Người "giữ lửa" cho văn hóa đồng bào Hre

07:01, 29/01/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Muốn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê không bị mai một, nhiều năm liền ông Đinh Văn Bôn đã trèo đèo lội suối miệt mài tìm kiếm những hiện vật mang giá trị tinh thần cho dân tộc của mình.

Ông Đinh Văn Bôn, 55 tuổi, thôn Tà Mùng, xã Sơn Trung (Sơn Hà) suốt 8 năm trời ròng rã thu thập từng “mảnh vỡ” văn hóa. Đến nay “bảo tàng” văn hóa thu nhỏ của ông đã có hàng trăm đồ vật, nhạc cụ quý giá như đàn Chinhkla, Tà vổ, cồng chiêng, Pờ rốc… được trưng bày trong căn phòng riêng của gia đình.

“Vì ngay từ nhỏ đã được nghe những lời ru của bà, tiếng đàn Pờ rốc của mẹ rồi lớn lên được thấy nhiều nét văn hóa độc đáo của bản làng mình nên mạch nguồn đã khơi dậy trong tôi tình yêu quê hương, đất nước. Vì vậy, nên tôi muốn tìm lại từng âm thanh, giai điệu đã nuôi tôi khôn lớn đến giờ”. Ông Bôn thổ lộ.

Tận mắt thấy đồ vật truyền thống của dân tộc mình ngày càng mất dần, nhiều bà con thấy có ai dưới xuôi lên gạ mua được giá là họ bán hết. Có nhiều món đồ như nồi đồng, cồng chiêng có tuổi hàng trăm năm lần lượt “bốc hơi”, ông Bôn không khỏi băn khoăn đã thu mua lại toàn bộ số đồ vật có giá trị lịch sử này, hiện “bộ sưu tập” của ông đã tương đối đầy đủ.

 

Ông Đinh Văn Bôn cùng những nhạc cụ sưu tầm được
Ông Đinh Văn Bôn cùng những nhạc cụ sưu tầm được.

Để có được bộ sưu tập này, ông Đinh Văn Bôn đã phải mất 8 năm băng qua nhiều bản làng, thôn, xã của huyện Sơn Hà nơi đồng bào Hrê sinh sống để mua lại những đồ vật đó. Nhiều hộ gia đình dù được ông ra giá mua khá cao nhưng không bán vì họ muốn bán cho những thương lái dưới đồng bằng lên mua với giá cao hơn rất nhiều.

Gặp những người có suy nghĩ như vậy, ông Bôn quyết tâm truyền đạt, chia sẻ với họ về nét văn hóa của đồng bào mình và việc làm thế nào để gìn giử nó. Thế là cuối cùng họ cũng đồng ý bán cho ông với mong muốn sau nay con, cháu đồng bào Hrê sẽ được ông truyền dạy, nối nghiệp tổ tiên.

Chia sẻ về quá trình tìm được đầy đủ các món hiện vật, ông Bôn cho biết: “Nhiều hiện vật phải bỏ tiền triệu ra mua nhưng cũng không ít bà con thấy mình có tâm huyết, ước muốn tìm lại lịch sử cha ông nên họ đã thấu hiểu tặng luôn không cần lấy tiền”.

Trong số các hiện vật của ông Bôn, giá trị nhất đó là nồi đồng và bộ cồng chiêng. Hai món đồ này có tuổi thọ gần 400 năm, là dụng cụ không thể thiếu đã trải qua biết bao lễ hội, cúng bái tổ tiên, mùa màng của người Hrê. Trong đó riêng cồng chiêng hơn 20 chiếc, nồi đồng gồm 11 chiếc được ông bỏ tiền của, công sức nhiều năm mới tập hợp được chúng.

Mấy năm qua, mỗi khi có lễ hội hay đến mùa lúa mới ông Bôn lại đem ra biểu diễn cho bà con xem. Những lúc rảnh rỗi ông Bôn kêu gọi các thanh niên, trai trẻ trong thôn, xã tập hợp lại để chia sẻ, chỉ dạy cho chúng về cách sử dụng của từng loại nhạc cụ với mong muốn sau này sẽ có người tiếp nối truyền thống văn hóa mãi mãi cho đồng bào Hrê.

Hỏi về dự định ước mơ sau này, ông Bôn mỉm cười bộc bạch: “ Sắp tới sẽ có một ngôi nhà sàn truyền thống bằng tre để trưng bày toàn bộ hiện vật này, tất cả vật liệu đã sẳn sàng chỉ còn chờ ngày khởi công xây dựng. Với công trình văn hóa này, tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ ngày càng phát huy bản sắc dân tộc, nối nghiệp tổ tiên để giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào người Hrê không bị mai một về sau…”.

Bài, ảnh P.VIÊN


.