt xe ra cổng, nó ngoảnh đầu lại nói với mẹ:

- Con đi đây. Con sẽ gắng kiếm tiền về cho bố mẹ. Con hứa đấy.

- Tự lo được cho bản thân mày là tao với ổng vui rồi, chứ cái xác voi ăn không hết mà cứ bắt bà già này chu cấp hoài.

Bà Tám vừa dứt câu, nó rồ ga phóng một mạch, thoáng cái đã ra khỏi cổng làng. Bà Tám chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

***
Sau đó ít lâu, thằng hai dẫn người yêu về nhà ra mắt. Ông bà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lựa lúc sau bữa cơm, con bé đi rửa chén, ông Tư mới nói khẽ với thằng hai:

- Thân mày chưa lo được trò trống gì mà đòi cưới vợ hả con.

- Bố cứ lo, con lớn rồi, mọi chuyện để con liệu.
Ông Tư hết cách khuyên răn, bỏ ra trước sân châm thuốc hút. Ông rít nhiều hơn mọi ngày, tàn thuốc vương vãi khắp nơi. Hình như ông dùng nó để đỡ căng thẳng, bởi nỗi lo này chưa xong thì nỗi lo khác ập tới khiến ông áp lực khủng khiếp. Bà Tám thì ngồi yên trên ghế sofa, chẳng dám mở miệng vì hôm nay nhà có khách, lỡ lời thì không hay.

Thằng hai càng ỷ thế làm tới, mạnh tay phá gia, vì cứ nghĩ nhà mình có của. Còn ông bà ngày càng tuổi cao sức yếu, làm ăn không được suôn sẻ như trước nên gặp khó khăn về tài chính. Chưa kể, bà Tám bỗng dưng mắc bệnh nan y, phải chạy chữa khắp nơi.

Bất hạnh của ông bà chưa dừng lại ở đó. Nghe người yêu sắp sửa xuất khẩu lao động sang Nhật, thằng hai cấp tốc chạy về nhà, đòi cho bằng được tiền ra ngoài Bắc học ngoại ngữ để cùng người yêu đến đất nước mặt trời mọc.

Ông Tư nhiều đêm thức trắng vì chẳng tài nào chợp mắt nổi.

- Bà ơi, phải cho nó đi thôi. Giờ mà mình ngăn cản, nó làm điều gì nông nổi thì mình ân hận không kịp.

- Ông tính sao thì tính, chứ mất con thì ông sống không yên với tôi đâu.

- Nhớ nó thì mình nói thằng 3 gọi zalo, mình nói chuyện. Tôi nghe mấy đứa nhỏ nó kháo nhau là xem được cả hình ảnh qua điện thoại mà.

- Tôi không biết.

Do cả ngày làm việc nặng nên ông Tư ngủ thiếp lúc nào không hay, để mặc bà Tám với những giọt ngắn giọt dài trên má.

***
Hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Tư đèo bà Tám tới ngân hàng rút tiền tiết kiệm, rồi vay thêm khoản nữa cho đủ trăm triệu. Ông bà biết rõ, chi phí sang Nhật không hề rẻ.

Thằng hai sau vài tháng học đã lấy được bằng ngoại ngữ, dù chưa thạo mấy. Nó phấn khích vì được đi theo tiếng gọi con tim, mặc kệ cảm giác mà bố mẹ phải trải qua lúc này.

***
Sang Nhật, thằng hai làm túi bụi mà không đủ tiêu. Mọi thứ chẳng giống như “ước mơ hoa hồng” mà nó thầm nghĩ tới. Năm này tháng nọ trôi qua, nó chẳng gửi được đồng Yên Nhật nào về nhà. Ông Tư, bà Tám phải nai lưng ra làm kiếm tiền trả gốc, lãi cho ngân hàng.

Nhìn con cái hàng xóm dẫu nghèo mà chí lớn, học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định, có địa vị trong xã hội, bố mẹ được nhờ mà ông Tư, bà Tám buồn thúi ruột. Ông Tư ước sao mình cũng được như người ta, chứ có điều kiện mà con cái không ra gì thì thua kém lắm.

Nỗi uất ức ấy như “cây kim trong bọc có ngày lòi ra” khiến ông Tư chán chẳng thèm làm, suốt ngày tìm đến rượu để giải khuây, mặc cho bà Tám can ngăn mãi. Hàng xóm cứ thấy ông luôn miệng thốt câu “Tam nam bất phú” trong cơn say chếnh choáng.../.

 

.