Quảng Ngãi: Nhiều di tích trở thành "phế tích"

07:07, 12/07/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đã trở thành “phế tích”, không có khả năng phục hồi. 

TIN LIÊN QUAN

Di tích thành phế tích
 
Một bãi cỏ lau chi chít gai gốc thi nhau mọc tua tủa, um tùm cao vút đầu người. Không cọc mốc, không phù điêu, càng đi sâu vào trong, dù "căng" cả mắt xuyên lau lách, vạch bụi rậm, nhưng rất khó có thể tìm thấy dấu tích để chứng tỏ nơi đây là di tích lịch sử. 
 
Ngoại trừ những cụ cao niên trong làng, không ai biết đây là di tích chiến thắng Giá Vực tại xã Ba Vì, huyện Ba Tơ. Một chiến thắng vang dội góp phần giải phóng Quảng Ngãi, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Cách đây 25 năm, chiến thắng Giá Vực là 1 trong 12 di tích được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định bảo vệ. 
 
Ông Trần Xuân Mộc, người trực tiếp tham gia trận đánh Giá Vực không khỏi xót xa. “Di tích giờ không còn gì, xây dựng khu dân cư hết rồi. Rất cần xây dựng di tích để con cháu đời sau thấy được cha ông nó đã làm nên lịch sử như thế nào?”.
 
 
Nhìn đám cỏ um tùm này, không ai biết đây là di tích lịch sử cấp quốc gia Giá Vực, tại xã Ba Vì, huyện Ba Tơ.
Nhìn đám cỏ um tùm này, không ai biết đây là di tích lịch sử cấp tỉnh Giá Vực, tại xã Ba Vì, huyện Ba Tơ.
 
Nằm giữa đồng không hiu quanh, con đường ruộng dẫn vào di tích lịch sử đền Văn Thánh ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) lầy lội, mùa mưa chẳng khác gì “ốc đảo”. Khuôn viên di tích, bia mộ đã bị sụt lún, hoang tàn, đổ nát, cây cối um tùm.
 
Tại di tích chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cũng đang bị xâm hại nặng nề. Quần thể di tích này được quy hoạch quản lý, bảo vệ trên diện tích hơn 4.000m2. Một phần diện tích đất chùa đã “biến” thành đất nhà ở.
 
UBND tỉnh cũng đã nhiều lần yêu cầu huyện Tư Nghĩa kiểm tra, xử lý việc xâm hại khu vực bảo vệ di tích, nhưng đến nay, đã hơn 10 năm vẫn chưa có “động tĩnh” trong khi di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Bùi Văn Tiến cho biết, 2 hộ dân có nhà ở nằm trong khuôn viên chùa đã đồng tình di dời. Cái vướng hiện nay là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với chùa Ông rồi mới tính đến chuyện tôn tạo. 
 
 
Di tích đền Văn Thánh
Di tích đền Văn Thánh.
 
Theo quy định phải thay đổi tên gọi Ban hộ tự thành Ban quản lý. Huyện, xã đã nhiều lần làm việc với Ban hộ tự chùa Ông, đã 5 năm qua vẫn chưa thành lập được Ban quản lý di tích. 
 
Cần có giải pháp bảo vệ, tôn tạo
 
Từ năm 2013 đến 2017, toàn tỉnh có 66 di tích đã được sửa chữa, tôn tạo với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn rất nhiều di tích cấp tỉnh và quốc gia xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa, tôn tạo.
 
Trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh, 20 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ. Có 106 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ cần được viết lại lý lịch, bổ sung tập ảnh khảo tả, đo đạc số hóa bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ theo tọa độ.
 
Đặc biệt, có 12 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ đã bị xâm phạm nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi và phát huy giá trị.
 
Theo Phó trưởng phòng VH - TT huyện Ba Tơ Nguyễn Quang Tấn, huyện có rất nhiều di tích, nằm ngoài thiên nhiên, không tu bổ nên xuống cấp, hư hỏng là tất nhiên. Các di tích quốc gia đặc biệt mới chỉ có bằng công nhận, cần có đề án chỉnh trang, sửa chữa để phát huy giá trị của di tích. 
 
 
Di tích chùa Ông bị xâm lấn nghiêm trọng.
Di tích chùa Ông bị xâm hại nghiêm trọng.
 
Thiếu quyết liệt, trách nhiệm trong bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; các quy hoạch, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa hoàn thành; chưa có giải pháp huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di tích... là những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều di tích bị xâm hại, xuống cấp trầm trọng.  
 
Hiện việc đầu tư tôn tạo di tích đang đối mặt với không ít thách thức khi nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Do đó, xã hội hóa là cần thiết, nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Dẫu vậy, việc đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích cần hợp lý, bảo đảm mỹ quan, không ảnh hưởng đến di tích. 
 
Bài học gần đây nhất là tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng dù chưa được cấp phép nhưng cơ quan quản lý vẫn để “mọc” lên quán bida, khu vui chơi trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc đã để lại một dấu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của ngành chức năng.
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.