Gặp lại "Cô gái ngày nào cũng khóc"

04:02, 20/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một ngày cuối đông, Hà Nội còn se lạnh. Bên hồ Thiền Quang, chúng tôi gặp và trò chuyện với Thiếu tá Trần Thị Anh Thư, người con của miền Ấn - Trà,  thuyết minh viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Câu chuyện của chúng tôi không đầu không cuối. Nhưng không biết lúc nào, Thiếu tá Anh Thư dắt tôi về lại với câu chuyện về Khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi trước đây ngày ngày chị mang thông điệp hòa bình đến với du khách gần xa. Cũng từ đó, chị được nhiều người biết đến với tên gọi “cô gái ngày nào cũng khóc”.

Lần bật khóc đầu tiên

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc xã Phổ Cường (Đức Phổ). Tốt nghiệp đại học sư phạm ngoại ngữ, Anh Thư được cô giáo cũ giới thiệu  về làm tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Ngày ấy ở Quảng Ngãi hiếm có người sử dụng tiếng Anh tốt để thuyết minh cho du khách quốc tế. Và đó có lẽ cũng là cơ duyên để chị gắn bó với vùng đất đau thương này. Anh Thư kể: “Ngày đầu đến nhận công tác tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ tôi đã bật khóc khi nhìn tượng đài và những hình ảnh, tư liệu về vụ thảm sát Mỹ Lai  - Sơn Mỹ đau thương”.

 Thiếu tá Trần Thị Anh Thư (bên phải) luôn nỗ lực làm tốt vai trò thuyết minh viên tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.     ẢNH: T.P
Thiếu tá Trần Thị Anh Thư (bên phải) luôn nỗ lực làm tốt vai trò thuyết minh viên tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. ẢNH: T.P


Từ lần bật khóc ấy, trong sâu thẳm trái tim của người con đất Quảng, chị nghĩ ngay đến việc dùng những kiến thức, vốn tiếng Anh của mình để gửi đến du khách trong và ngoài nước về sự tàn khốc của chiến tranh; thức tỉnh lương tri loài người, truyền tải thông điệp khát vọng hòa bình và mong không còn xảy ra một vụ thảm sát Sơn Mỹ thứ hai...

Anh Thư đã gắn bó với Khu Chứng tích Sơn Mỹ hơn 7 năm. Thời gian không dài, nhưng đây là quãng đời đáng nhớ và nhiều kỷ niệm nhất đối với chị. Ngày ấy, nhiều hãng truyền thông đã viết hàng chục bài báo về chị với nhiều tên gọi khác nhau: “Cô gái Sơn Mỹ”, “Nước mắt người thuyết minh” hay “Cô gái ngày nào cũng khóc” đã lột tả một thuyết minh viên có tâm hồn thấu cảm với nỗi đau của đồng bào mình, yêu nghề và yêu quê hương tha thiết.

Những “khoảng lặng” của người thuyết minh

Dù giờ đã rời xa Sơn Mỹ khá lâu, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến Khu Chứng tích Sơn Mỹ, nữ thiếu tá quân đội không giấu được cảm xúc. Chị ứa nước mắt nhớ lại: “Xa Sơn Mỹ nhưng mỗi lần nghe gọi tên khu chứng tích này, tim tôi như thắt lại, nước mắt cứ trào ra. Những hình ảnh đau thương luôn hiện diện trong tâm trí tôi, tiếng thét gào của đồng bào giữa bom đạn và trước nòng súng kẻ thù như văng vẳng bên tai”.

Đầu tháng 10.2018, trên đường đi công tác, Anh Thư đã bật khóc khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời. Chuỗi ký ức về những ngày công tác tại Sơn Mỹ lại ùa về trong chị.

Chị Anh Thư kể, ngày 22.9.2000, Tổng Bí thư Đỗ Mười về viếng và dâng hương tưởng niệm 504 thường dân tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Cảm xúc vinh dự, lo lắng xen lẫn trong tôi với những câu hỏi đặt ra: Kiến thức mình có đủ để trả lời những câu hỏi của Tổng Bí thư? Có đủ tự tin khi đứng trước vị Tổng Bí thư cùng đoàn cán bộ cấp cao tháp tùng? Thuyết minh như thế nào để chuyển tải hết câu chuyện Sơn Mỹ đến các đồng chí lãnh đạo trong một thời gian rất ngắn?...

Tuy nhiên, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thì mọi sự căng thẳng, lo lắng trong chị biến mất. Anh Thư vẫn nhớ mãi hình ảnh của Tổng Bí Thư Đỗ Mười khi ấy: “Khi mình thuyết minh qua những hình ảnh đau thương mà dân ta phải gánh chịu, Bác Đỗ Mười rút khăn tay trong túi áo ra lau nước mắt. Hình ảnh đó đã ăn sâu trong tiềm thức của mình mỗi khi nhớ về Bác ấy".

Người mang thông điệp hòa bình

Từ khi bén duyên với nghề thuyết minh, Anh Thư luôn tâm niệm, người thuyết minh không chỉ lột tả hết những gì lịch sử để lại, mà quan trọng hơn cả là thổi hồn vào những sự kiện, chứng tích. Để từ đó, du khách không cảm thấy một sự kiện khô khan diễn ra mà thẩm thấu được những thông điệp và ý nghĩa từ những sự kiện, chứng tích lịch sử mang lại. Có lẽ vì thế mà Anh Thư đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách trong nước lẫn quốc tế.

Sau hơn 7 năm công tác tại Sơn Mỹ, năm 2005 Anh Thư quyết định theo gia đình chuyển công tác ra Hà Nội. Đây là một quyết định rất khó khăn. Nhưng rồi chị nghĩ: “Ở Sơn Mỹ mình nói về nỗi đau của đồng bào. Ra Hà Nội mình sẽ tôn vinh những chiến thắng vẻ vang của dân tộc”. Và để truyền thông điệp ấy đến với toàn thể những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Anh Thư lại một lần nữa tìm tòi, học hỏi. Chị tỉ mỉ thu thập, ghi chép tất cả những câu chuyện về hiện vật và chuyển tải theo văn phong của mình để bài thuyết minh thêm sinh động, cuốn hút.

TRỊNH PHƯƠNG


.